Mọi thứ đáng giá trong cuộc đời đều có chi phí cơ hội. Vô luận bạn đang gắng sức để theo đuổi điều gì, khi bạn có nó trong tay, chắc chắn bạn sẽ phải mất đi một hoặc một vài thứ gì đó. Đây là cái giá mà bạn phải trả cho thành công.
Là một một nhà văn, một diễn giả và là chủ kênh postcast Unmistakable Creative, tôi đã phải “buông” rất nhiều thứ để đi đến vinh quang.
Sau đây là 3 điều quan trọng mà tôi cho rằng mỗi chúng ta phải từ bỏ nếu muốn thành công:
1. Làm theo định nghĩa thành công của người khác
Thời còn ngồi trên giảng đường đại học, chúng tôi có xu hướng hùa theo đám đông mà “nhất trí cao” về một khuôn mẫu của sự thành công. Mặc dù không ai công khai tuyên bố thừa nhận điều đó, nhưng khuôn mẫu đó đã được định hình thông qua hàm ý của từng lời nói, từng hành vi và việc đưa ra quyết định của mỗi người.
Nhưng khi làm theo định nghĩa này, tôi đã hoàn toàn thất bại. Công việc của tôi chỉ tàng tàng, không có uy tín, không Bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) của Đại học Ivy League danh tiếng, và tôi cũng không một xu tích lũy sau khi tốt nghiệp Đại học Pepperdine (Mỹ) năm 2009. Ở tuổi 30, về căn bản là tôi vẫn hai bàn tay trắng và vẫn đứng ở vạch xuất phát.
Rồi tôi nhận ra rằng tôi không nên mãi chạy theo tiêu chuẩn về thành công của người khác. Có thể khẳng định rằng đây là một trong những điều khó vứt bỏ nhất, bởi nó đã ăn sâu vào trong tâm trí của mỗi người qua những câu chuyện văn hóa.
Không ai phải chịu trách nhiệm cho những hậu quả mà gây ra từ những lựa chọn sai lầm của bạn. Vậy thì tại sao bạn lại phải sống cuộc đời của mình theo các tiêu chuẩn của người khác?
Trong một cuộc trò chuyện với doanh nhân Yanik Silver cách đây vài tuần, anh ấy đã kể với tôi câu chuyện về một khách hàng muốn trở thành tỷ phú. Khi Yanik Silver hỏi động lực nào thôi thúc, thì vị khách hàng này đã liệt kê một số lý do, và phần lớn số đó không đề cập đến việc gì cần đến một tỷ đô la.
Hơn ai hết chúng ta chính là người hiểu mục tiêu của mình thực chất là gì – nó chính là những thứ mà chúng ta tin rằng chúng ta sẽ có được khi có thành tựu – việc này dễ dàng hơn so với việc từ bỏ những kỳ vọng của người khác.
2. Sợ bị phán xét
Trong nhiều năm qua, tôi thường hay chia sẻ với bạn bè, gia đình và họ hàng ở xa về những gì mà tôi đang làm. Mỗi lần tôi nói chuyện với một người trong số họ, họ thường sẽ nói: “thế vẫn viết blog chứ?”
Khi càng cố gắng giải thích nhiều hơn về những gì mình đang làm thì tôi lại thấy rằng động cơ thôi thúc tôi đang phai nhạt dần. Tôi dần hiểu và nhớ về đoạn hội thoại mà nhà văn Mỹ Dani Shapiro đã đề cập đến trong cuốn sách của bà, Still Writing: The Perils and Pleasures of a Creative Life (Tạm dịch: Những hiểm họa và thi vị của một cuộc sống sáng tạo):
“Tôi điểm lại những lần mà tôi nhận được câu hỏi rằng tôi có còn đang viết lách hay không. Chủ nhân của câu hỏi đó quen có, lạ có, thậm chí họ còn là người hâm mộ, và các độc giả của tôi… Tôi đã hỏi những văn nghệ sĩ mà tôi biết và phát hiện ra rằng họ đều phải đương đầu với một phiên bản nào đó của câu hỏi này. Những nhà văn tên tuổi, nhiếp ảnh gia có tác phẩm treo trong Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại, diễn viên sân khấu đã giành giải thưởng Tonys, những nhà thơ có tác phẩm thường xuyên được đăng tải trên các tạp chí uy tín nhất, chẳng ai trong số họ dành cả cuộc đời để sáng tạo mà thoát được câu hỏi này”.
