Tập đoàn Hòa Phát rót khoảng 80.000 tỷ đồng cho nhà máy Dung Quất 2, đề xuất chi 4,3 tỷ USD cho tổ hợp dự án tại Đắk Nông.
Với các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, quy mô tỷ đô phần lớn thuộc về các dự án bất động sản. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện nhiều doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu các siêu dự án quy mô vài chục nghìn tỷ đồng.
Hòa Phát đầu tư 80.000 tỷ đồng cho Dung Quất 2 và đề xuất tổ hợp 4,3 tỷ USD tại Đắk Nông
Trong quý I năm nay, Tập đoàn Hòa Phát ( HoSE:HPG ) đã triển khai khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 tại tỉnh Quảng Ngãi để sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) với công suất 5,6 triệu tấn/năm. Tổng mức đầu tư dự án ước tính khoảng 80.000 tỷ đồng (3,5 tỷ USD), trong đó vay ngân hàng 35.000 tỷ đồng và phần còn lại từ vốn chủ sở hữu.
Hiện tại, dự án đang đi đúng với lộ trình khi trong tháng 5, Hòa Phát đã ký được toàn bộ những hợp đồng thầu lớn. Dự kiến khi hoàn thành vào năm 2024, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát đạt khoảng 14 triệu tấn/năm, trong đó có 8,6 triệu tấn HRC, lọt top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.
Theo chia sẻ từ tập đoàn, động lực phát triển dự án Dung Quất 2 là do nhu cầu HRC cả nội địa và quốc tế đều rất cao. Mỗi tháng khách hàng nội địa chào mua trên 300.000 tấn HRC nhưng chạy tối đa công suất Hòa Phát chỉ đáp ứng được sản lượng trên 200.000 tấn, chưa kể khách hàng nước ngoài.
Bên cạnh dự án nhà máy Dung Quất 2, Hoà Phát còn đề xuất đầu tư tổ hợp dự án nhà máy quy mô 4,3 tỷ USD tại Đắk Nông trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh trong tháng 4. Dự kiến khi đi vào hoạt động, tổ hợp dự án này sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
Tổ hợp gồm dự án alumin, công suất 2 triệu tấn alumin/năm; nhà máy tuyển quặng công suất 5 triệu tấn/năm. Địa điểm xây dựng nhà máy tuyển thuộc địa phận xã Đắk D’rung, nhà máy alumin và nhôm tiếp giáp 2 xã Nâm N’Jang và Trường Xuân (huyện Đắk Song). Ngoài ra, còn có dự án điện phân nhôm, công suất 0,5 triệu tấn/năm và dự án nhà máy điện gió Hòa Phát công suất 1.500 mW xây dựng tại huyện Đắk Song và Tuy Đức.
Hóa chất Đức Giang dự chi 2,5 tỷ USD cho dự án bô xít ở Đắk Nông
Ngoài Hoà Phát, Hoá chất Đức Giang ( HoSE:DGC ) cũng tìm đến Đắk Nông để phát triển dự án bô xít với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 57.000 tỷ đồng (2,5 tỷ USD). Dự án tổ hợp Nhôm – Đắk Nông có quy mô khai thác khoảng 14,4 triệu tấn quặng bô xít/năm, và 3 nhà máy tuyển quặng sẽ được xây dựng với công suất 5,8 triệu tấn quặng tinh/năm.
Về vị trí mỏ bô xít, UBND tỉnh Đắk Nông đã đồng ý cho công ty ty nghiên cứu, khảo sát đặt mỏ tại huyện Tuy Đức và huyện Đắk Song, và đặt nhà máy chế biến alumin tại xã Thuận Hà và Thuận Hạnh (Đắk Song). Ước tính dự án đóng góp hơn 4.800 tỷ đồng cho ngân sách hàng năm khi đi vào hoạt động.
Tuy mới ở giai đoạn nghiên cứu, dự án có quy mô lớn hơn hẳn so với các dự án hiện tại của Hóa chất Đức Giang và quy mô tài sản của doanh nghiệp (tính tới cuối quý I là chưa tới 9.500 tỷ đồng).
PV Power và nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4 1,4 tỷ USD
Tại mảng sản xuất điện, Chính phủ giao cho PV Power ( HoSE:POW ) thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4 trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD. Trong đó, 25% đến từ vốn chủ sở hữu doanh nghiệp và 75% là các khoản vốn vay. Vốn vay bao gồm các nguồn tín dụng xuất khẩu (nguồn ECA) – khoảng 600 triệu USD, vay thương mại nước ngoài khoảng 300 triệu USD và vay trong nước khoảng 174 triệu USD.
Quy mô công suất của dự án trọng điểm quốc gia này là 1.500 mW. Đây là dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên ở Việt Nam; góp phần thực hiện “Cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050” của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm nay, Chủ tịch HĐQT Hồ Công Kỳ cho biết dự án khởi công vào ngày 30/4. Kết cấu lò hơi dự kiến sẽ được lắp đặt vào cuối năm 2023. Khoảng tháng 10/2024 PV Power sẽ vận hành thương mại tổ máy số 1 và sau đó 6 tháng sẽ vận hành tổ máy số 2. Nhà máy dự kiến vận hành vào năm 2024 – 2025, hàng năm sẽ cung cấp ổn định cho lưới điện Quốc gia khoảng 9 tỷ kWh.
Sân bay Long Thành do ACV làm chủ đầu tư với tổng vốn 15 tỷ USD
Nhắc đến dự án tỷ đô không thể không kể đến dự án sân bay quốc tế Long Thành do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam ( UPCoM: ACV ) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư khoảng 15 tỷ USD (336.630 tỷ đồng).
Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng với công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm; có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ.
Việc xây dựng dự án được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư một đường cất hạ cánh (số 1) dài 4.000 m, rộng 75 m và hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo cho các loại tàu bay hoạt động đáp ứng công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án sân bay Long Thành là hơn 4,7 tỷ USD (109.111 tỷ đồng), đưa vào khai thác trong năm 2025.
Theo thông tin từ Báo Chính phủ, kể từ cuộc họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo lần ngày 6/4 và cuộc kiểm tra hiện trường ngày 27/4, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã có chuyển động, có thêm 200 ha được bàn giao. Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đã bàn giao gần 95% diện tích mặt bằng thi công giai đoạn 1 (2.398,42 ha/2.532 ha), phần diện tích còn lại dự kiến bàn giao xong trong tháng 6.
ACV cập nhật, đến ngày 12/6, tổng khối lượng đào đắp đạt 11,5 triệu m3. Toàn bộ khu vực lõi nhà ga đã được san lấp trong tháng 5, trước một tháng so với kế hoạch. Tuy nhiên Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ rõ công việc giải phóng mặt bằng và việc đào đắp, san lấp mặt bằng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Cụ thể, sau hơn 4 tháng mới chỉ được khoảng 11,5 triệu tấn, trong khi yêu cầu đặt ra là trong 11 tháng tới khối lượng đào đắp đạt trên 100 triệu tấn. Do đó, ACV cần có giải pháp để bù tiến độ, dứt khoát bảo đảm hoàn thành 110 triệu m3 vào tháng 7/2023.
Theo Vy Anh-Theo NĐH