Khi khúc ruột miền Trung đang oằn mình trong bão lũ, thì từng chuyến hàng chất nặng xe đang gửi gắm tấm lòng thiện nguyện của người dân cả nước tới đồng bạo chịu nạn. Những người nổi tiếng, những ngôi sao, nghệ sĩ đã liên tiếp đăng đàn, đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm. Một phong trào từ thiện lại dấy lên làm nóng khắp mạng xã hội. Và khởi nguồn đầu tiên có lẽ chính là lời kêu gọi “trăm tỷ đồng” của cô ca sỹ Thuỷ Tiên, người đang được hàng triệu người trìu mến gọi là “Cô Tiên”.
Với uy tín cá nhân và danh tiếng của mình, Thuỷ Tiên nhanh chóng huy động được hơn 100 tỷ đồng tiền từ thiện. Cô thậm chí còn lặn lội thân gái dặm trường, vào tận rốn lũ để phát tiền cho từng hộ dân. Quả thực là trong cơn hồng thuỷ, lại có những nghĩa cử làm ấm lòng người.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên Thuỷ Tiên ra tay cứu nạn dân. Khi dân gặp hạn hán, vợ chồng cô ủng hộ máy lọc nước. Lúc dân gặp lụt cô lại cứu trợ tận nơi. Nắng mưa là việc của Trời, hạn hán lũ lụt là thiên tai hay nhân họa chưa rõ, nhưng làm từ thiện chắc chắn là việc của gia đình Tiên.
Có người nói rằng họ thích trao tiền vào tay Thuỷ Tiên vì sự công khai, minh bạch trong từng món tiền của cô đem lại cảm giác minh bạch. Có người lại trân trọng hành động không đề tên mình mà ghi “tấm lòng người dân cả nước” khi trao quà của Tiên. Có người ấn tượng với sự xông xáo, không ngại nguy hiểm của Tiên để có thể giúp đỡ nạn dân nhanh nhất, thiết thực nhất.
Khi đâu đó dấy lên những thông tin rằng Thuỷ Tiên cầm món tiền lớn sẽ bị nghi ngờ, rằng cô đang làm không đúng với một nghị định nào đó, rằng sao phải “ôm rơm rặm bụng”… Thuỷ Tiên chỉ nghĩ đơn giản: “Nếu tôi sợ nguy hiểm, không dám đi chẳng may người ta đói khát rồi chết thì sao? Thương lắm, tôi chịu không nổi đâu”.
Cứu người như cứu hoả, trong cơn nguy khốn, người lương thiện thấy chết sẽ không ngoảnh mặt quay đi. Dù là về lý hay về tình, Thuỷ Tiên cũng đang được cộng đồng mạng ủng hộ mạnh mẽ. Gần đây, khi nước bắt đầu rút dần, cô lại cùng Công Vinh chồng mình lên đường vào miền Trung trao quà, giúp dân gây dựng lại cơ nghiệp đã bị bão lũ tàn phá.
Hẳn là những ngày qua tất cả mọi người đều đã dõi theo từng bước chân của Thuỷ Tiên trên dải đất miền Trung đau thương. Và hẳn là chúng ta cũng lại thấy ở đâu đó những đoạn clip chưa đẹp mắt lắm về một nhóm người tự nhận là người tu hành nhưng lại có những hành động khiến dân mạng phải băn khoăn.
Cũng là làm từ thiện mùa lũ, cũng là tới tận nhà dân đang gặp nạn, nhưng có một nhóm người nào đó lại vứt đồ cứu trợ rào rào xuống nước bẩn để người dân tự bơi ra nhặt. Người ta nói rằng, thời gian eo hẹp, nước lớn, thuyền khó đến từng hộ.
Nhưng nếu đã thân hành vượt qua mấy trăm cây số vào tận rốn lũ thì sao chỉ vì ngại chút bất tiện mà không lội chút nước bẩn đến trao tay từng người? Để đến nỗi, cư dân mạng chẳng cần quan tâm những người kia đã vượt qua bao nhiêu cây số vất vả ra sao để vào tận miền Trung, mà chỉ nhớ về những hình ảnh không đẹp mắt lắm như là chuyện ném đồ từ thiện xuống nước bẩn!
Người xưa nói “cách cho hơn của đem cho” là vậy. Tấm lòng chân thành thể hiện ở mọi hành động dù là nhỏ nhất chứ không phải ở giá trị của món quà. Nhưng nói đi cũng phải suy lại, thực ra dù khéo léo che giấu đến mấy, tới lúc không ngờ nhất, người ta cũng sẽ thể hiện một cách trọn vẹn bản chất của mình mà thôi.
Cùng là 2 người điềm đạm, không vội mắng chửi khi xe khác đâm vào mình. Nhưng một người ngay lập tức nhìn xem xe mình có sao không và một người ngay lập tức hỏi người kia có sao không. Đó là hai cảnh giới khác nhau.