Chính cái tâm sợ bị phán xét đã thít chặt rất nhiều người trong chúng ta, khiến chúng ta không thử gắng sức thực hiện giấc mơ và hoài bão to lớn nhất của đời mình. Đến một thời điểm nhất định, tôi đã nhận ra rằng công việc của tôi không phải là tìm cách để thuyết phục mọi người thấy rằng những gì tôi làm là quan trọng, có ý nghĩa và có giá trị. Tôi thấy mình không cần phải cố gắng chỉ để được ai đó ghi nhận nữa.
Những người mà tôi thực sự coi trọng ý kiến của họ – các đối tác kinh doanh, bằng hữu thực sự thân thiết – thường không bao giờ phán xét, hay đánh giá tôi một chút nào cả. Họ luôn khích lệ và hỗ trợ tôi mỗi khi tôi lâm vào đường cùng, thậm chí ngay cả những thời điểm mà tôi cảm thấy rằng mình không thể tiến bước.
Một khi bạn đã tống khứ được tâm sợ bị phán xét, bạn sẽ thấy rằng năng lực của bạn dường như vô hạn. Tài năng của bạn sẽ được bộc lộ nhiều hơn, làm việc năng suất hơn, và có nhiều động lực để sáng tạo hơn. Bạn cần đặt tâm vào quá trình, chứ không phải là chằm chằm nhìn vào phần thưởng, và bạn sẽ bắt đầu thấy mình sống cuộc sống mà bạn hằng mong muốn.
3. Để quá khứ trở thành gánh nặng
Chúng ta ai cũng có quá khứ của riêng mình. Nó tràn ngập những trải nghiệm tuyệt vời, nhưng cũng không thiếu những điều khủng khiếp, như việc bạn từng làm việc cho một ông chủ tồi tệ hoặc bị ai đó “truất ngôi”.
Đến một lúc nào đó, bạn phải vứt bỏ mọi tâm oán hận với người khác, quên đi mọi biến bố và những quá khứ đau buồn. Nếu không tương lai của bạn sẽ có một sự khởi đầu vô cùng khủng khiếp, tựa như quá khứ của bạn vậy.
Khi bạn vứt bỏ tất cả những quá khứ đau buồn đó, cũng đồng nghĩa với việc bạn đã trút bỏ được gánh nặng trên vai. Bạn sẽ phiêu phiêu đi khắp thế gian với cảm giác nhẹ nhàng thư thái, bình an, và tự do tự tại mà làm mọi thứ theo con đường của riêng mình.
Trong nhiều năm, tôi ôm tâm oán hận những ông chủ đã sa thải tôi. Cuối cùng, khi tôi đã vứt bỏ được cảm giác này, tôi nhận ra rằng những người này đã cho tôi một món quà và họ đã thổi lửa giúp tôi vượt qua những thử thách tàn khốc. Bởi vì xét cho cùng, tôi sẽ không làm được những gì cần làm để trở thành tôi của ngày hôm nay nếu bản thân không buông bỏ được những cái tâm đó về họ.
Từ bỏ ở đây không có nghĩa rằng bạn chỉ có mất, mà thực ra bạn còn được rất nhiều. Bởi lẽ, khi bạn vứt bỏ được thứ gì đó trong tâm, bạn đã tạo ra được một khoảng trống để đón nhận những điều mới mẻ vào trong cuộc đời của bạn.
Nếu bạn sống với quá nhiều giới hạn cho bản thân, về lâu về dài, bạn có thể phải từ bỏ một số điều mang tính ngắn hạn. Có thể bạn sẽ phải hy sinh sự thoải mái và an toàn trong hiện tại để đánh đổi lấy một điều gì đó tốt đẹp mà bạn cảm giác rằng nó sẽ đến với bạn trong tương lai. Rốt cuộc là tùy vào việc bạn xác định được ý nghĩa của sự của thành công và những gì bạn sẵn sàng sẽ từ bỏ để có được nó – và hãy thử cân nhắc xem kết quả mà bạn gọi là thành công đó có đáng giá với những gì đã bỏ ra hay không.
Tác giả Srinivas RaoTheo – The MuseMinh – Phương biên dịch