Mấy hôm rồi, thiên hạ đã cực kỳ sửng sốt trước sức ảnh hưởng không ngờ của một ngôi sao Hàn Quốc trong chuyến thăm Sài thành. Có người giật mình về sự say đắm thần tượng của các bạn trẻ, không ít người lại thấy nặng lòng…
Làn sóng thần tượng Hàn Quốc đã bao trùm cả thế giới chứ không chỉ ở khu vực châu Á như cách đây khoảng 10 năm. Người Hàn đã thành công hơn phương Tây, cái nôi của các lứa thần tượng đầu tiên bởi sự đầu tư và chiến lược rất công phu.
Sự trỗi dậy của “Thần tượng” và công nghệ tạo dựng hình ảnh
Ủy ban Thương mại Văn hóa Hàn Quốc từng xuất bản cuốn sách mang tên “Mãi mãi Hàn lưu” (Hàn lưu hay Hallyu là làn sóng Hàn Quốc), trong đó hướng dẫn tỉ mỉ cách tiếp cận các thị trường quốc tế. Bộ Văn Hóa nước này có một cơ quan mang tên Cục Công nghiệp Pop Culture (văn hóa Pop) với nhiệm vụ phát triển những “công nghệ văn hóa” tiên tiến nhất để hỗ trợ các màn trình diễn trên sân khấu như ảnh ba chiều hologram, cầu vồng nhân tạo hay pháo hoa điều khiển theo ý muốn…
Các Idol (thần tượng) của Hàn Quốc phải nỗ lực từ rất trẻ, tài năng của họ ngoài thiên bẩm còn là được rèn luyên rất chuyên nghiệp và khắc nghiệt mà thành. Sự thành công của một Idol cũng là nhờ một bộ máy đứng đằng sau chứ không chỉ là thành tựu của mình cá nhân đó. Những cá nhân đã từng trông rất bình thường trở thành những thần tượng đẹp từ hình thức đến hình ảnh (là nhân cách được tạo ra trước công chúng mà không để lộ những khuyết điểm hay đời sống thật, nhân cách thật).
Những Idol được yêu thích thường có hình ảnh đối lập, như vừa ngầu, cá tính lại vừa dễ thương, đáng yêu, vừa thông minh lại vừa vụng về, vừa tốt bụng nhẹ nhàng lại vừa rất mạnh mẽ, tự tin… Hình thức cũng được thay đổi thường xuyên để người hâm mộ luôn phải mong chờ sự xuất hiện của họ, bởi sẽ luôn có cái gì đó mới. Từ những cô gái ngây thơ trong sáng biến thân thành những phụ nữ quyến rũ, mạnh mẽ. Từ những chàng trai sáng sủa thư sinh ở sân bay, lên sân khấu lại trở thành các quý ông sang trọng lịch lãm…
Hình thức, hình ảnh đã trở thành một điều không thể thiếu của các Idol, và người hâm mộ bị thu hút và buộc phải theo dõi sát sao thần tượng một phần cũng vì những ấn tượng thị giác đó.
Những ông già Noel ban niềm vui và niềm tin
Trong nhịp sống ngày càng gấp gáp, đầy áp lực, con người ngày càng khó dung hòa với nhau và khó thỏa mãn trong các mối quan hệ. Người ta tìm kiếm tới những điều đẹp và hoàn hảo như những giấc mơ giữa đời thường. Có người đã ví rằng thần tượng như ông già Noel, mang tới niềm vui, sự mong chờ, cũng như hy vọng và động lực cho những đứa trẻ trở nên ngoan hơn. Rất nhiều em học sinh đã giải thích rằng nhờ thần tượng nhắc nhở nên mới học tốt, nhờ thần tượng nên mới quyết tâm học giỏi giành học bổng đi Hàn, nhờ lời hứa học giỏi với bố mẹ thì sẽ được cho đi xem hòa nhạc của thần tượng mà học tốt hơn rất nhiều…
Rồi nhờ nhân cách tốt, hình ảnh đẹp mà các thần tượng tạo ra trước công chúng, nhiều bạn trẻ đã có tấm gương để noi theo. Có câu chuyện vui rằng, vì hâm mộ Idol Hàn nên có bạn kia đến lớp muộn đáng lẽ bị thầy mắng, nhưng nhờ cúi gập người 90 độ xin lỗi như ca sĩ Hàn nên được tha cho…
Đó là những lý do có phần thuyết phục mà các bạn trẻ đưa ra để bảo vệ cho sự say mê của mình. Nhưng cũng chính sự ảnh hưởng quá lớn của các thần tượng, nên người ta dễ dàng bác bỏ lý lẽ của các bạn khi ngày càng nhiều Idol Hàn Quốc bị lộ đời sống riêng tư bê bối, bệ rạc, trái ngược hoàn toàn với hình ảnh thánh thiện của họ trước công chúng. Ngành công nghiệp Hàn Quốc từ đầu năm tới giờ đã đón nhận không biết bao thông tin gây ngỡ ngàng từ các thần tượng và diễn viên “quốc dân”.