Cùng là 2 người phanh gấp xe vì có em bé đang hưng phấn lao ra từ ngõ. Một người sau đó nhanh chóng tăng ga đi tiếp, một người đứng lại hồi lâu như chờ đợi điều gì. Đó cũng là một sự khác biệt lớn. Bởi người đứng chờ ấy đủ tinh tế để hiểu rằng: em bé vui đến vậy thì chắc chắn là đang nô đùa với em bé khác, có thể sẽ còn có trẻ em lao ra từ trong ngõ.
Cùng là 2 người điềm tĩnh, không quở trách khi biết có em nhỏ đang bẻ trộm quả trong vườn nhà mình. Một người đi vào ngay và giữ vẻ mặt tươi cười. Một người đứng đợi, chỉ sợ làm em nhỏ kia giật mình ngã xuống đất. Đó cũng là hai tầng thứ tâm tính cách xa nhau vậy.
Thước đo nhân tâm và sự lương thiện của bạn tới đâu đều thể hiện ra ở những điều tinh tế, nhỏ bé nhất. Thước đo đó càng cao, thì nghĩa là chủ nhân của nó ắt phải biết nghĩ tới người trước khi nghĩ tới mình. Người xưa cũng luôn dạy rằng: “Điều mình không muốn thì chớ làm cho người khác”. Nghĩ cho người khác trước, đó mới thực sự là hành động của người quân tử vậy!
Sự thiện lương là có tiêu chuẩn, hoàn toàn không phải là khái niệm mơ hồ. Thiện lương cũng không phải là chuyện còn tuỳ thuộc hoàn cảnh như con người hiện đại vẫn hay quan niệm. Bởi vì thiện lương là vô điều kiện, là xuất phát từ tận đáy lòng. Tình yêu vĩ đại, vị tha thì không bao giờ đòi hỏi phải có điều kiện cả.
Nhìn lại lịch sử, văn hoá ở cả phương Đông và phương Tây, việc làm từ thiện, bố thí, cứu người lúc nguy nan luôn được cổ vũ nhiệt thành.
Ở phương Đông, người ta quan niệm rằng cuộc sống là có nhân quả luân hồi, thiện ác báo ứng. Người xưa cũng nói: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, nghĩa là đạo Trời không phân biệt người thân thích nhưng thường ưu ái cho người lương thiện. Hành thiện tích đức là có thể giữ lấy phúc báo cho mình, đó là một thực tế không thể chối bỏ.
Người xưa tin tưởng vào luật nhân quả, cho nên trọng nghĩa mà khinh tài. Khi thấy người khác bị thiệt thòi, gặp nạn thì thường giúp đỡ bằng lòng thương xót, từ bi quảng đại. Kết quả là những người bố thí ân đức đó lại được Trời cao phù hộ, được hưởng phúc báo nhãn tiền.
Còn trong văn hóa phương Tây, cũng có quan niệm rằng: Người có khả năng lớn thì phải đi kèm với trách nhiệm lớn. Andrew Carnegie, một trong những người Mỹ giàu nhất trong lịch sử, đã nói: “Người chết trong giàu có là cái chết ô nhục”. Bởi theo ông người giàu có chính là được ủy thác phải có nhiệm vụ cống hiến tài năng và của cải của mình cho lợi ích chung. Và ông cũng tin rằng những người giàu có nên trả nợ cho xã hội. Cuối đời, Carnegie vẫn chết trong sự giàu có nhưng không phải giàu có về của cải mà về âm đức lớn lao bản thân đã tích lũy được vì làm từ thiện. Từ năm 1901 cho đến khi qua đời vào năm 1919, ông đã cho đi 350 triệu đô la của mình vào thời điểm đó (tương đương khoảng gần 300 tỷ đô la tại thời điểm hiện tại).
Sự giàu có của một người nào đó vừa là món quà nhưng cũng là trách nhiệm mà Đấng Tối cao đã giao cho họ. Không chỉ Carnegie, nhiều nhà từ thiện cũng có đức tin rằng: sự giàu có của mình chỉ là sự ủy thác của cải của Thượng Đế, và rằng bản thân nợ thế giới sự giàu có của mình.
Ngay cả khi không phải là 1 tỷ phú, mà chỉ là một con người hết sức bình thường, làm công ăn lương, sống một cuộc đời bình dị, bạn vẫn có thể tìm thấy niềm hạnh phúc khi giúp đỡ người khác, đặc biệt là những người đang gặp nạn. Bởi vì trong sâu thẳm, con người ta luôn là những thiên thần. Người xưa nói không sai: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, người mới sinh ra đều thiện lành cả. Một người có thể thấu hiểu, chia sẻ và đồng cảm được với nỗi đau của người khác, thì họ đã chính là người có lương tâm, là người lương thiện rồi vậy!
Theo Luận Đàm Thế Sự