Hãy bớt đi sự đánh giá nếu không cần thiết. Thay vì nhìn vào người khác, hãy dành thời gian cho chính mình. Con người vẫn là nên duy trì các mối quan hệ ở chừng mực nhất định và bao dung lẫn nhau để cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản hơn.
Câu chuyện thứ nhất:
Ăn cơm xong, mẹ và con gái rửa chén bát trong bếp, bố và con trai ngồi xem ti vi. Bỗng nhiên có tiếng đổ vỡ dưới bếp, sau đó im bặt.
Con trai nói: “Con biết chắc mẹ vừa làm bể chén bát”.
Bố hỏi: “Tại sao con chắc như thế?”,
Cậu con trai nhanh nhảu: “Vì không nghe tiếng mẹ la”.
Chúng ta thường nghiêm khắc đối với người khác và dễ dãi với chính mình. Biểu hiện chính là thường xuyên đánh giá người khác, tuy nhiên lại ít khi nhìn vào bản thân. Nếu có thể hiểu rằng ai cũng có lúc mắc sai lầm, chúng ta sẽ dễ dàng cảm thông cho người khác hơn.
Câu chuyện thứ hai:
Người vợ đang nấu ăn trong nhà bếp, người chồng đứng bên cạnh liên tục nhắc nhở: “Cẩn thận, coi chừng khét!”, “Sao em bỏ ít muối thế?, “Ơ kìa, nước đã sôi rồi, em cho rau vào đi”….
Người vợ bưc bội: “Anh làm ơn đi ra ngoài đi! Em biết nấu ăn mà!”.
Người chồng mỉm cười: “Ừ, có ai bảo em không biết nấu ăn đâu. Anh chỉ muốn em hiểu được cảm giác của anh như thế nào khi đang lái xe mà em ngồi bên cạnh cứ lải nhải hoài”.
Chúng ta vẫn thường như vậy, luôn cho rằng nhận định của mình là đúng và muốn người khác phải làm theo.
Câu chuyện thứ ba:
A nói với B: “Khu nhà tôi vừa dọn về một ông hàng xóm bất lịch sự. Tối hôm qua, đã gần một giờ sáng rồi mà ông ta còn qua đập cửa nhà tôi rầm rầm”.
B hỏi: “Thế anh có báo cảnh sát không?”.
A trả lời: “Không. Tôi mặc kệ ông ta. Tôi xem ông ta như gã điên vì lúc ấy tôi đang tập thổi kèn saxophone”.
Chuyện gì cũng có nguyên nhân. Nếu chúng ta ý thức được lỗi lầm của mình thì hậu quả sẽ khác đi. Tuy nhiên, chúng ta thường ít khi thấy mình sai, nhưng lại dễ dàng thấy người khác sai.
Câu chuyện thứ tư:
Hai cha con đi ngang qua một khách sạn 5 sao. Trông thấy một chiếc xe hơi xịn rẽ vào, cậu con trai nhận xét:
– Những người ngồi trên chiếc xe ấy đều có trình độ học vấn rất thấp!
Người cha ôn tồn:
– Người vừa phát biểu câu ấy là người hiện trong túi không có một đồng xu!
Nếu không tỉnh táo để kiểm soát lý trí, biểu hiện đầu tiên khi con người nhìn thấy một người có “đẳng cấp” hơn mình thường là thái độ “ghen ăn tức ở”. Họ sẽ soi mói khuyết điểm và tìm cách “dìm” người khác xuống, để thấy bản thân tốt hơn.
***
Không muốn nhìn người khác sống tốt hơn hoặc khác biệt với mình chính là một trong những tội ác lớn nhất của bản chất con người. Con mắt chúng ta bị che mờ bởi những định kiến bên ngoài mà quên mất, tính cách bên trong mới là giá trị cốt lõi làm nên một con người.
Điều đáng sợ nhất của số đông duy trì cái nhìn định kiến chính là: Họ luôn coi định kiến của mình là suy nghĩ phổ biến với tất cả mọi người. Họ tự cho mình cái quyền được phán xét, chỉ trỏ về hành động của người khác. Nhưng điều đáng buồn là, họ cũng có đầy rẫy vấn đề của mình, mà đôi khi những vấn đề đó lại chính là những gì họ thường đem ra để chỉ trích người khác.
Những người mang định kiến thường chỉ sống trong vốn kinh nghiệm và nhận thức hạn hẹp của bản thân. Họ chỉ nhìn thấy một khía cạnh nhưng lại nghĩ rằng mình đã hiểu thấu toàn bộ bản chất. Hơn nữa, trong hầu hết trường hợp, họ chỉ thấy thiếu sót của người khác chứ không hề nhận ra khuyết điểm của bản thân mình.
Vì thế, hãy bớt đi sự đánh giá nếu không cần thiết. Thay vì nhìn vào người khác, hãy dành thời gian cho chính mình. Con người vẫn là nên duy trì các mối quan hệ ở chừng mực nhất định và bao dung lẫn nhau để cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Mỗi người có quyền sống và quyết định cuộc sống của mình. Mong bạn đừng cố gắng “tu sửa” người khác, để rồi khi nhận ra người nên “tu sửa” nhất là chính mình thì đã muộn.
Những gì bạn thấy ở người khác, hãy quay trở lại nhìn vào bản thân mình vậy là tốt rồi!
Hiểu Minh (TH)