Các quốc gia giàu có nhất thế giới phải khẩn trương chuẩn bị cho tác động của một “cuộc cách mạng AI” sắp xảy ra sẽ thay đổi cấu trúc việc làm, tạo ra những công việc mới và khiến nhiều việc làm biến mất.
Tiềm năng và nguy cơ
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) – với các công cụ có thể viết luận, tạo hình ảnh và thậm chí vượt qua các kỳ kiểm tra y tế – đã làm dấy lên lo ngại rằng, nó có thể thay thế toàn bộ các lĩnh vực của lực lượng lao động thông qua tự động hóa.
Trước đó, theo báo cáo của Goldman Sachs (Mỹ), 300 triệu việc làm trên toàn cầu có nguy cơ bị thay thế bởi AI như ChatGPT và các giải pháp công nghệ khác. Báo cáo cho rằng, AI có thể tự động hóa 25% công việc của toàn bộ thị trường lao động. Những công việc như quản trị, pháp lý và kiến trúc là 3 nhóm ngành có tỷ lệ thay thế bởi AI cao, theo thứ tự lên đến 46%, 44% và 37%. Một số dữ liệu cũng cho thấy những công việc có nguy cơ bị thay thế bởi AI đã tăng đáng kể từ tháng 11/2022, khi ChatGPT được giới thiệu đến công chúng.
Trong khi một số ngành nghề hào hứng với việc sử dụng AI, số khác lại cho rằng, họ có thể gặp rủi ro khi công nghệ này phát triển. Tại Trung Quốc, một nghiên cứu được công bố hồi tháng 3 cho thấy, 54% công việc ở nước này có nguy cơ cao bị thay thế bởi AI trong những thập kỷ tới.
Trong báo cáo Triển vọng việc làm năm 2023, OECD cho biết: “Mặc dù việc áp dụng AI vẫn còn tương đối thấp, nhưng tiến độ nhanh chóng, chi phí giảm và nguồn lao động AI có kỹ năng ngày càng tăng cho thấy các nền kinh tế cần đối mặt với cuộc cách mạng từ công nghệ này. Vì vậy, mặc dù có nhiều lợi ích tiềm năng từ AI, nhưng cũng có những rủi ro cần được giải quyết khẩn cấp”.
Theo OECD, các công việc có rủi ro bị tự động hóa cao nhất chiếm trung bình 27% lực lượng lao động, trong đó các nước Đông Âu có nguy cơ bị tự động hóa cao nhất. Trong khi đó, cứ 5 công nhân thì có 3 người lo sợ rằng họ có thể mất việc vào tay AI trong 10 năm tới, theo một cuộc khảo sát của OECD vào năm ngoái. Cuộc khảo sát bao gồm 5.300 công nhân tại 2.000 công ty trải dài trong lĩnh vực sản xuất và tài chính trên 7 quốc gia OECD.
OECD cho biết, công tác thu thập dữ liệu tốt hơn về việc tiếp nhận và sử dụng AI tại nơi làm việc là rất quan trọng, nó sẽ làm rõ những công việc nào sẽ thay đổi, được tạo ra hoặc biến mất và nhu cầu kỹ năng đang thay đổi như thế nào.
Ông Stefano Scarpetta – Giám đốc phụ trách việc làm, lao động và xã hội của OECD cho biết, việc sử dụng AI thường tập trung ở các công ty lớn vẫn đang thử nghiệm công nghệ mới và nhiều người tỏ ra miễn cưỡng trong việc thay thế nhân viên. Tuy nhiên, rõ ràng là tiềm năng thay thế vẫn còn đáng kể, làm dấy lên lo ngại về việc giảm lương và mất việc làm.
OECD cho biết thêm, AI có thể mang lại mức lương cao hơn cho những người lao động có kỹ năng bổ sung cho công nghệ.
Giải pháp hài hòa
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tài chính và Kinh tế trung ương (Trung Quốc) và Đại học Hull (Anh) cho rằng: “Khi công việc và AI cùng phát triển, người lao động sẽ cần thích nghi với các hoạt động đòi hỏi sự sáng tạo và nhạy bén nhiều hơn. Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần cung cấp thêm cơ hội đào tạo nghề và hỗ trợ thu nhập cho những người lao động bị cuốn vào cơn lũ AI để hoàn thành quá trình chuyển đổi”.
Tờ South China Morning Post dẫn lời bà Julia Chen – thành viên công ty tư vấn Concordia có trụ sở tại Bắc Kinh – cho rằng, AI sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tương lai việc làm ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới – Mỹ và Trung Quốc. Song các biện pháp can thiệp của chính phủ có thể làm giảm tác động của AI với thị trường việc làm.
Đầu tháng 4, cơ quan giám sát Internet của Trung Quốc đã đề xuất quy tắc cho các dịch vụ tương tự ChatGPT, yêu cầu nhà phát triển ngăn chặn nội dung phân biệt đối xử, thông tin sai lệch và nội dung vi phạm quyền riêng tư cá nhân hoặc sở hữu trí tuệ, theo CNBC.
Tất cả sản phẩm AI tạo sinh cũng phải vượt qua đánh giá bảo mật của chính phủ Trung Quốc trước khi phát hành ra công chúng. Trong khi đó, chính phủ Mỹ đang lấy ý kiến của công chúng về các biện pháp đảm bảo quyền riêng tư và minh bạch.
Tuy nhiên, bất chấp sự lo lắng về sự ra đời của AI, 2/3 số công nhân đã làm việc với nó nói rằng tự động hóa đã khiến công việc của họ bớt nguy hiểm hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có hành động khẩn cấp để đảm bảo AI được sử dụng một cách có trách nhiệm và đáng tin cậy tại nơi làm việc. Một mặt, phải tạo điều kiện cho người lao động và người sử dụng lao động gặt hái những lợi ích của AI trong quá trình thích nghi với nó, đặc biệt là thông qua đào tạo và đối thoại xã hội.
“Trí tuệ nhân tạo cuối cùng sẽ tác động như thế nào đến người lao động tại nơi làm việc và liệu lợi ích có lớn hơn rủi ro hay không, điều này phụ thuộc vào các hành động chính sách mà chúng ta thực hiện. Các chính phủ phải giúp người lao động chuẩn bị cho những thay đổi và hưởng lợi từ những cơ hội mà AI sẽ mang lại” – Tổng thư ký OECD Mathias Cormann phát biểu tại một cuộc họp báo.
Theo Hà Anh–Đại đoàn kết