Thiên kiến xác nhận là một loại thiên kiến khiến chúng ta thường nghĩ rằng mình luôn đúng. Nó dẫn dắt chúng ta phớt lờ những gì đối lập với suy nghĩ của mình và chỉ tập trung vào những điểm củng cố cho quan điểm hiện tại.
Thiên kiến xác nhận tồn tại ở mọi nơi, mọi lĩnh vực trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Đôi khi, nó khá dễ dàng để nhận ra nhưng trong hầu hết mọi trường hợp, khi mà hầu hết mỗi người đều có xu hướng tự cho mình luôn đúng, thì nó lại khá khó để nhận ra và để lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Ví dụ khi lần đầu tiên bạn bước vào lớp học yoga. Bạn lo rằng mình sẽ làm điều gì đó ngu ngốc. ‘Mình thật nặng nề, mà sao bộ quần áo yoga đáng ghét cứ dính sát vào cơ thể, làm lộ ra tất cả những khiếm khuyết của mình thế nhỉ?’, bạn tự nhủ.
Bạn sẽ lập tức chú ý tới những cô nàng với vóc dáng cân đối như “người mẫu” đang tán chuyện ở góc phòng. Khi đi ngang qua họ, tai bạn dỏng lên xem có tiếng cười nào vang lên chăng. ‘Liệu họ có đang cười mình không nhỉ?’
Bạn chọn một vị trí ở phía cuối lớp học nơi không ai có thể để ý đến bạn. Người hướng dẫn yêu cầu tất cả mọi người thực hiện tư thế cong mình kiểu cá. ‘Mọi người có biết làm tư thế này không nhỉ?’
Bạn cố gắng uốn mình nhưng lập tức rơi cái bịch xuống tấm thảm tập. Bạn vội vàng ngước lên để xem có ai nhìn thấy không. ‘Tệ thật!’ Anh chàng ngay bên cạnh đang cười mỉm. ‘TÔI BIẾT MÀ. Tất cả mọi người đang cười vào mặt tôi’.
Buổi tập kết thúc, bạn lao ra khỏi lớp, tránh né ánh nhìn của tất cả mọi người, và thề rằng từ nay trở đi sẽ không bao giờ quay lại phòng tập yoga nữa.
Thiên kiến xác nhận lại chiến thắng lần nữa
Trong lớp học Yoga kia, bạn tìm kiếm các biểu hiện của mọi người để xác nhận sự thiếu tự tin của mình – mấy cô “người mẫu” khúc khích khi bạn đi qua, anh chàng kế bên tủm tỉm khi bạn ngã. Nhưng bạn lại bỏ qua những biểu hiện khác và sự thực là chẳng có ai trong lớp thèm quan tâm đến bạn đâu.
Thiên kiến xác nhận là một khuynh hướng tìm kiếm, diễn giải, và ghi nhớ các thông tin có thể xác nhận những định kiến của bạn. Thứ này mới âm thầm quỷ quyệt làm sao! Nó ảnh hưởng đến mọi lựa chọn của bạn mỗi ngày – thứ bạn muốn mua, sức khỏe, người bạn đời, sự nghiệp, cảm xúc, và tài chính của bạn. Nó đang diễn ra lặng lẽ và bạn không hề hay biết.
Thiên kiến xác nhận ảnh hưởng tới bạn theo 3 cách
- Cách bạn tìm kiếm thông tin
Thiên kiến xác nhận ảnh hướng đến cách bạn nhìn nhận mọi việc xung quanh. Khi bạn đang tự kỷ một mình ở nhà và cảm thấy thật khốn khổ, bạn lập tức nhảy lên mạng lướt Facebook và Instagram. Bạn nhìn những bức ảnh người người đang đi du lịch, đi ăn tiệc, đi lập gia đình và nghĩ: “Mọi người mình biết đều đang sống một cuộc sống tuyệt vời. Còn mình thì… tôi thật là một kẻ thất bại cô đơn.”
Bạn ngồi nhà và cảm thấy mọi thứ thật tệ hại, tất cả là vì bạn chỉ tìm kiếm những thông tin cổ súy cho cảm giác tồi tệ của mình. Bạn thừa biết xem những tấm ảnh này sẽ khiến mình cảm thấy tệ hợn, nhưng bạn vẫn tìm kiếm chúng.
