Trần Hưng Đạo xuất hiện và bước lên vũ đài lịch sử cùng với quan quân nhà Trần đã chặn đứng vó ngựa quân Mông Cổ, bảo tồn bờ cõi của cha ông và đặt định cho văn minh dân tộc một tấm gương sáng về bậc làm tôi tận Trung, làm con tận Hiếu. Loạt bài Thiên tài quân sự Trần Quốc Tuấn góp phần ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, được viết nên từ nhân vật lịch sử có một không hai này…
Vào những năm cuối triều đại nhà Lý, thời kỳ vua Huệ Tông chính trị hỗn loạn, giặc cướp nổi lên như ong, chính quyền trung ương mất kiểm soát, Vua Huệ Tông không sinh được con trai nên truyền ngôi lại cho Lý Chiêu Hoàng; Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, nhà Trần chính thức bước lên làm chủ đất Đại Việt, dẹp yên hỗn loạn đưa đất nước quy về một mối, thoát khỏi tình trạng cát cứ, phân tranh giữa các vùng, làm rạng rỡ thêm nền văn minh của dân tộc.
Cũng tại thời điểm lịch sử đó ở phương Bắc đế quốc Mông Cổ được thành lập, vó ngựa quân Mông Cổ giày xéo từ châu Á đến châu Âu, sức mạnh như vũ bão, đi đến đâu “cỏ cũng không mọc nổi”, Việt Nam khi ấy đứng trước nguy cơ trở lại thời kỳ bị ngoại bang cai trị.
Trần Hưng Đạo xuất hiện và bước lên vũ đài lịch sử cùng với quan quân nhà Trần đã chặn đứng vó ngựa quân Mông Cổ, bảo tồn bờ cõi của cha ông và đặt định cho văn minh dân tộc một tấm gương sáng về bậc làm tôi tận Trung, làm con tận Hiếu. Loạt bài Thiên tài quân sự Trần Quốc Tuấn góp phần ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, được viết nên từ nhân vật lịch sử có một không hai này.
Thanh Tiên Đồng Tử chuyển sinh
Trần Quốc Tuấn (1228 – 1300), tước hiệu là Hưng Đạo Đại Vương, là 1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Tháng 2 năm 1984, ông được Hội đồng khoa học Hoàng gia vương quốc Anh phong là một trong 10 vị tướng tài xuất sắc của thế giới, chọn trong 98 vị từ cổ đại đến hiện đại; ông được đúc tượng vàng và đặt trang trọng ở Viện bảo tàng lớn nhất Luân Đôn.
Lịch sử như bể dâu thay đổi, sông cạn đá mòn, triều đại này rút lui triều đại khác lên thay nhưng giai thoại về Trần Hưng Đạo vẫn đời đời truyền tụng, như mạch nước chảy mãi không ngừng, người dân vẫn nhớ về ông với lòng tôn kính và đúc tượng thờ ở nhiều nơi, dân gian cho rằng ông là bậc Thánh che chở bình yên cho non sông đất Việt.
Theo truyền thuyết, một đêm nọ mẹ Hưng Đạo Vương nằm mơ thấy có một vị Thiên thần tinh vàng tướng ngọc, tự xưng là Thanh Tiên Đồng Tử, theo lệnh Ngọc Hoàng xuống đầu thai. Sau đó bà thụ thai, đến lúc lâm bồn, có hào quang tỏa sáng rực rỡ khắp cả ngôi nhà, mùi hương thơm ngào ngạt, bà hạ sinh ra một cậu bé khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Trần Quốc Tuấn.
‘Đại Việt Sử Ký toàn thư’ ghi chép: lúc Trần Quốc Tuấn mới sinh ra, có một vị thầy tướng số xem tướng cho và bảo “Người này về sau có thể giúp nước cứu đời”. Khi lớn lên ứng như lời thầy tướng phán, Quốc Tuấn có dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, đọc rộng các sách, có tài văn võ, cha ông đã đi tìm khắp những người thầy tài đức dạy dỗ cho con trai mình. Trần Quốc Tuấn ngày càng học giỏi, tinh thông nhiều sách Thánh hiền kim cổ, tinh thông lục thao tam lược, văn võ toàn tài.
