Kết quả đáng khích lệ từ việc thử nghiệm vắc-xin COVID-19 trên người khiến các nước thêm hy vọng về một công cụ phòng dịch hiệu quả.
Trong số khoảng 150 loại vắc-xin COVID-19 được phát triển trên thế giới, gồm 24 loại vắc-xin đang được thử nghiệm lâm sàng, AZD1222 được đánh giá là có nhiều ưu điểm nhất hiện nay, kích hoạt đáp ứng miễn dịch mà không gây tác dụng phụ nghiêm trọng, theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa nổi tiếng thế giới The Lancet ngày 20/7.
AZD1222 là sản phẩm hợp tác giữa Đại học Oxford của Anh và công ty dược phẩm toàn cầu AstraZeneca (trụ sở ở Anh). Vắc-xin đã qua thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 với 1.077 người khỏe mạnh trong độ tuổi 18-55. Kết quả, AZD1222 đã kích hoạt 2 đáp ứng miễn dịch: Tăng kháng thể và phản ứng tế bào T. Tế bào T là một loại tế bào lympho (một phân lớp của bạch cầu) đóng vai trò trung tâm trong miễn dịch qua trung gian tế bào.
GS Adrian Hill, một trong những tác giả của nghiên cứu AZD1222, nói rằng, phản ứng miễn dịch “hai hướng” là lý tưởng. Kháng thể ngăn các tế bào khỏe mạnh nhiễm virus và tế bào T hoạt động để tiêu diệt các tế bào đã bị lây nhiễm. “Đạt được cả 2 đáp ứng này sau khi tiêm chủng, đôi lúc chỉ sau một liều, là kết quả rất đáng khích lệ”, GS Hill nói.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nhận định, kết quả nghiên cứu là “một tin rất tích cực”, Al Jazeera đưa tin ngày 21/7. Ông Mike Ryan, Giám đốc Điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng coi đây là “tin tốt lành”.
Trong giai đoạn 1 thử nghiệm AZD1222, một tháng sau khi được tiêm một liều, 91% số người được tiêm vắc-xin đã xuất hiện kháng thể trung hòa (ngăn coronavirus mới lây nhiễm các tế bào). Sau 28 ngày, tất cả 10 người được tiêm liều thứ hai đều xuất hiện kháng thể trung hòa. Thử nghiệm trên lợn trước đó cũng có kết quả tương tự.
Mức độ này tương đương kháng thể sinh ra trong cơ thể những người mắc COVID-19 rồi khỏi bệnh. Nhà nghiên cứu chính của Đại học Oxford, bà Sarah Gilbert, nói rằng, nghiên cứu chưa thể xác định được con người cần một hay hai liều AZD1222 để có được miễn dịch chống lại COVID-19. Loại vắc-xin này cũng khiến cơ thể sản xuất tế bào T, kích hoạt phần thứ hai trong hệ miễn dịch mà các chuyên gia ngày càng tin rằng đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng miễn dịch lâu dài.
Thử nghiệm quy mô lớn
Các nhà nghiên cứu đang bước sang giai đoạn đánh giá liệu vắc-xin có thực sự bảo vệ con người khỏi COVID-19 bằng cách tiến hành các thử nghiệm quy mô lớn. Một số nhà khoa học dự đoán rằng, đến giữa năm sau sẽ có kết quả đánh giá. Trước khi một loại vắc-xin được chấp thuận cho sản xuất hàng loạt và phân phối toàn cầu, nó thường phải trải qua 3 (có trường hợp 4) lần thử nghiệm lâm sàng trên người. Kích hoạt đáp ứng miễn dịch là phần đầu tiên của việc phát triển vắc-xin. Thử nghiệm giai đoạn 3 đang được tiến hành ở Anh, Nam Phi và Brazil và sắp diễn ra ở Mỹ.
Bà Wafaa el-Sadr, giáo sư dịch tễ học và y khoa tại Đại học Columbia (Mỹ), nói rằng, sẽ cần khung thời gian 6 tháng để xác định xem vắc-xin có an toàn và hiệu quả để sản xuất hàng loạt hay không. AstraZeneca đã ký thỏa thuận với chính phủ nhiều nước để cung ứng AZD1222 nếu vắc-xin được cấp phép.
Hãng đã ký các thỏa thuận sản xuất, cung ứng hơn 2 tỷ liều, trong đó có 300 triệu liều cho Mỹ, 100 triệu liều cho Anh, 1 tỷ liều cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, theo Biospectrum Asia.
Ông Naor Bar-Zeev, Phó Giám đốc Trung tâm Tiếp cận vắc-xin quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nói rằng, không có bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào. Những người được tiêm AZD1222 chỉ có các phản ứng thông thường kiểu như người được tiêm vắc-xin viêm màng não, bao gồm đau cơ, ớn lạnh, sôn sốt. Thuốc giảm đau, hạ sốt Paracetamol có hiệu quả với các triệu chứng này, các nhà nghiên cứu viết trên The Lancet.
Ngày 20/7, hãng dược phẩm Mỹ Pfizer và công ty Trung Quốc CanSino Biologics cũng công bố những thông tin tích cực về loại vắc-xin COVID-19 mà họ đang phát triển.
Theo Tiền Phong