Thất nghiệp trong mùa dịch, nhiều người chưa thể tìm được công việc ổn định nên đã tìm đến những điểm tuyển dụng nghề ”hư cấu”. Chỉ cần đóng giả làm nhân viên là nhận được tiền mặt nhanh chóng.
Trần Minh Chí (27 tuổi, tốt nghiệp đại học ngành biên tập và xuất bản) từng làm tại một công ty Internet tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Năm 2020, anh rời công ty sau một đợt sa thải nhân viên, sau đó bắt đầu tìm những công việc bán thời gian và gọi mình là “nhân viên hư cấu”.
Trần tìm được công việc này sau một mẩu tin trên mạng. Người đăng tuyển ghi rõ: “Công việc đơn giản, chỉ cần ngồi văn phòng vài tiếng là được tiền”.
Ngày hôm đó, phụ trách nhân sự dẫn 3 người (bao gồm cả anh Trần) đến văn phòng, nói: “Hôm nay cậu là nhân viên kinh doanh, ngồi ở đây”. Sau đó vị này nhắc nhở hai người ngồi kế bên: “Ngồi nghiêm túc đúng vị trí, hết ngày sẽ nhận được tiền”. Ba tiếng sau, người phụ trách lại đến và thông báo nhiệm vụ đã hoàn thành. Ông chủ công ty đã dẫn khách hàng đi ăn, việc thế thân thành công. Hết nhiệm vụ, cả ba người nhanh chóng giải tán.
Hôm đó, Trần chỉ việc ngồi tại chỗ, chơi điện thoại di động trong 3 tiếng và được trả 90 tệ (khoảng 300.000 đồng).
Một lần khác, anh nhận được công việc thống kê lưu lượng người vào một cửa hàng trong chương trình khuyến mãi tại siêu thị. Theo lý thuyết, khi một người bước qua cửa cảm ứng của cửa hàng, số liệu thống kê sẽ tăng thêm một nhưng để đạt được hiệu quả, nhân viên cửa hàng thi nhau nhảy qua nhảy lại cửa cảm ứng. Kết quả, số lượng người đến cửa hàng trong ngày được đo trên hệ thống đạt mức kỷ lục, hơn 20.000 lượt.
“Tạo ra kịch bản thịnh vượng khi không có giá trị thực tế và khi khối lượng giao dịch không đạt được như kỳ vọng, nhân viên cửa hàng sẽ tìm lý do để biện minh, ví dụ chế độ đãi ngộ không tốt để họ yên tâm làm việc”, Trần Minh Chí nói, sự thật đã được che đậy và không ai sẵn sàng vạch trần.
Cách đây không lâu, Trần tham gia một diễn đàn để lấp đầy số lượng người. Khi những chuyên gia đang thảo luận thì những người lấp chỗ trống như anh ngồi một góc chơi game, chờ ăn tiệc trưa và nhận quà tặng.
Tại hội nghị này, Trần gặp một “đồng nghiệp cũ”, cũng đến đây làm nhân viên lấp đầy. Bọn họ tán gẫu thật lâu, cùng cảm thán về tình hình kinh tế khó khăn. Trước mắt, điều Trần mong muốn nhất vẫn là kiếm được việc làm ổn định, giúp anh được là một nhân viên văn phòng đúng nghĩa.
Sau khi nghỉ việc ở công ty cũ, Lương (30 tuổi) cũng trở thành một người làm việc hư cấu giống Trần Minh Chí. Một công trường xây dựng cần số lượng công nhân, miễn là điền vào mẫu đơn xin việc, đặt chứng minh thư lại 5 ngày cũng có thể được nhận 200 tệ. Một công việc khác lại yêu cầu chỉ ngồi để cho người khác đo huyết áp. Ngoài ra còn việc xem video để tăng tương tác và nhấn nút thích.
Được biết, những việc này đa số đều nhẹ nhàng, yêu cầu thấp nhưng lại có tiền mặt ngay. Trong những ngày khó khăn vì đại dịch thì đây đã trở thành công việc thường xuyên của một số người trẻ thất nghiệp ở Thâm Quyến.
Theo một chuyên gia kinh tế nhận định, ngoài khái niệm hư cấu, nhiều người còn gọi đây là công việc ma. ”Hệ thống phân chia lao động giống như một cỗ máy, để tránh sự mất mát và trật bánh do không quay, nhiều người làm việc như chất bôi trơn. Dù không tạo ra giá trị nhưng cũng đủ để cho bộ máy không ngừng lại. Vì lý do này, đôi khi các nhà tuyển dụng giả mạo một số vị trí, tạo ra những công việc không được gọi là công việc với tiền công bèo bọt”.
Nguồn: Sohu, qq-Nguyễn Phượng–Theo Trí Thức Trẻ