- Cách bạn diễn giải các thông tin thu nhận được
Thiên kiến xác nhận còn ảnh hưởng tới cách bạn diễn giải các thông tin trung lập – và thường thì sự diễn giải này có xu hướng ủng hộ cho niềm tin của bạn.
Khi bạn đang yêu, tất cả những gì bạn thấy ở người yêu là sự hoàn hảo không tỳ vết. Bạn chẳng thấy điểm trừ nào cả. Nhưng khi mối quan hệ xấu đi, đột nhiên tất cả những gì bạn thấy đều là lầm lỗi – hơi thở nặng mùi café của họ, sự huyên thuyên của họ về những chủ đề mà bạn chẳng bao giờ quan tâm, và tóc họ vương vãi khắp nơi trong nhà tắm.
Thực ra vẫn là anh chàng/cô nàng bạn đang hẹn hò đấy thôi, nhưng bạn đang nhận thức mọi việc họ làm theo những cách khác nhau phụ thuộc vào cảm xúc của bạn.
- Cách bạn ghi nhớ mọi việc
Ngay cả trí nhớ của bạn cũng chịu ảnh hưởng của thiên kiến xác nhận, vì bạn diễn giải và có thể thậm chí thay đổi ký ức và các sự kiện trong đầu theo niềm tin của bạn.
Trong một thử nghiệm kinh điển, các sinh viên của trường Princeton và trường Dartmouth được xem một cuộc đấu thể thao giữa hai trường. Sau khi trận đấu kết thúc, sinh viên trường Princeton hào hứng kể lại những pha phạm lỗi của trường Dartmouth, còn sinh viên trường Dartmouth lại nhớ về những pha phạm lỗi của trường Princeton. Cả hai nhóm sinh viên đều tin rằng trường của mình chơi hay hơn, vậy nên họ có xu hướng ghi nhớ và kể lại những tình tiết chứng minh trường họ chơi hay thế nào trong khi đối phương chơi dở ra sao.
Tại sao tôi lại như vậy?
Bạn tìm kiếm những bằng chứng để xác nhận niềm tin của mình, bởi vì chẳng ai muốn thừa nhận sai lầm. Việc phát hiện ra cái sai chứng tỏ bạn không thông minh như mình tưởng. Vậy nên bạn cố gắng tìm kiếm các thông tin xác nhận những điều bạn đã biết.
Trong một thử nghiệm nổi tiếng, khi những người tham gia được cho xem những bằng chứng đi ngược lại với quan điểm chính trị của họ, thì các khu vực não bộ có liên kết với sự đau đớn thể chất trở nên hoạt động hơn – cứ như thể là nhận ra sai lầm sẽ đem lại đau đớn về thể chất vậy.
Thật dễ dàng để chấp nhận những ý tưởng đối lập khi mọi người đang thảo luận đến những vấn đề mà bạn chẳng hề quan tâm. Nhưng cũng có những quan niệm cố chấp được ẩn giấu rất sâu bên trong bạn – bạn là một người tốt như thế nào, quan điểm chính trị của bạn đúng đắn ra sao, v.v. Các bằng chứng chống lại những quan niệm này thường tạo nên sự bất hòa về nhận thức – vốn là một cảm giác tràn ngập căng thẳng và lo lắng.
Sự bất hòa nhận thức sẽ kích hoạt phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy” trong bạn – một là bạn tin tưởng đến cùng vào quan niệm của mình (chiến đấu), hoặc bạn né tránh các dữ liệu chứng minh điều ngược lại (bỏ chạy).
Mục tiêu cơ bản của não bộ là bảo vệ chính mình
Điều này đúng cho cả thể chất lẫn tinh thần. Khi các dữ liệu trái chiều thách thức nhận thức của bạn, bộ não bạn xem đó là một mối đe dọa tâm lý và bảo vệ bạn cứ như thể là nó một mối đe dọa thực sự về thể chất vậy.
Thật mệt khi phải xử lý nhiều thông tin đến vậy
Quá trình xử lý các giả thuyết đối lập và đánh giá các chứng cứ ủng hộ và phản đối từng giả thuyết đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, vậy nên bộ não tinh ranh của bạn sẽ tìm ra con đường nhanh nhất để đến với giải pháp. Thật là mệt khi phải đánh giá các thông tin trái chiều và tìm ra đâu là sự thực, tại sao lại không chọn cách đỡ mệt hơn là đi tìm hai hay ba thứ gì đó ủng hộ cho quan điểm hiện tại của mình nhỉ?