Những soái ca thánh thiện hóa ra luôn phê pha sau cánh gà, coi phụ nữ như công cụ tình dục, làm ăn phi pháp, có mối quan hệ mờ ám với chính khách, cảnh sát đen… Có tượng đài với hình ảnh hiền lành, giản dị, trong sáng đã hơn 20 năm hóa ra lại là kẻ trăng hoa bắt cá hai tay. Những cặp đôi đáng ghen tỵ sau đám cưới “thế kỷ” lại chẳng thể dung hòa, rộng lượng được với nhau, để lại trong lòng người hâm mộ niềm tin vụn vỡ, và nhận thức bi quan rằng chẳng có ai yêu mình như mình đâu.
Nhưng nếu tìm lại nguồn gốc xa xưa của từ thần tượng, ta có thể hiểu vì sao con người thời xưa có thể tự ước thúc, kỷ luật để phát triển bản thân ngày một tốt nhờ “thần tượng” thật sự, mà không sợ mọi ảo ảnh, mộng mị sẽ có ngày vỡ vụn.
Thần tượng thật sự
“Thần tượng” (神像) có nghĩa là bức hình, bức tượng của vị thần được dân chúng thờ phụng. Sau khi các bậc Giác Giả (người thông qua tu luyện mà thấu triệt nhân sinh) không còn tại thế, bắt đầu một thời kỳ tượng giáo, người ta thờ hình ảnh của Thần, Phật để nhờ cậy các Ngài chăm sóc, dẫn dắt trên con đường tu tâm dưỡng tính theo những triết lý hướng Thiện chung của tất cả các chính giáo trên thế giới.
“Thần tượng” vì thế chính là hình ảnh không thật nhưng đủ sức mạnh và cho con người niềm tin sống tốt, sống tử tế để có thể luân hồi vào nơi tốt hoặc lên Thiên Thượng. Chính vì có một nền tảng đạo đức chung dựa trên các giá trị phổ quát mà các bậc Giác Giả để lại cho con người, nên con người thờ Thần tượng sẽ luôn phải tự ước thúc mình cho tốt hơn, cũng không sợ một ngày nào đó Thần sẽ đổi thay.
Nhưng từ khi con người chuyển từ thờ Thần sang thờ người, sự chắc chắn đó không còn nữa. Từ “Idol” (vật/người được sùng bái) trong tiếng Anh có nguồn gốc từ “Idolum” trong tiếng La-tinh, có nghĩa là một hình ảnh không có thật, ảo tưởng, dối trá.
Idol cũng chỉ là những hỉnh ảnh, họ cần tạo ra những hình ảnh đẹp để được yêu mến, tôn sùng. Người hâm mộ chính là người cho họ danh tiếng, tiền tài. Nhưng trong cái được quá to lớn như vậy, giữ được sự chân thành, khiêm tốn, lối sống giản dị, tiết kiệm, lành mạnh (vốn là “hình ảnh” họ xây dựng lên trước đó) sẽ khó có thể thực hiện được mãi.
Tại cái nôi của làn sóng văn hóa đại chúng Hàn Quốc, người hâm mộ Hàn rất khắt khe với các Idol. Bởi họ biết chính họ đã cho các Idol danh tiếng và tiền tài. Nên các Idol phải có trách nhiệm đối với xã hội, phải truyền đi những thông điệp tích cực, giúp thế hệ trẻ xây dựng nhân cách tốt và hoài bão lớn lao. Vì thế đời sống riêng tư và nhân cách của Idol đối với người Hàn là một điều rất quan trọng.
Nhưng có lẽ điều đó lại chưa xuất hiện nhiều ở các bạn trẻ hâm mộ Việt Nam. Sự phổ cập của văn hóa đại chúng Trung, Hàn tràn ngập các yếu tố đề cao vật chất, hình thức, đấu đá, hơn thua, cùng với sự thiếu hụt các lựa chọn hoạt động văn hóa khác, khiến giới trẻ dễ thiếu hụt, lệch lạc trong quá trình hình thành nhân cách và ý thức công dân.
Các bạn đa phần tìm thấy niềm vui và say mê ở các Idol mà họ nói là như tiên tử giáng trần. Từ yêu thích mà thiếu đi khả năng nhận định, phân tích, thấu hiểu đúng sai, thật giả của một người trưởng thành, sẽ dễ chuyển thành say đắm, mê muội.
Nhưng giới trẻ đâu có lỗi, họ nhận được những gì chúng ta trao cho họ và thiếu hụt những gì chúng ta không trao cho họ. Đã đến lúc người người, nhà nhà đều cần một Thần tượng trong tâm, là những giá trị đạo đức cơ bản nhất của nhân loại. Có nó ta dễ dàng nhận định được cái gì là tốt nên theo, xấu nên bỏ. Và cũng đã đến lúc người lớn phải có trách nhiệm hơn với thế hệ trẻ để bảo vệ và dẫn dắt họ.
Thuần Dương