Nhiều khả năng La Nina sẽ kéo dài sang năm thứ 3, điều hiếm khi xảy ra kể từ năm 1950.
Theo hãng tin Bloomberg, thế giới có nhiều khả năng sẽ trải qua năm thứ 3 liên tiếp dưới tác động của la Nina, điều lần thứ 3 xảy ra kể từ năm 1950. Những dấu hiệu như trận lũ lụt gây chết người ở Pakistan, hàng loạt đợt nắng nóng và cháy rừng ở Tây Mỹ, những trận mưa gây lụt ở Australia và Indonesia hay các đợt hạn hán nặng tại Brazil và Argentina đều cho thấy La Nina có thể sẽ kéo sang năm 2023.
Hãng tin Bloomberg cho hay, việc La Nina kéo sang năm thứ 3 đồng nghĩa với việc nền kinh tế toàn cầu sẽ mất khoảng 1 nghìn tỷ USD thiệt hại vì thay đổi khí hậu. Những trận lũ lụt, hạn hán, bão tố hay cháy rừng sẽ phá hủy nhiều gia đình hơn, hủy hoại mùa màng, cản trở giao thương, làm đứt gãy chuỗi cung ứng và nguy hiểm nhất là gây chết người.
La Nina là hiện tượng bề mặt biển ở trung tâm và phía Đông xích đạo Thái Bình Dương lạnh đi so với bình thường, xảy ra cứ sau hai đến bảy năm. La Nina thường bắt đầu hình thành từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm, nhưng thời điểm gây ảnh hưởng mạnh nhất là vào cuối năm cho tới tháng 2 năm sau. Ở Đông Nam Á, nó thường gây ra lượng mưa trên mức trung bình và lũ lụt.
Hiệu ứng này có tác động rộng rãi đến thời tiết trên khắp thế giới, gây tác động trái ngược với El Nino – hiện tượng mặt biển nóng lên ảnh hưởng đến nhiệt độ toàn cầu.
Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên hợp quốc cho biết tình trạng hạn hán khắc nghiệt đã từng tàn phá vùng Sừng châu Phi và Nam Mỹ đều do ảnh hưởng của la Nina. Nó cũng từng là thủ phạm gây lượng mưa nhiều trên mức trung bình đầu năm nay ở Đông Nam Á và Australia.
Hiện tượng này cũng được cho là sẽ gây ra mùa bão mạnh trên trung bình ở Đại Tây Dương. Tuy nhiên, Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên hợp quốc nhấn mạnh tác động của các hiện tượng khí hậu tự nhiên như La Nina đang ngày càng gia tăng do trái đất nóng lên.
Thật khó để tưởng tượng được rằng tất cả những thiệt hại này lại chỉ bởi vì vùng biển xích đạo Thái Bình Dương giảm vài độ C. Trên thực tế vòng tuần hoàn nóng lạnh tài vùng biển này đã kéo dài hàng thế kỷ nhưng sự trỗi dậy của La Nina lại đang thu hút ngày càng nhiều sự chú ý của mọi người do những thiệt hại kinh tế mà nó gây ra.
Nhà sáng lập Michael Pento của Pento Portfolio Strategies nhấn mạnh la Nina gây ảnh hưởng đến mọi thứ bên cạnh những yếu tố nhưng xung đột Ukraine hay giá nguyên liệu tăng trên toàn cầu.
“Khi bạn xem xét đến biến đổi khí hậu thì chúng cũng góp phần khiến giá nhiên liệu đi lên, giá lương thực tăng và thúc đẩy lạm phát. Hiện tượng này gây ảnh hưởng xấu cho kinh tế toàn cầu và làm xói mòn những nỗ lực của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED)”, ông Pento nhận định.
Dự đoán của Trung tâm dự báo khí hậu Mỹ (CPC) cho thấy có đến 97% khả năng La Nina sẽ tiếp tục tồn tại cho đến tháng 10/2022 và 80% tồn tại cho đến tháng 1/2023. Kể từ năm 1950 đến nay, La Nina chỉ có 2 lần kéo dài đến 3 năm là vào 1998-2001 và 1973-1976.
Dẫu vậy, các chuyên gia lo lắng đợt La Nina lần này sẽ ác liệt hơn khi nó tạo ra những hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt, thường xuyên hơn so với trước đây. Hãng tin Bloomberg cho biết chi phí chống hạn hán, giải quyết hậu quả những trận mưa bão hay thiên tai do La Nina gây ra đã lên đến hàng chục tỷ USD trên toàn cầu và con số này ngày một tăng nhanh do số lượng xảy ra ngày một nhiều. Có lẽ không ai khác hiểu rõ hơn về những thiệt hại này ngoài các hãng bảo hiểm.