Vậy tôi có thể làm gì?
- Tiếp cận cuộc sống bằng thái độ tò mò, chứ không phải bằng sự cố chấp
Khi bạn cố đi chứng minh rằng mình đúng trong mọi tương tác xã hội, thì bạn đã sa vào bẫy của thiên kiến xác nhận.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu hai nhóm học sinh ít tuổi. Nhóm đầu tiên né tránh việc thách thức các vấn đề, vì việc này đi kèm với rủi ro lớn là chúng sẽ nhận ra mình sai. Nhóm thứ hai chủ động tìm kiếm các vấn đề khó khăn để có cơ hội học hỏi, kể cả khi chúng có thể sai lầm. Kết quả là nhóm thứ hai liên tục có thành tích vượt trội hơn nhóm thứ nhất.
Hãy bớt tập trung vào việc mình đúng đắn ra sao, và tập trung nhiều hơn vào trải nghiệm cuộc sống bằng sự tò mò và khám phá. Khi bạn sẵn sàng chấp nhận mình sai, bạn sẽ cởi mở hơn với những nhận thức mới mẻ hơn.
- Tìm kiếm và thấu hiểu sự bất đồng quan điểm
Thấu hiểu các quan điểm khác nhau có thể làm phong phú và tinh tế thêm quan niệm sống của bạn. Theo các nhà nghiên cứu, những niềm tin cố chấp thực sự có thể thay đổi. Cách nào ư? Hãy để những quan điểm đối lập vây quanh bạn.
Giả sử bạn muốn mua một ngôi nhà. Hãy nhờ một người bạn đưa ra những gợi ý cho bạn lý do không nên mua ngôi nhà đó. Theo cách đó, bạn đang mở rộng tầm nhìn của mình, và chắc chắn là bạn có thể đưa ra những quyết định lý trí hơn.
- Rèn luyện việc suy ngẫm
Để chống lại những thiên kiến về nhận thức, bạn cần phải bình tĩnh đánh giá những phản ứng mang tính bản năng của mình.
Lần tới khi bạn bắt gặp những sự việc khẳng định thế giới quan của bạn, đừng vội vui mừng, hãy tĩnh tâm lại. Hãy ngẫm nghĩ và tìm cách để chứng minh quan niệm của bản thân là sai.
Giả sử bạn là một người yêu thích cà phê – bạn cần một ly vào buổi sáng để có thể làm việc hiệu quả. Khi bạn lướt các tin mới trên Facebook, các bài báo ca ngợi lợi ích của cà phê chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của bạn.
Thật dễ chịu khi được đọc những bài báo này và tự khen bản thân, “Chà chà, quả đúng như những gì mình suy nghĩ”. Lần tới khi thấy bản thân đang làm như vậy, hãy thử tìm kiếm những thông tin mâu thuẫn với niềm tin của bạn. Liệu cà phê có tác hại nào tới sức khỏe không?
Kết luận
Thiên kiến xác nhận là một cái bẫy không thể tránh khỏi của quá trình ra quyết định. Đây là một đặc điểm tâm lý không nên có trong quá trình nhận thức thế giới, nhưng lại là thứ không phải lúc nào bạn cũng vượt qua được. Nhưng khi phải đưa ra những quyết định quan trọng – về sức khỏe, về tài chính, hay tình yêu – bạn sẽ muốn hạn chế các tác động xấu nhiều nhất có thể. Việc tìm hiểu và hiểu rõ cách thức hoạt động của thiên kiến xác nhận có thể giúp bạn giảm thiểu cái giá phải trả cho những hạn chế của nó và đưa ra được những quyết định sáng suốt và có lý trí hơn.
Và hãy nhớ lần tiếp theo khi bạn chuyển tư thế từ uốn mình kiểu cá sang tư thế chim cánh cụt bay, đừng lo lắng gì nữa nhé: vì chẳng ai buồn quan tâm đến bạn đâu.
Tác giả: Nir Eyal – Theo Psychology Today – Quốc Hùng