Học chơi cờ vây để lôi kéo khách hàng – Chiêu marketing tưởng đơn giản đã giúp một quán ăn Nhật tại Hà Nội thành công vang dội, ai làm trong ngành F&B cũng không nên bỏ qua
Đam mê văn hóa Nhật Bản, lại từng có cơ hội làm việc trong công ty Nhật nên năm 1999, chị Nguyễn Thị Hương Lan quyết định tự mở một nhà hàng Nhật Bản tại khu vực Hà Nội.
Với số tiền tiết kiệm và vay mượn bạn bè được tổng cộng khoảng 5.000 USD, chị Lan quyết tâm bắt tay vào việc thiết kế, sắp xếp rồi tự tìm kiếm nguyên vật liệu cho quán ăn của mình. Những ngày đầu khai trương, quán được các khách quen ủng hộ khá đông, nhưng sau đó thưa dần. Ngày nào may mắn thì còn lại vài khách.
“Thời ấy, phần lớn với tôi là những ngày dài như thế kỷ. Nhà hàng vắng tanh, phải cầm cố bằng vay nợ”, chủ nhân thương hiệu ẩm thực có tuổi đời gần 20 năm New Sake chia sẻ đầy ngậm ngùi trong chương trình CEO – Chìa khóa thành công phát sóng gần đây.
Sau nhiều đêm tìm hiểu, chị Lan mới nhận ra sự thật: Người Nhật Bản vốn cẩn thận, quy củ và rất coi trọng tiếng tăm, thứ mà một nhà hàng mới như của chị chưa có được.
Quyết định không bỏ cuộc, vị nữ Giám đốc nghĩ ra một cách, đó là lao vào học môn cờ vây, môn thể thao trí tuệ vốn được người Nhật rất đam mê và quan tâm. Từ chỗ là người mới, chị dần dần biết chơi, rồi đạt đến trình độ cứ chơi 10 người thì thắng đến 9 người, nổi tiếng trong cộng đồng cờ vây Hà Nội.
“Thời ấy tôi chỉ thích thắng khách thôi chứ không biết cách nhường như bây giờ. Hầu như khách nào cũng thua, họ mới tự hỏi tại sao mình thua và rủ thêm nhiều người khác đến chơi xem có thắng không. Những người khác cũng thua tiếp nên dần dần người Nhật người ta tự marketing giúp mình”.
“Khách đến chơi cờ ngoài dùng bữa còn góp ý cho tôi về cách bài trí quán, chế biến món ăn, thậm chí mua giúp đồ từ bên Nhật. Và quán tôi ngày càng đông khách”, CEO New Sake cho biết.
Chơi cờ vây giỏi, chiêu marketing đơn giản nhưng đột phá
Xuất hiện trong chương trình CEO – Chìa khóa thành công, ông Trần Quốc Việt, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Ecopark cho rằng thành công của quán ăn New Sake bắt nguồn từ chiêu thức chơi cờ vây giỏi của người chủ.
“Các bậc thầy marketing bây giờ phải học tập chiêu này. Đó là cách đi vào thị trường, đi vào lòng người, cách kêu gọi khách hàng đến với mình: Một biện pháp không mất phí nhưng lại vô cùng hiệu quả”.
Thậm chí, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Tài chính, ĐH Ngân hàng TP.HCM còn cho rằng cách làm của chị Lan Hương là cách làm “khác biệt của khác biệt”.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương lý giải trong kinh doanh ai cũng cần cạnh tranh. Để cạnh tranh được, người kinh doanh cần dùng tới 4 chiến lược cơ bản, đó là chiến lược giảm phí, chiến lược tập trung, chiến lược khác biệt hóa hoặc chiến lược “chơi cả 3”.
“Chiến lược cờ vây của chị Hương nằm trong chiến lược khác biệt hóa. Thường mọi người hiểu khác biệt hóa là khác biệt về sản phẩm nhưng không phải. Khác biệt có thể ở sản phẩm, khác biệt ở lòng tin, khác biệt ở cảm xúc, ở quy trình, ở tính cam kết, ở việc đẩy chữ ‘tôi’ lên trên hoặc tạo cho khách hàng quyền lực,…”.
“Dưới góc độ kinh doanh, chị Hương tao ra được một khác biệt đó tạo thêm giá trị cho khách hàng. Người Nhật Bản vào năm 2003 từng đưa ra lý thuyết gọi là tư duy đột phá, nghĩa là trên cả sáng tạo, là tạo ra khác biệt của khác biệt. Tôi nghĩ ở chị mọi người cần gọi đó là khác biệt của khác biệt. Sau này có thể ai đó sẽ tạo ra khác biệt bằng cách làm cửa hàng đẹp, làm chỗ gửi xe tốt hơn,…nhưng hãy đơn giản hóa sự khác biệt ấy”, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương nhắn nhủ.
Theo Nhật An – Trí thức trẻ