Số liệu của hãng nghiên cứu Aon cho thấy thay đổi khí hậu khiến thế giới mất 268 tỷ USD tiền khắc phục hậu quả năm 2020. Con số này là 329 tỷ USD năm 2021. Nếu La Nina kéo dài sang cuối năm 2023 thì tổng chi phí mà thế giới phải bỏ ra có thể lên đến 1 nghìn tỷ USD.
Thậm chí, con số này mới chỉ tính chủ yếu đến các thiệt hại về bất động sản và hoa màu, trong khi tác động của La Nina có thể còn lớn hơn nữa. Hàng loạt sản phẩm sẽ tăng giá vì đứt gãy chuỗi cung ứng, qua đó thúc đẩy lạm phát, chưa kể đến những tác động đến nền kinh tế và các ngành sản xuất, dịch vụ.
Dưới đây, hãy cùng điểm qua một số vùng chịu ảnh hưởng của La Nina hiện nay:
– Bắc Mỹ
Hạn hán đang hoành hành ở miền tây Canada và Mỹ, khiến nông dân thiếu nước tưới tiêu, các nhà máy thủy điện cạn khô còn người dân thì phải vất vả sống dưới điều kiện khô nóng.
Tại bang Texas, hạn hán đã khiến sản lượng bông sụt giảm mạnh, đẩy giá nguyên liệu này lên mức cao nhất hơn 10 năm qua.
“Năm 2022 có lẽ là năm kỷ lục về mất mùa bông tại Mỹ. Ngày càng nhiều nông dân phải từ bỏ hơn một nửa cánh đồng bông của mình vì thiếu nước”, CEO Kody Bessent của Plains Cotton Growers Inc lo lắng.
Trong khi đó tại khu vực biển Thái Bình Dương, La Nina đang tạo nên rất nhiều cơn bão. Năm 2020, vùng biển này ghi nhận mức kỷ lục 30 cơn bão, năm 2021 là 21.
– Australia
Những trận mưa lớn gây lụt đang diễn ra ở nhiều nơi như New South Wales, Queensland hay bang Victoria của Australia. Trận mưa lớn này đã khiến hơn 20 người thiệt mạng và phá hủy hơn 15.000 ngôi nhà. Tổng số tiền bảo hiểm phải thanh toán đã lên đến 3 tỷ USD.
Theo Bloomberg, thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến vụ mùa thu hoạch lần trước và trong năm nay, mưa nặng khiến vụ trồng của người nông dân tiếp tục bị ảnh hưởng. Tồi tệ hơn, các đợt lũ khiến những mỏ than khai thác ở New South Wales và Queensland bị ảnh hưởng. Đây vốn là những khu vực xuất khẩu than đá cho ngành luyện thép nổi tiếng trên thế giới.
Ngoài ra tại New Zealand, thay đổi thời tiết và nhiệt độ nước biển cũng được cho là đã giết hàng trăm chim cánh cụt, đẩy chúng dạt lên các bờ biển và khiến giới truyền thông nước này bàng hoàng.
– Nam Mỹ
Thời tiết khô hạn đã ảnh hưởng đến vụ mùa cà phê, mía đường và cam tại Brazil, quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới về 3 sản phẩm trên. Trong khi đó, thời tiết xấu cũng đang cản trở hoạt động khai thác quặng sắt tại các vùng như Usiminas, Gerdau hay Vale, vốn là nơi khai thác quặng sắt lớn thứ 2 thế giới.
Tại Argentina, hạn hán đang hủy hoại vụ trồng đậu nành và ngô, vốn là nguồn thu nhập chủ chốt của nền kinh tế này.
Tồi tệ hơn, thời tiết khô đang khiến sông Panama bị cạn, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của thuyền bè qua kênh đào huyết mạch của thế giới này, qua đó đẩy chi phí vận tải lên cao hơn nữa.
– Nam Á
Tại Pakistan, lũ lụt đã khiến gần 1.500 người thiệt mạng với tổng giá trị thiệt hại ước tính ít nhất 10 tỷ USD. Bangladesh cũng đang chịu ảnh hưởng từ các trận lụt khiến 7,2 triệu người dân nước này chịu ảnh hưởng.
Ấn Độ cũng đang phải chống đỡ với những trận mưa lớn gây lụt, khiến 300.000 ngôi nhà ở đây chịu thiệt hại.
“Trận lụt kinh hoàng ở Pakistan hay nhiều nơi khác không phải ngẫu hiên mà có. Đó là do La Nina”, chuyên gia Fahad Saeed của Climate Analytics cảnh báo.
*Nguồn: Bloomberg-Băng Băng-Theo Nhịp sống kinh tế