Đang hành nghề bốc thuốc Nam, anh Nguyễn Kim Thưởng, thôn Bình Ca, xã Thái Bình (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) đột ngột chuyển hướng sang làm than Binchotan (còn gọi là than trắng).
Vạn sự khởi đầu nan, sau hàng loạt những thất bại, cuối cùng sản phẩm than Bichotan của cơ sở sản xuất than Bình Ca đã trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị vào thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nghề chọn người
Anh Nguyễn Kim Thưởng kể, gia đình anh có nghề gia truyền bốc thuốc Nam nhưng có cuộc sống như bây giờ thì lại là từ trồng nhãn.
Ấy vậy mà vật đổi sao dời, gần đây sản phẩm nhãn quả Thái Bình không còn giá trị như trước, vì lẽ đó mà người dân ồ ạt đốn hạ, trồng thay thế cây non hoặc chuyển đổi sang trồng các loại cây khác.
Anh Thưởng nhớ lại, thời điểm nhãn có giá, người Thái Bình chỉ dám bẻ cành khô, đốn cành sâu làm củi. Giờ sẵn ga, sẵn điện, củi, cả cây nhãn chặt xuống cũng chẳng ai màng.
Làm nghề sao sấy thuốc Nam như gia đình anh mỗi năm cũng chỉ dùng đến vài mét khối củi, những cành nhãn chắc như gỗ nghiến chất chồng, chất đống ở góc vườn đến xót ruột.
Rồi như duyên số, 1 lần vị khách người Bắc Giang lên bốc thuốc, trông nhãn đốn chặt ngổn ngang mà của trách anh Thưởng: “Sống trên đống vàng mà không biết hốt”. Vị khách kể, ở đất Bắc Giang, Hưng Yên… cành nhãn, cành vải chỉ bằng cổ tay khi đốn tỉa người ta cũng thu gom để sản xuất than xuất khẩu..
Không lâu sau anh Thưởng bỏ dở nghề bốc thuốc gia truyền rồi tầm sư học cách làm than xuất khẩu từ củi cây nhãn.
Anh Thưởng thổ lộ, ngỡ đốt than dễ lắm, châm lửa, củi cháy là xong nhưng không phải vậy. Mất cả tháng học nghề, khi bắt tay vào làm vậy mà vẫn thất bại.
Cả năm 2018, tiền tỷ bỏ ra bằng thật cùng bao công sức nhưng kết quả thu về chỉ là đám tro tàn. Nhớ lại thời điểm ấy, anh Thưởng như muối xát vào ruột, có những lò hàng chục khối củi đưa vào nhưng khi dỡ lò chỉ có tro là tro, bởi khi bịt cửa lò không kỹ sót lỗ nhỏ không khí lọt vào cả đống than tàn thành tro. Chưa nói những mẻ than chín dở, sống dở, đó là khi củi chưa cháy hết đã bịt cửa lò thành dở than, dở củi hàng đó thì bán không ai mua, cho không ai lấy.
Sau thất bại thảm hại, anh Thưởng quyết học và làm lại, từ cách xây lò, đốt lò, ủ than… Hàng chục ngày đêm lấm lem với củi lửa, anh Thưởng mới mắt thấy, tay được cầm thanh than binchotan do chính mình làm ra.
Anh Thưởng khoe, theo kết quả phân tích của hiệp hội những người làm than binchotan, lượng cacbon trong than đạt trên 90%, hầu như không còn tạp chất, khi đốt không khói và mùi.
Rất nhanh sau đó, 1 doanh nghiệp xuất khẩu than binchotan tại Bắc Giang đã nhập toàn bộ lượng than và ký kết bao tiêu sản phẩm than sau khi sản xuất.
Khi than trắng hóa “vàng”
Ông chủ lò than binchotan xã Thái Bình Nguyễn Kim Thưởng chia sẻ, than binchotan là loại than củi đốt cao cấp nhất do người Nhật phát minh, có đặc tính không khói, không mùi, không nổ, có thể sử dụng trong phòng lạnh, thời gian cháy từ 3 đến 4 giờ.
Than binchotan được sản xuất bằng cách đốt các nhánh hoặc thân cây gỗ ở nhiệt độ cực cao trong vài ngày sau đó làm nguội nhanh. Nói rồi anh Thưởng giải thích, củi sau khi thu gom về sẽ được cắt thành các thanh có kích thước từ 50 – 60 cm, sau đó được xếp vào lò, miệng lò sẽ được bịt kín bằng gạch và bùn chỉ trừ một cửa nhỏ để nhét củi khô châm lửa đốt.
Khi các thanh củi bắt lửa trong khoảng thời gian nhất định, cửa lò cũng được chét lại sao cho không khí không thể không lọt vào lò, trong môi trường bị ém khí than sẽ nguội rất nhanh.
Than binchotan đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sau khi ra lò phải còn nguyên vẹn như thân gỗ ban đầu nhưng lõi phải có màu đen ánh, lớp áo ngoài màu trắng không bị tàn lụi. Điều quan trọng nữa là chúng cứng hơn nhiều lần so với than củi thông thường, khi gõ 2 cây than vào nhau sẽ có âm thanh của kim loại.
Hiện sản phẩm than binchotan của xưởng anh Nguyễn Kim Thưởng được xuất khẩu vào 2 thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo lời anh Thưởng, tại các nhà hàng, quán ăn bình dân hay cao cấp ở 2 quốc gia này nhu cầu sử dụng than binchotan để nướng chín thức ăn nên nhu cầu sử dụng là rất lớn.
Hiện giá than xuất khẩu khoảng là 28.000 – 30.000 đồng/kg; còn tại thị trường Việt, than binchotan được bán cho các nhà hàng Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có giá tương ứng.
Trung bình mỗi tháng xưởng sản xuất than binchotan của anh Thưởng xuất khẩu 6 – 10 tấn, cao điểm những tháng cuối năm vừa qua nhu cầu tiêu dùng tăng cao, lượng than xuất khẩu lên đến con số 15 tấn/tháng.
Ngoài xuất khẩu làm chất đốt, than binchotan đang được sử dụng mạnh trong ngành công nghiệp lọc nước uống, sản xuất thiết bị y tế, đặc biệt là khẩu trang và phụ phẩm sản xuất kem đánh răng…
Anh Nguyễn Kim Thưởng cười mãn nguyện, cành nhãn, vải sau đốn tỉa tưởng như chỉ vứt bỏ nhưng khi chế biến thành than binchotan đã hóa “vàng”.
Để minh chứng lời nói, anh Thưởng bảo 4 năm rẽ ngang sang nghề chế biến than binchotan anh có của ăn, của để và tạo ra việc làm cho 5 lao động trong thôn, với mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng.
“Nguồn nguyên liệu dồi dào ngoài thân, cành nhãn, vải mỗi năm được đốn tỉa và nhu cầu sử dụng sản phẩm than binchotan của thị trường xuất khẩu và là nguyên liệu cho 1 số ngành công nghiệp thì giá trị sản phẩm than binchotan sẽ còn cao hơn nữa…”, anh Thưởng khẳng định.
Đoàn Thư (Báo Tuyên Quang)