Thần Phật là từ bi cứu độ con người. Các Đại Giác Giả xuống thế gian độ nhân đều khuyên con người tu đức, hành thiện và tiết chế dục vọng. Vậy những ai sẽ được Thần Phật bảo hộ?
Sự biến dị của văn hóa tín Thần Phật
Trong văn hóa truyền thống có tín ngưỡng Thần Phật, kính Trời thờ Thần, nhân quả báo ứng… Tín ngưỡng Thần Phật đã theo cùng dân tộc truyền thừa từ đời này sang đời khác suốt mấy ngàn năm nay không hề đứt đoạn.
Tuy nhiên mấy chục năm gần đây ảnh hưởng của Thuyết tiến hóa và Thuyết vô Thần khiến truyền thống ngàn đời này bỗng chốc trở thành mê tín phong kiến, các tín ngưỡng truyền thống bị phá hoại nặng nề.
Khi không còn tín ngưỡng, không biết có Thần Phật tồn tại, con người không còn biết e dè sợ sệt điều gì, họ dám “đấu với Trời, đấu với Đất, đấu với người”. Vậy nên tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt, những cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá, những dòng sông trong vắt bị ô nhiễm, bầu không khí trong lành đã bị thay thế bằng khói bụi. Kết quả là thiên tai, dịch bệnh, sâu bệnh hoành hành, con người đang tự đầu độc môi trường sống của chính mình.
Khổng Tử nói: “Quân tử có ba cái sợ: Sợ mệnh Trời, sợ đại nhân và sợ lời của Thánh nhân. Tiểu nhân không biết mệnh Trời nên không sợ, bỡn cợt đại nhân, khinh nhờn lời của Thánh nhân”.
Như vậy chẳng phải giáo dục hiện đại truyền bá thuyết vô Thần và triết học đấu tranh khiến con người ngày nay “không biết mệnh Trời nên không sợ, bỡn cợt đại nhân, khinh nhờn lời của Thánh nhân”, chẳng phải đào tạo ra tiểu nhân đó sao?
Văn hóa truyền thống giáo dục con người tu thân, tu đức, tu dưỡng phẩm đức tốt đẹp, nhân ái. Sách ‘Đại học’ viết: “Đạo học làm việc lớn cho xã hội là ở chỗ làm sáng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện”. Sách ‘Trung Dung’ cũng nói: “Đạo của học vấn không gì khác ngoài tìm lại cái tâm đã bị buông thả, đã bị mất đi”, có nghĩa là tìm lại cái bản tính thiện ban sơ của con người.
Nhưng khi không đào tạo con người thành bậc quân tử, mà lại đào tạo kẻ tiểu nhân thì đúng là mối nguy hại cho xã hội và quốc gia. Bởi vì “Quân tử vì nghĩa, tiểu nhân vì lợi”, “Quân tử chỉ biết đến đức hạnh, tiểu nhân chỉ biết đến đất đai”, thế nên ngày nay con người tranh giành nhau, đấu đá nhau, lừa dối ức hiếp nhau, thậm chí sát hại nhau chỉ để ‘tranh quyền đoạt lợi’. Vì lợi mà người ta sẵn sàng dối trên lừa dưới, dối Trời lừa dân, lừa thầy phản bạn, thậm chí bán rẻ thân xác và linh hồn của chính mình, trở thành nô lệ cho đồng tiền, bị đồng tiền sai khiến.
Tuy nhiên, “Trên đầu ba thước có Thần linh” và “Thiện ác hữu báo”, nhiều người hành ác đã phải chịu tai họa, thậm chí vạ lây đến người nhà. Đứng trước tai họa giáng xuống, đứng trước cơn cuồng nộ của thiên nhiên, con người lúc đó mới thấy mình quá ư bé nhỏ. Trong sâu thẳm tâm hồn, con người vẫn mơ hồ nảy sinh ra tâm sợ hãi, kính ngưỡng. Thế là, dù theo ‘duy vật’, ‘vô Thần’ thì họ vẫn cứ ‘có thờ có thiêng, có kiêng có lành’. Họ bèn sắm lễ to lễ nhỏ, cầu thầy gần thầy xa, lễ cô nọ cậu kia, đến đền này miếu nọ. Họ đi khắp nơi cúng bái, những mong Trời Đất, Thần Phật bảo hộ được bình an, phát tài, rồi họ sẽ ‘hoàn lễ’.
Cũng có người trước những vụ ‘làm ăn lớn’ là dâng lễ Thần Phật, cầu xin ‘làm ăn trót lọt’. Họ dùng những thủ đoạn trốn tránh, trái pháp luật, trái đạo đức, câu kết nhau kiếm tiền, làm giàu. Bản thân họ cũng biết là trái đạo đức, trái pháp luật, nhưng tiền tài làm mờ mắt, và với niềm tin méo mó cho rằng ‘dương sao âm vậy”, ‘người sao Thần vậy’, nên họ đã ‘dùng bụng tiểu nhân đo lòng Thần Phật’. Cõi nhân gian họ đã quen dùng tiền tài, gái đẹp để quan hệ, lo lót, để câu kết kiếm chác, nên họ nghĩ các cõi Thần Phật quỷ Thần đều như vậy. Vậy nên mới lan tràn những tệ nạn cúng sao giải hạn, cúng vong, cầu tài cầu lộc, cầu bình an, cầu sinh con trai, cầu đỗ đạt, cầu quan lộ hanh thông, cầu thăng quan tiến chức, cầu vợ đẹp con khôn, cầu xin tất cả những gì họ mong muốn nhằm thỏa mãn lòng tham vô đáy của mình.
