TikTok được phát triển bởi gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, ByteDance, ra mắt lần đầu tiên vào tháng 9/2016 với tên gọi là “Douyin”.
TikTok là nền tảng xã hội nổi tiếng được sử dụng nhiều thứ 6 thế giới với các video ngắn, vui nhộn, hiện thu hút hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới, trong đó có 150 triệu người dùng trên khắp châu Âu và 150 triệu người dùng tại Mỹ.
Mặc dù có phần tụt hậu so với bộ ba nền tảng trực tuyến thống trị lâu nay của công ty Meta gồm Facebook , WhatsApp và Instagram, nhưng tốc độ tăng trưởng về người dùng là giới trẻ của TikTok vượt xa các đối thủ cạnh tranh.
Là nền tảng xã hội nổi tiếng, thế nhưng, giới chức nhiều nước lo ngại vấn đề quyền riêng tư và tính bảo mật thông tin, thậm chí đe dọa an ninh quốc gia của người dùng TikTok. TikTok cũng bị cáo buộc thường xuyên truyền bá thông tin độc hại, như tin giả hay những thử thách có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của người chơi.
TikTok bị buộc thoái vốn hoặc bị cấm ở Mỹ
Hôm 24/4 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký dự luật yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok trong vòng 9 tháng đến một năm nếu không muốn ứng dụng bị cấm tại Mỹ.
Theo luật vừa được Tổng thống Biden ký, công ty mẹ ByteDance của Trung Quốc sẽ có 9 tháng để bán TikTok, nếu không ứng dụng này sẽ bị cấm khỏi các cửa hàng ứng dụng ở Mỹ. Dự luật cũng sẽ cấm ByteDance kiểm soát thuật toán của TikTok.
Được biết, thời hạn cho Byte Dance sẽ kết thúc vào ngày 19/1/2025 – một ngày trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Biden hết hạn, nhưng ông có quyền gia hạn thêm 3 tháng nếu nhận thấy ByteDance gần hoàn tất các thủ tục thoái vốn.
Trước động thái của Mỹ, phát ngôn viên TikTok Alex Haurek cho biết, công ty sẽ kiện lên tòa án. Điều này có thể kéo dài thời gian nếu tòa án trì hoãn việc thực thi trong khi chờ giải quyết.
Đồng thời, Giám đốc điều hành TikTok cảnh báo một lệnh cấm tiềm năng sẽ gây ra hậu quả cho 7 triệu doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ.
Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng, các điều khoản của luật vừa ban hành rất rõ ràng, phù hợp với những lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. TikTok vẫn được tiếp tục hoạt động bình thường cho đến thời hạn Byte Dance phải thoái vốn.
Theo thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean Pierre, đã có các nhà đầu tư Mỹ sẵn lòng và quan tâm đến việc mua TikTok: “Vì nó liên quan đến Trung Quốc, nước này nên cho phép việc Byte Dance bán TikTok. Giờ đã có luật. Chúng tôi tin rằng có thể đã có các nhà đầu tư Mỹ sẵn lòng và quan tâm đến việc mua TikTok”.
Chiến dịch cấm TikTok trên thế giới
Dù TikTok có lượng người dùng lớn nhưng chính phủ nhiều quốc gia lại đang lo ngại mạng xã hội này bị sử dụng như một công cụ gián điệp, có thể thu thập thông tin, sở thích và thói quen người dùng.
Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo, TikTok có thể đã chia sẻ với bên thứ ba những dữ liệu mà ứng dụng này thu thập được từ hơn 1 tỷ người dùng thường xuyên trên toàn cầu.
Tổng thống Biden ký ban hành luật yêu cầu TikTok bán tài sản ở Mỹ trước hạn 19/1/2025 hoặc bị cấm hoàn toàn tại nước này
Thời gian qua, nhiều quốc gia đã và đang thực hiện chiến dịch cấm TikTok. Ấn Độ là quốc gia cấm TikTok đầu tiên. Năm 2020, Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm đối với TikTok và hàng loạt ứng dụng khác của Trung Quốc sau cuộc đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại biên giới của 2 nước. Đến năm 2021, chính phủ Ấn Độ tuyên bố lệnh cấm đối với TikTok và các ứng dụng Trung Quốc khác có hiệu lực vĩnh viễn.
Sau Ấn Độ, nhiều quốc gia khác cấm người dân sử dụng TikTok như Iran, Somalia, Kyrgyzstan, Nepal. Trong khi đó, chính phủ các nước như Anh, Pháp, Đan Mạch, Bỉ, Na Uy, Canada, Australia, New Zealand đã đồng loạt cấm nhân viên chính phủ sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ sở hữu vì lo ngại các vấn đề về an ninh mạng, quyền riêng tư và thông tin sai lệch, tương tự với các tổ chức của Liên minh châu Âu.
Trên thực tế, những quan ngại về bảo mật xuất phát từ việc Trung Quốc năm 2017 công bố một bộ luật yêu cầu các công ty địa phương bàn giao dữ liệu cá nhân cho nhà nước nếu dữ liệu đó có liên quan đến an ninh quốc gia. Bắc Kinh phủ nhận những cải cách đó gây ra mối đe dọa cho người dùng. Trong khi đại diện TikTok đã kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc chuyển dữ liệu người dùng ra bên ngoài.
Thế giới vậy nhưng với người Trung Quốc thì sao?
Là ứng dụng của một công ty Trung Quốc nhưng điều đặc biệt là TikTok không hề được biết đến tại đây.
Câu trả lời đơn giản là ở Trung Quốc không có TikTok. Chỉ có Douyin.
