Chủ tịch tập đoàn Daewoo Kim Woo-choong đã xây dựng lên một đế chế hùng mạnh bậc nhất Hàn Quốc trong thời kì công nghiệp hóa, nhưng ông cũng là người chứng kiến nó sụp đổ nhanh chóng.
Cựu Chủ tịch tập đoàn Daewoo Kim Woo-choong đã qua đời ở tuổi 83, ông được công nhận là doanh nhân thế hệ thứ nhất, có công khai phá thị trường thế giới.
Người khai phá “Kỳ tích sông Hàn”
Ông Kim Woo Choong sinh ngày 19/12/1936, tại Daegu, Hàn Quốc, trong một gia đình rất nghèo. Tuổi thơ của ông đã nếm trải những nhọc nhằn của cuộc sống từ rất sớm. Năm 1960, ông Kim tốt nghiệp Đại học Yonsei và là một trong những người có số điểm cao nhất của khoa kinh tế trường ĐH Yonsei.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông vào làm tại một công ty thương mại nhỏ, chuyên về dệt may và vải vóc. Năm 1976 ông tách ra và thành lập Công ty Kỹ nghệ Daewoo cùng 5 người bạn với số vốn ít ỏi 10.000 đôla và một khoản vay 5.000 USD, trong một căn phòng thuê bé nhỏ, bẩn thỉu ở một góc tòa nhà.
Không lâu sau, ông mua lại quyền điều hành toàn bộ Daewoo. Chỉ trong 10 năm, ông đã là chủ sở hữu của tòa nhà lớn nhất Hàn Quốc lúc bấy giờ: Trung tâm Daewoo. Ông Kim làm ăn rất tốt và mua lại nhiều công ty khác nhau. Hồi đó, ông được mệnh danh là nhà ảo thuật trong việc biến các công ty bên bờ vực phá sản thành những cỗ máy sản xuất tiền không biết mệt mỏi.
Một dấu ấn mà ông Kim Woo Choong để lại cho những người đi sau đó chính là việc ông luôn tiết kiệm thời gian. Và thời gian chính là một trong yếu tố quan trọng giúp Daewoo có bước phát triển thần tốc trong 10 năm. Ông Kim Woo Choong cũng khẳng định phần lớn động lực để Tập đoàn Daewoo phát triển rực rỡ là bởi họ đã biết tôn trọng và tận dụng thời gian dù đã bắt đầu trễ so với những tập đoàn kinh tế khác.
Vào thời kỳ Hàn Quốc tăng trưởng cao nhanh chóng, còn gọi là “kỳ tích sông Hàn”, cố Chủ tịch Kim đã mua lại và sát nhập các công ty để mở rộng quy mô doanh nghiệp. Ông được công nhận là doanh nhân thế hệ thứ nhất, có công khai phá thị trường thế giới.
Sau 30 năm ngắn ngủi, tập đoàn Daewoo đã được xếp thứ 2 về tài sản và thứ 3 về lợi nhuận ở Hàn Quốc. Cùng với Samsung và Hyundai, Daewoo là “tam đại chaebol (tập đoàn kinh doanh), từ lâu được coi là “rường cột” kinh tế của quốc gia này.
Bản thân ông Kim cũng được người dân Hàn Quốc coi là thần tượng, sự hóa thân kì diệu của nền kinh tế. Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov từng gọi ông Kim là “Kimghis Khan”, so sánh những bước tiến vượt ra khỏi biên giới quốc gia của Kim Woo Choong với người chinh phục Mông Cổ huyền thoại.
Từ đỉnh cao đến sự đổ vỡ
Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Daewoo phá sản năm 1999 với khoản nợ trên 75 tỉ USD. Bản thân ông Kim bị cáo buộc gian lận tài chính quy mô lớn để chống đỡ cho công ty đang gặp khó khăn khi đó. Đồng thời, ông được cho là nguyên nhân chính gây ra sự sụp đổ của Daewoo vì đã thổi phồng tài sản của công ty lên đến 41 tỉ USD để vay được những khoản vốn đầu tư rất lớn cho kế hoạch bành trướng sản xuất ôtô của mình.
Sau khi công ty của ông sụp đổ, ông trốn ra nước ngoài để tránh một cuộc điều tra hình sự về các hoạt động của công ty. Khi trở về Hàn Quốc, ông Kim Woo Choong cũng đã thừa nhận: “Lỗi lầm lớn nhất của tôi là quá tham vọng, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ôtô. Tôi đã thực hiện quá vội vã, gấp gáp, muốn có được tất cả sau 5 năm thay vì 15 năm. Tôi đã đầu tư mà không cần biết đến thị trường và chỉ chăm chăm cho mục tiêu duy nhất: bán càng nhiều ôtô càng tốt”.
Trải qua thất bại đau đớn, giờ đây, Kim Woo Choong muốn chia sẻ với thế hệ trẻ về việc cần học tập một cách từ tốn, chắc chắn và tích cực tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Vội vã vì mục đích trước mắt sẽ cản trở mục tiêu đích thực lâu dài. Bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh sẽ thành công trong mọi việc.
Mặc dù vậy, ông Kim Woo Choong vẫn được đánh giá cao trong giới doanh nhân khi ước mơ, khát vọng, động lực làm việc của ông đến nay vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở các quốc gia nơi Daewoo đặt chân đến.
Bên cạnh đó, dưới sự dẫn dắt của ông Kim Woo Chong, Daewoo đã dẫn đầu làn sóng đầu tư của Hàn Quốc sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, và mở đầu cho làn sóng Hàn Quốc trong khu vực cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, người ta cũng không quên những sai lầm, vấp ngã của ông, thậm chí là sự trốn chạy trong suốt 6 năm kể từ ngày Daewoo bị phá sản cũng là bài học về tham vọng, vội vã trong kinh doanh. Những bài học mà ông Kim Woo Chong để lại sẽ luôn là kim chỉ nam cho thế hệ doanh nhân Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung trên con đường xây dựng thành công.
Cẩm Anh