Thần Phật bảo hộ người tín Thần Phật như thế nào?
Nhiều người sắm đủ mâm to lễ đầy, hương lớn hương nhỏ, vàng mã ngựa xe, nhà lầu xe hơi, rồi mời thầy chùa, thầy cúng, đồng cô bóng cậu đến làm lễ giúp. Họ cung kính cầu khấn, cúi đầu bái lạy, quỳ mọp thành kính. Thử hỏi Thần Phật có bảo hộ có giúp những người ‘thành kính’ này hay không?
Giả sử Thần Phật giúp họ đạt được nguyện vọng, thế thì các mánh lới làm ăn của họ trót lọt, phát tài, họ có bộn tiền. Họ sử dụng những đồng tiền đó như thế nào? Có lẽ họ sẽ sắm một cái lễ lớn để ‘hoàn lễ’, sau đó họ sẽ tiêu tiền vào các thú vui thế gian, từ bài bạc, ăn nhậu, ma túy, thuốc lắc, từ vũ trường cho đến các sòng bạc, rồi tụ tập bạn bè ăn chơi trác táng, thậm chí có người say rượu say thuốc tông xe chết người. Số tiền còn lại thì mua sắm xe, nhà đất, gửi ngân hàng, đưa con cái ra nước ngoài…
Thần Phật là từ bi cứu độ con người. Các Đại Giác Giả xuống thế gian độ nhân, đều khuyên con người tu đức, hành thiện và tiết chế dục vọng. Thử hỏi nào có Thần nào Phật nào giúp con người thỏa mãn dục vọng cá nhân làm điều xấu điều ác, điều xằng bậy?
Lão Tử giảng Đạo, bảo con người tu Đạo, phản bổn quy chân, trở về bản nguyên của sinh mệnh, ông nói: “Tu Đạo là hàng ngày giảm bớt tư dục chấp trước, đã giảm rồi lại giảm tiếp, giảm cho đến khi không còn chấp trước, đạt đến vô vi thanh tịnh”.
Chúa Jesus nói: “Con tin ta thì sẽ trở về được Thiên quốc”, nghĩa là tin theo, nghe theo, làm theo những lời dạy của Chúa thì đạt tiêu chuẩn trở về Thiên quốc.
Phật Thích Ca Mâu Ni truyền Pháp là “Giới – Định – Huệ”. Giới cấm, từ bỏ hết thảy ham dục vui thú chốn nhân gian, tu tâm tính, thiền định, cứ trường kỳ như vậy đến khi hết ham dục chấp trước thì trí huệ nảy sinh, khai ngộ khai huệ, đến được bờ kia của niết bàn.
Các Đại Giác Giả xuống thế gian độ nhân đều lấy thân xác phàm. Các Ngài đích thân tu luyện đến khi khai ngộ rồi giảng Đạo thuyết Pháp độ nhân, để thế nhân đi theo con đường đích thân các Ngài đã làm mẫu, đã đi qua. Đó mới là con đường ‘phản bổn quy chân’, con đường trở về chân chính của sinh mệnh. Do nhắm vào đối tượng là những con người ở thời kỳ, địa phương khác nhau, có đặc điểm văn hóa, ngôn ngữ khác nhau nên hình thức diễn đạt, câu từ, lời nói của các Ngài cũng khác nhau, tuy nhiên đều có chung một ý là khuyên con người: Buông bỏ ham dục, chấp trước, tu luyện trở về với bản nguyên của sinh mệnh. Bước đi đầu tiên của quá trình tu luyện gian khổ lâu dài này chính là tiết chế dục vọng, tu đức hành thiện.
Vậy nên người nào thực hành theo lời dạy của các Ngài thì lẽ đương nhiên Thần Phật sẽ phù hộ giúp đỡ. Thần Phật nhìn nhân tâm chứ không nhìn hình thức. Còn những người làm trái lời các Ngài thì lẽ đương nhiên là không được bảo hộ. Thần Phật cũng từ bi chẳng trách phạt họ, nhưng luật nhân quả lại chẳng buông tha. Hãy xem các quan tham, những người buôn ma túy, buôn lậu, những ông trùm xã hội đen, những người chơi bời nghiện ngập, cả những người tự xưng ‘thầy nọ thầy kia’ giả Thần giả quỷ để lừa đảo kiếm tiền, qua một thời gian lâu thì họ như thế nào? Chỉ cần quan sát trong thời gian đủ dài thì chúng ta cũng tự có câu trả lời rồi.
Bạch Nhật