Từ một người giúp việc tại xứ sở chùa Vàng, bà Lê Thị Việt đã làm chủ được công nghệ khiến hoa tươi trở thành bất tử. Bà về nước, lập nghiệp, mỗi năm cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng.
Cơ duyên đến với “trồng hoa bất tử”
Trong căn phòng rộng khoảng 15m2, bốn người phụ nữ trung niên đang miệt mài với các công đoạn biến hoa tươi thành bất tử của cơ sở hoa tươi bất tử Việt Uyên của bà Lê Thị Việt (63 tuổi, xã Trung Thành, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa).
Chúng tôi khá ngỡ ngàng khi cơ sở sản xuất chỉ có 2 cái bàn cũ kỹ nhưng suốt 12 năm qua, bà Việt vẫn miệt mài các công đoạn, không lúc nào hết cháy bỏng, đam mê.
Vừa làm việc, bà Lê Thị Việt vừa vui vẻ kể: “Những năm 2000, do kinh tế gia đình khó khăn nên tôi phải rời bỏ việc làm nhà nước xuất khẩu lao động ở Thái Lan làm giúp việc nhà. Không ngờ ấy lại là cơ may giúp tôi có nghề này”.
“Ban đầu tôi đến Thái Lan dự tính là giúp việc gia đình, nhưng đúng vào nhà chủ có một cơ sở sản xuất hoa bất tử theo công nghệ Nhật Bản. Khi đó, sau những giờ lao động xong tôi thường đến xưởng sản xuất hoa của nhà chủ làm phụ các công đoạn đơn giản. Nhận thấy cách làm hoa bất tử rất lạ nên tôi quyết học bằng được nghề này” – bà Việt bộc bạch.
“Năm 2005, sau khi trở về nước nhận thấy thị trường hoa hồng tươi ở nước ta dồi dào nên tôi muốn sản xuất hoa bất tử. Thế nhưng phải mất ba năm sau đó nữa để làm quen, đi nhiều nơi tìm hiểu thị trường, tìm kiếm nguồn hoa và các nguyên vật liệu đến năm 2008, tôi mới bắt đầu thử nghiệm những sản phẩm đầu tiên Made in Vietnam.
Khi đó, dòng hoa bất tử này ở nước ta được cho là sang và đắt (giá 150.000 đồng/bông) nên kén người tiêu dùng. Để tiêu thụ, tôi phải tự mình tìm đến các cơ sở kinh doanh trong tỉnh giới thiệu, thuyết phục chủ cửa hàng” – bà Việt nhớ lại.
Sau 2 tháng mong ngóng chờ đợi, những bông hoa bất tử của bà Việt làm ra được gửi ở cửa hàng Bình Vân, đường Lê Hoàn, TP. Thanh Hóa đã có khách mua, đó là động lực để bà Việt tin tưởng sẽ có một ngày dòng hoa bất tử này được nhiều người ưa chuộng.
Làm hoa bất tử-12 năm hoa chưa biến sắc
Cái hơn của bà Việt so với cách làm của người Thái ấy là việc bà Việt tự tìm tòi, nghiên cứu, sáng chế ra cách giúp hoa trường tồn lâu hơn.
Bà Việt nói: “Sau nhiều lần thử nghiệm, tôi chọn được hoa hồng Đà Lạt thích hợp để biến thành bất tử nhất. Là bí kíp riêng nên tôi không nói quá rõ được. Chỉ khẳng định hoa của tôi giữ được tối thiểu 12 năm không biến sắc”.
“Để làm ra một sản phẩm hoàn thiện, đầu tiên là nhập hoa về với đủ loại màu sắc: Hồng trắng, hồng đỏ, hồng kem, hồng nhung… Nhưng với điều kiện hoa phải sạch sẽ, không tỳ vết, màu sắc tươi tắn, cánh dày và có xoáy đẹp. Sau đó hoa được cắt để vào một chiếc hộp có chứa một loại cát nguyên liệu, đậy kín sau 7 ngày đưa ra tiếp tục cho vào một chiếc hộp chứa nguyên liệu khác ủ trong 3 ngày nữa để hoa thêm cứng cáp, sau cùng mới đem cắm vào bình thủy tinh” – bà Việt chia sẻ.
Theo bà Việt, quy trình biến hoa trở nên bất tử tưởng chừng như đơn giản nhưng lại đòi hỏi một số yêu cầu cao về kỹ thuật. Trong đó, quan trọng nhất là công đoạn ướp hoa và cắm hoa. Khi cắm hoa người thợ phải rất khéo léo tạo cành, ghép lá vào bông, uốn nắn để đưa hoa vào cài trong đế bình mà không ảnh hưởng đến hoa. Cắm hoa phải tuân theo trật tự từ ngoài vào trong, từ dưới lên trên cho đến khi hoa được cắm đầy bình.
Hiện cơ sở của bà Lê Thị Việt mỗi năm sản xuất ra thị trường hàng nghìn sản phẩm sản phẩm, với giá bán từ 120.000 đồng cho tới 7 triệu đồng tùy bình. Nhờ đó, mỗi năm cơ sở làm hoa bất tử của bà có doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm. Hiện sản phẩm đã được tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh, thành như: Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội, Vũng Tàu, Nghệ An…
Điểm khác biệt của sản phẩm hoa bất tử của bà Việt là giữ được màu sắc tự nhiên, không bị nhuộm màu như các sản phẩm khác trên thị trường. Vì vậy, tính ưu việt của sản phẩm là không độc hại với người lao động và hết sức thân thiện với môi trường.
Theo Dân Việt