Dù là cái tên nổi tiếng toàn cầu, kéo theo hàng loạt tranh cãi nhưng TikTok không phải cái tên quen thuộc ở Trung Quốc, thay vào đó, Douyin mới là nền tảng video ngắn đình đám nhất.
Douyin cũng thuộc sở hữu của ByteDance và là một phần quan trọng của Internet Trung Quốc giống như TikTok với thế giới. Cùng một công ty, cùng cách thức hoạt động, có thể nói TikTok và Douyin giống như hai ứng dụng anh em.
Tương tự như vậy, vì không có sự hiện diện bên ngoài Trung Quốc nên Douyin, có nghĩa là “âm thanh lay động” trong tiếng Trung, cũng không được biết đến rộng rãi trên toàn cầu.
Douyin rất quan trọng đối với ByteDance. Thành công từ nền tảng này là yếu tố quan trọng trong cách công ty mẹ đánh giá những gì họ dự định làm với TikTok. Dưới đây là cái nhìn tổng quan về Douyin.
Douyin là gì?
Douyin là ứng dụng video ngắn phổ biến nhất ở Trung Quốc và là một trong những nền tảng truyền thông xã hội được truy cập nhiều nhất ở nước này.
Giống như trên TikTok, các video trên Douyin xuất hiện ở định dạng dọc và người dùng vuốt lên để chuyển sang bài đăng tiếp theo. Tương tự như vậy, thuật toán Douyin tìm hiểu sở thích người dùng từ cách tương tác với các video được hiển thị và cung cấp luồng nội dung vô tận.
Douyin ra mắt vào tháng 9/2016 tại Trung Quốc, một năm trước khi ByteDance giới thiệu TikTok cho thị trường nước ngoài.
Ban đầu, Douyin tập trung vào các thành phố lớn, nơi có nhiều người dùng điện thoại thông minh trẻ tuổi thích sử dụng mạng xã hội mới. Theo công ty dữ liệu QuestMobile, Douyin sẽ đạt hơn 700 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 5, tức là được phần lớn người dùng Internet ở Trung Quốc sử dụng.
TikTok có nhiều người dùng hơn trên nền tảng nhưng Douyin mới là “con gà đẻ trứng vàng” của ByteDance. Theo The Information, khoảng 80% doanh thu 54 tỷ USD của ByteDance trong nửa đầu năm ngoái đến từ Trung Quốc, chủ yếu đến từ Douyin. 20% còn lại đến từ thị trường nước ngoài thông qua TikTok.
Douyin kiếm tiền bằng cách nào?
Douyin là doanh nghiệp đang phát triển mạnh ở Trung Quốc. Phần lợi nhuận lớn nhất đến từ phân phối quảng cáo trực tuyến cùng với thư viện nội dung video. Công ty nghiên cứu eMarketer ước tính Douyin thu về 21 tỷ USD doanh thu quảng cáo vào năm 2023, tương đương khoảng 2/3 doanh thu quảng cáo của Google từ YouTube.
Ở Trung Quốc, hầu hết các ứng dụng mạng xã hội đều có phần mua sắm và Douyin cũng không ngoại lệ. Douyin mở trung tâm mua sắm trực tuyến bên trong ứng dụng, nơi các nhà cung cấp bán quần áo, đồ điện tử, hàng tạp hóa, hàng hiệu và sản phẩm giảm giá. Mỗi giao dịch đều tạo ra hoa hồng hoặc phí dịch vụ cho Douyin.
Một hình thức thương mại phổ biến khác là phát video trực tiếp từ những người có ảnh hưởng. Theo Statista, giá trị giao dịch mua sắm được thực hiện thông qua phát trực tiếp trên Douyin đã vượt quá 200 tỷ USD vào năm 2022.
Thương mại điện tử ở Trung Quốc cũng đang phát triển nhanh chóng. Theo eMarketer, Douyin là nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ tư của đất nước sau Alibaba, JD.com và Pinduoduo, và công ty còn đang phát triển nhanh hơn nhiều so với các thế lực lâu đời. eMarketer cho biết doanh số bán hàng thương mại trực tuyến của Douyin đã tăng khoảng 60% vào năm 2023.
Douyin khác với TikTok thế nào?
TikTok có sẵn ở hơn 150 quốc gia và khu vực với 75 ngôn ngữ, trong khi Douyin chỉ có thể được sử dụng ở Trung Quốc. Hai ứng dụng này có nhiều tính năng tương tự nhau nhưng vẫn là các dịch vụ riêng biệt. Người dùng TikTok có thể tìm kiếm tài khoản trên toàn thế giới nhưng họ không thể truy cập vào tài khoản Douyin ở Trung Quốc – và ngược lại.
Khán giả của TikTok có xu hướng trẻ trong khi Douyin có lượng người dùng lớn tuổi hơn nhiều ở Trung Quốc. Trên thực tế, đây là ứng dụng được người dân Trung Quốc trên 50 tuổi sử dụng rộng rãi và ưa thích nhất, theo QuestMobile.
Douyin thậm chí còn phải đưa ra các biện pháp ngăn ngừa tình trạng nghiện xem cho người cao tuổi, bao gồm nhắc nhở bằng giọng nói hoặc buộc gián đoạn đối với những người đã xem quá lâu.
Douyin đã trở thành nền tảng quan trọng để Trung Quốc phổ cập thông tin trên nhiều lĩnh vực. Năm 2018 , Douyin đã hợp tác với 11 cơ quan chính phủ và tổ chức truyền thông để giúp cải thiện việc sản xuất nội dung nhằm giúp video truyền tải thông điệp hiệu quả hơn.
Theo Mạnh Kiên-Đời sống & pháp luật