Trung y vẫn luôn đồng hành cùng với nền văn minh Hoa Hạ suốt 5000 năm lịch sử. Người hiện đại nhìn nhận rằng y học thời cổ đại không phát triển, tuy nhiên những ghi chép về y thuật trị liệu từ thời cổ đại dưới đây lại cho thấy một điều hoàn toàn khác, giúp con người hôm nay có được nhận thức mới về Trung y.
1. Nối lại ngón tay sau 5 ngày bị đứt đoạn
Vào thời nhà Minh có một người ở Hoàng Pha tên là Giang Úy, làm nghề áp giải tiền bạc tới Bắc Kinh. Lúc đi tới Chân Định (nay là huyện Chính Định, Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc), Giang Úy gặp phải một nhóm đạo tặc, trong lúc đánh nhau, ông bị chúng chặt đứt ngón tay. Khi đến được Bắc Kinh thì thời gian ngón tay bị đoạn đứt đã 5 ngày rồi. Chỗ bị thương vô cùng đau nhức khó chịu, vậy nên ông phải tìm thầy thuốc ở Bắc Kinh với mong muốn có thể làm dịu cơn đau.
Thầy thuốc làm việc dưới quyền của Thù Tổng Binh ở Bắc Kinh đã nghe được sự việc này liền nói: “Ta có khả năng nối liền ngón tay bị đứt đoạn”. May mà ngón tay bị đứt của Giang Úy cũng được tìm thấy. Vị thầy thuốc xem qua ngón tay bị đứt, liền chắp nối lại ngón tay vào đúng vị trí như cũ, sau đó ông bôi lên tầng tầng thuốc mỡ rồi cố định lại bằng kẹp bản mỏng, đồng thời căn dặn Giang Úy không được để chỗ bị thương chạm vào nước trong vòng 21 ngày.
Giang Úy cẩn thận tuân theo lời khuyên của thầy thuốc, đến hết thời hạn đã định, lúc tháo nẹp và lau sạch thuốc mỡ thì phát hiện thấy ngón tay đã được nối lại một cách kỳ diệu. Dù là dáng vẻ bề ngoài hay khả năng vận động cũng như cảm giác đều không khác so với lúc trước, chỉ có điểm khác biệt đó là chỗ nối lại xuất hiện vết sẹo hồng mà thôi.
Để cảm tạ, Giang Úy đã lấy hết toàn bộ tiền bạc trên người, được khoảng 30 lượng đều tặng cho vị thần y này. Đây là sự việc mà Lưu Tử Tài giữ chức Vạn hộ ở Hồ Bắc đã viết trong cuốn ‘Nhĩ đàm’, đồng thời còn nhắc tới phương thuốc mỡ chứa các loại dược liệu như băng phiến, mã não, bột ngà voi, cây giáng hương.
2. Thầy bói bói cho vợ
Theo ghi chép trong cuốn sách cổ ‘Động Lâm’, có một thầy bói tên là Liễu Lâm Tổ, tinh thông thuật bói toán. Vợ của ông từng chạm vào con chuột già bị lở loét mà bị bệnh, mấy năm cũng không có chuyển biến tốt, thậm chí bệnh tình còn nặng tới mức nguy hiểm đến tính mạng. Liễu Lâm Tổ liền bói cho vợ và nhận được hai quẻ “Di” và “Phục”.
Theo quẻ thẻ viết: “Cần tìm vị thầy thuốc họ Thạch để trị liệu, hơn nữa sau khi bắt được con chuột đốt ngải thì bệnh có thể thuyên giảm”.
Một thời gian sau, ở quê nhà có một gia đình nghèo họ Thạch, người này nói có thể trị được loại bệnh này, đoạn đốt 3 lỗ trên đầu bệnh nhân, quả nhiên người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
Sau một lúc thì có con chuột màu vàng sáng đến gần họ và nhìn không nhúc nhích. Mọi người liền kêu to gọi chó đến bắt con chuột này, sau khi bắt được chuột thì thấy trên đầu chuột có 3 lỗ đốt ngải. Từ đó về sau, bệnh tình của vợ Liễu Lâm Tổ đã được trị khỏi hoàn toàn.
3. Thay tim thời cổ đại
Hai người tên là Công Hỗ và Tề Anh bị bệnh, họ mời thần y Biển Thước tới khám chữa. Trước tiên Biển Thước dùng kim châm cứu, sau đó ông nói nếu muốn chữa triệt để khỏi bệnh thì hai người cần trao đổi quả tim cho nhau. Tiếp sau đó, Biển Thước cho Công Hỗ và Tề Anh uống rượu gây tê để hai người hôn mê 3 ngày; ông tiến hành mở lồng ngực và dùng thuật thay tim và thần dược để trao đổi quả tim của hai người bệnh. Sau khi tỉnh lại, hai người trở nên khỏe mạnh bình thường nên đã đến tạm biệt thầy thuốc rồi về nhà. (Liệt tử – Thang vấn thiên).
Phẫu thuật thay tim này diễn ra cách đây 2400 năm vào thời Chiến Quốc ở Trung Quốc. Người hiện đại có thể cho rằng thuật thay tim của thần y Biển Thước là một “chuyện hoang đường” khó có thể xảy ra. Kỳ thực, từ thời cổ đại sớm đã có giải phẫu ngoại khoa. Vào thời Đông Hán, Hoa Đà từng dùng Ma phí tán để gây tê cho bệnh nhân, mổ bụng lấy ruột ra, cắt khối u, sau đó khâu vết mổ lại và bôi thuốc mỡ lên. Sự việc này được ghi chép trong ‘Hậu Hán thư’ và ‘Tam Quốc chí’.
Sau khi Công Hỗ và Tề Anh trao đổi tim thành công, điều kỳ diệu hơn đã xảy ra, hai người họ đều đi về nhầm nhà. Công Hỗ đã đi tới nhà của Tề Anh và nhận thê tử của Tề Anh là vợ mình, còn Tề Anh lại đi tới nhà của Công Hỗ và nhận thê tử của Công Hỗ là vợ mình. Tuy nhiên hai người đàn bà này đã không chấp nhận điều ấy và dẫn đến cuộc phân tranh phải bẩm báo lên quan phủ. Mãi tới khi Biển Thước nói rõ nguyên nhân thì quan tòa mới giải quyết xong vụ việc.
Cơ sở lý luận của Trung Y giống như học thuyết Ngũ hành Âm Dương, thuyết Tàng tượng, thuyết Kinh lạc… đều là điều mà khoa học hiện đại ngày nay dù có nghiên cứu nhưng vẫn không thể biết rõ ràng. Trong tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hiện tại, liệu bạn có phủ nhận rằng bản thân mong muốn tìm được một phương thuốc trung y từ thời cổ đại để hành y tế thế đúng không?
Theo NTDTV-San San biên dịch