Theo sử sách ghi chép “Trần Quốc Tuấn chăm đọc sách Thánh hiền và cổ nhân, tinh thông lục thao, tam lược”. Điều này cho thấy ông là một người hiếu học, nhưng hiếu học là điều kiện cần, dân gian có câu “Không thầy đố mày làm nên”, nghĩa là người ta muốn làm việc gì đều phải có thầy dạy, đối với người đọc sách Thánh hiền thì phải có thầy giảng giải về những đạo lý ban đầu, từ đó lĩnh hội và ngộ ra những đạo lý cao hơn, rồi đem ra giúp dân giúp nước.
Chăm đọc sách Thánh hiền, được cao nhân nhận làm đồ đệ
Xét hoàn cảnh lịch sử thì thời Lý, Trần đã lập Văn Miếu Quốc Tử Giám làm nơi đào tạo quan lại cho triều đình nhưng chủ yếu đào tạo Nho học. Trần Quốc Tuấn không học ở Quốc Tử Giám vì trong ‘Hịch tướng sĩ’ ông viết: “Nay ta đọc hết các sách binh pháp của các danh gia và soạn thành một cuốn gọi là Binh thư yếu lược. Nếu các ngươi chuyên tập sách này theo lời dạy thì mới phải đạo thần tử. Nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời dạy bảo, thì tức là kẻ thù nghịch”. Điều này cho thấy ông chủ yếu học sách võ từ các danh gia dạy về mưu lược quân sự và cách bài binh bố trận.
Phàm là phép bài binh bố trận từ xưa đến nay vốn là những điều cơ mật, vì nó liên quan đến mạng sống của hàng vạn sinh linh, bí kíp quân sự nếu rơi vào tay kẻ vô đạo thì sẽ làm đảo lộn xã hội. Vì thế mà những bí kíp này thời xưa thường nằm trong tay kiểu người không màng danh lợi, sống ở đời nhưng ít tham gia công việc thế tục hoặc giả nằm trong tay những bậc danh tướng đã trải qua những chiến trận mà đúc rút ra nhưng cũng không phổ truyền rộng, nếu có truyền bá thì cũng chỉ là những tri thức nông cạn bề ngoài. Đạo của phép dùng binh là để cứu đời trong những thời điểm xã hội rối loạn nên các cao nhân thường chọn những người nhân đức để truyền dạy.
Điều này đã được minh chứng qua nhiều câu chuyện lịch sử kể về các vị tướng có sứ mệnh chấn hưng sơn hà, xã tắc đều là người nhờ có đức lớn mới được truyền những bí kíp tinh hoa nhất, ví dụ như: Quỷ Cốc Tử có hai đồ đệ là Tôn Tẫn và Bàng Quyên nhưng Bàng Quyên là người có tâm đố kỵ, nhỏ mọn khác với Tôn Tẫn là tính nhẫn nại, bao dung nên Quỷ Cốc Tử truyền cho Tôn Tẫn những bí kíp cao hơn. Trong chuyện ‘Phong Thần Diễn Nghĩa’ kể về Khương Tử Nha và Thân Công Báo đều là đồ đệ của Nguyên Thủy Thiên Tôn, nhưng Thân Công Báo tâm tính giảo hoạt, đố kỵ người tài nên chỉ được dạy những tiểu năng, tiểu thuật; ngược lại Khương Tử Nha tâm tính cao, đạo đức tốt nên được sư phụ bí mật truyền cho những huyền cơ cao hơn, được nắm giữ Bảng Phong Thần là những thiên cơ mà người thường không thể tiếp cận. Khương Tử Nha phò tá Chu Văn Vương diệt Trụ Vương hoang dâm, vô đạo, lập nên nhà Chu tồn tại hơn 800 năm. Về sau, các danh tướng Hàn Tín, Gia Cát Lượng cũng do các cao nhân, ẩn sĩ truyền dạy…
Sư phụ của Trần Hưng Đạo là người như thế nào?
