NATO muốn bao vây Nga nhưng ngược lại, chính Moscow đang bao vây liên minh quân sự phương Tây và châu Âu trên mọi mặt trận.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, một trong những mục tiêu chính trị và quân sự chính của NATO là bao vây Nga – một thế lực suy yếu còn lại sau khi Liên Xô tan rã – đồng thời ngăn không cho Moscow mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài biên giới.
Khoảng ba thập kỷ sau, điều ngược lại đang xảy ra. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin, Moscow đang mở rộng sự hiện diện của mình theo nhiều hướng khác nhau – từ Ukraine đến Syria và gần đây nhất là Libya, chiếm thế thượng phong trước NATO và Liên minh châu Âu – đồng minh chính của Washington, theo TRT World.
“Điện Kremlin đã tiến hành chính sách đối ngoại chống phương Tây ngày càng mạnh mẽ hơn. Có thể kể đến các cuộc tập trận quân sự gần biên giới thành viên NATO với Nga, phô diễn sức mạnh hạt nhân và triển khai các tên lửa có khả năng mang hạt nhân ở Kaliningrad”, Richard Sokolsky, nghiên cứu viên cao cấp tại Chương trình Nga và Âu Á thuộc Trung tâm Carnegie, nhận định.
Kể từ cuối năm 2013, Moscow đã phả hơi nóng vào Ukraine cũng như các quốc gia châu Âu khác như Thụy Điển và Phần Lan, vốn gần với biên giới của nước này. Đặc biệt, vào năm 2014, Nga cũng sáp nhập Crimea, gây ra phản ứng từ châu Âu.
Tuần trước, Tổng thống Putin đã khánh thành cây cầu đường sắt dài 19km, nối liền lục địa Nga với Bán đảo Crimea, cho thấy các chiến thuật và cam kết lâu dài của Nga đối với khu vực.
Trên các mặt trận ngoại giao và kinh tế, Moscow cũng gây áp lực tối đa đối với Ukraine để buộc nước này phải khuất phục. Giống như Ukraine, giờ đây, Moscow đang tiến đến một quốc gia châu Âu khác là Belarus, nơi gần với các khu vực được coi là một phần của sườn phía Đông NATO.
Các đồng minh châu Âu đã lo lắng nghiêm trọng rằng sau Ukraine, với Belarus, Nga sẽ có được vị trí chiến lược về mặt địa lý gần các đồng minh Baltic của NATO. Giới quan sát phương Tây lo ngại rằng, điều này có thể làm cho hệ thống phòng thủ của các quốc gia Baltic dễ bị tổn thương hơn trước một cuộc tấn công từ Nga.
“Với vị trí địa lý thuận lợi và lợi thế về nhân lực, vũ khí so với NATO, Nga hoàn toàn có thể chiếm ưu thế trong cuộc tấn công quân sự chống lại các quốc gia Baltic”, chuyên gia Sokolsky nhận định.
“Kết quả này được tính toán ngay cả trong trường hợp có các lực lượng thường trực của các quốc gia Baltic, các lực lượng được NATO triển khai luân phiên tại đây, và các lực lượng mà NATO giao để củng cố sườn phía Đông trước nguy cơ tấn công”.
Chiến lược Balkan của Nga
Ngoài Ukraine, Belarus và vùng Baltic, Nga cũng để mắt đến Balkan, nơi có mối liên hệ lâu đời với Nga. Mặt khác, như một phần trong kế hoạch bành trướng của mình, NATO cũng muốn tiếp cận Balkan, chủ yếu thông qua EU nhằm cung cấp quyền thành viên cho các quốc gia thuộc Liên Xô cũ để phá vỡ hoàn toàn quỹ đạo của Moscow ở sườn phía Tây.
“Nga đang cố gắng cản trở cả EU và NATO ở Tây Balkan càng lâu càng tốt”, Maxim Samorukov, chuyên gia tại Trung tâm Carnegie Moscow đánh giá.
Theo Samorukov, Moscow muốn thúc đẩy sự rối loạn ở Balkan để đảm bảo lợi ích trong khu vực. Theo logic của điện Kremlin, phương Tây đang càng ngày dành nhiều sự chú ý và tài nguyên cho khu vực Balkan, qua đó sẽ ít để ý đến các nước láng giềng phía đông như Ukraine, Moldova và Georgia, do đó giữ vững sự hiện diện của Nga ở các quốc gia này.
Từ Syria đến Libya
Đáng lo ngại hơn cho các cường quốc châu Âu, sự quyết tâm của Nga không chỉ giới hạn ở các khu vực giáp phương Tây.
Trong những năm gần đây, Moscow đang diễu hành qua Trung Đông từ Syria, một quốc gia Đông Địa Trung Hải cho đến Libya, một quốc gia Bắc Phi giàu dầu mỏ ở phía Nam châu Âu và Địa Trung Hải.
Kiểm soát Địa Trung Hải là một phần trong tư duy chính trị của Nga kéo dài trong lịch sử, kể từ thời đế quốc trỗi dậy, dưới thời Peter Đại đế vào đầu thế kỷ 18 cho đến ngày nay.
Ở Syria, Moscow đã đến giúp đỡ cho chính quyền Damascus giữ vững quyền lực sau cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập 2011, tăng cường sự hiện diện tại điểm nóng Trung Đông.
Nga gần đây tuyên bố sẽ đầu tư 500 triệu USD vào cảng Tartus của Syria ở Địa Trung Hải, báo hiệu khả năng mở rộng phạm vi sức mạnh trong khu vực.
Ngoài ra, Nga cũng đang có động thái ở Libya, nơi nước này được cho là đang ủng hộ lực lượng của tướng Khalifa Haftar, nhân vật đang tiến hành cuộc chiến chống lại Chính phủ Tripoli được Liên Hợp Quốc công nhận.
Một số báo cáo gần đây của phương Tây cho biết, Nga đã cử hàng trăm lính đánh thuê thuộc Tập đoàn Wagner đến Libya để hỗ trợ cuộc tấn công của Haftar vào Tripoli. Hiện Moscow chưa lên tiếng gì về thông tin này.
Vũ khí tối tân của Nga
Để đảm bảo cho các cuộc phiêu lưu quân sự khác nhau từ Trung Đông đến Baltic, Nga cũng đầu tư rất nhiều vào công nghệ quân sự của mình, tăng khả năng chiến thắng trước NATO lên mức cao.
Tuần trước, Tổng thống Putin đã tự hào về những tiến bộ quân sự gần đây của đất nước, tuyên bố rằng “không một quốc gia nào sở hữu vũ khí siêu vượt âm, chứ đừng nói đến vũ khí siêu vượt âm tầm cỡ lục địa”, thậm chí không thể bị phát hiện bởi các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Cách đây không lâu, nhiều chuyên gia đã đặt NATO ở cửa trên trong trường hợp đối đầu quân sự. Tuy nhiên, đa phần các ý kiến ngày nay cho rằng, lực lượng của Nga có thể nhanh chóng áp đảo các tuyến phòng thủ của NATO, điều này đến từ việc Nga đã ngày càng thu hẹp năng lực quân sự của mình với phương Tây, chuyên gia Sokolsky phân tích.
Theo Người Đưa tin