Xét theo những đạo lý trên thì Trần Hưng Đạo phải được vị cao nhân nào đó nhận làm đồ đệ, vì cơ sở ban đầu là ông ham đọc sách Thánh hiền, người chăm đọc sách Thánh hiền thì sẽ có tâm tính tốt, một lòng mang hoài bão lo cho nước, cho dân, bí kíp quân sự đưa vào tay những người hiền đức sẽ có lợi cho trăm họ.
Sự giáo dục của người thầy được phản ánh ra qua đức độ và tài năng của đồ đệ, kiến thức lĩnh hội từ người thầy sẽ thể hiện ra ở tài lãnh đạo, các quyết sách trị quốc, đối với các vĩ nhân thì thể hiện ở các trước tác, Hưng Đạo Đại Vương để lại ba trước tác nổi tiếng: (1) Hịch tướng sĩ; (2) Binh thư yếu lược; (3) Vạn kiếp tông bí truyền thư (đã thất truyền).
Để có thể viết ra được ‘Binh Thư Yếu Lược’, ‘Hịch Tướng Sĩ’, ‘Vạn Kiếp tông bí truyền thư’ ngoài tư chất thông minh ham học ban đầu thì yếu tố quyết định để hun đúc nên một nhân tài như Trần Hưng Đạo là thầy dạy phải là người có học vấn uyên bác mới có thể truyền thụ, giảng giải, đặt định cho ông những tri thức nền tảng ban đầu về vũ trụ, quy luật vận hành biến hóa của trời đất, lịch sử, địa lý, nguyên lý phép bài binh bố trận, phép dùng người, v.v… những kiểu người này đời xưa thường thấy ở những người tu Đạo, lánh đời, mai danh ẩn tích, bí mật chọn đồ đề để truyền những bí kíp võ học để giúp dân tránh khỏi họa binh đao.
Vào thời Lý, Trần ở nước ta có ba trường phái lớn thịnh hành: Nho gia chủ yếu đào tạo quan lại, tài liệu học chủ yếu là Tứ thư, Ngũ kinh; Phật giáo chuyên về tu Thiện, phổ truyền rộng đến các tầng lớp nhân dân; Đạo gia theo lối đơn truyền, sư phụ lựa chọn duy nhất một đồ đệ trong môn phái, bí mật truyền thụ những điều trong môn của họ. Qua nhiều câu chuyện sử liệu ghi chép thì người theo trường phái Đạo gia thường bàn về phép bài binh bố trận, vì thế có thể suy đoán thầy của Hưng Đạo Vương thuộc trường phái Đạo gia.
Thanh Tiên Đồng Tử chuyển sinh đến nhân gian là Trần Quốc Tuấn để chứng thực lời dạy của Lão Tử: “Lục thân chẳng hòa mới có hiếu tử; nước nhà rối loạn mới có tôi ngay”. Tại vùng đất Việt Nam, Trần Hưng Đạo đã đặt định cho dân tộc một tấm gương chiếu sáng mọi thời đại về: việc nước làm tôi tận trung, trong nhà làm con tận hiếu thuận. Trong lễ mừng thắng trận cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ III, Vua Trần Nhân Tông đã để lại câu thơ nổi tiếng: “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá. Non sông nghìn thuở vững âu vàng”, là có sự đóng góp của ông, vì thế mà giai thoại về Trần Hưng Đạo như mạch nước nguồn chảy mãi không ngừng…
(Còn tiếp…)
DKN-Tĩnh Văn