Chính thế giới của chúng ta đang thừa nhận rằng cần phải loại bỏ một số phương pháp giảng dạy truyền thống đã có từ lâu đời và phải nắm lấy cơ hội để thay đổi nền giáo dục hiện đại.
Trevor Gile và Agnieszka Tynkiewicz-Gile là hai nhà sáng lập của Liger Leadership Academy – Học viện lãnh đạo Liger, viết tắt là LLA. Họ thấy rằng phong cách giáo dục truyền thống thụ động đã không còn hiệu quả đối với việc dạy học ngày nay nữa.
“Victoria là mô hình giáo dục truyền thống dựa trên các bài giảng. Nó mặc định rằng giáo viên ở trong phòng học nắm vững tất cả mọi thứ mà học sinh cần biết. Và thực tế là, khi thế giới thay đổi quá nhanh, chúng ta với vai trò là cha mẹ và nhà giáo dục sẽ không thể biết điều gì một người trẻ ngày nay sẽ cần phải biết trong 10 hoặc 20 năm nữa”, ông Gile, người sáng lập và là chủ tịch hội đồng quản trị của LLA, nói với CNBC Make It.
Giải pháp của họ là gì? Một cách tiếp cận mang tính kinh doanh của LLA đối với giáo dục là dạy trẻ em thông qua các dự án, cơ hội học tập dựa trên kinh nghiệm và những chương trình giảng dạy thiết thực nhất.
Một nghiên cứu năm 2014 của Đại học Washington phát hiện ra nhiều sinh viên đã thất bại trong các khóa học chuyên về khoa học, toán học và kỹ thuật, so với những người theo đuổi mô hình “học chủ động”, trong đó có liên quan đến việc giải quyết vấn đề và tranh luận. Các nghiên cứu đã chỉ ra các lợi ích của việc “học chủ động”, bao gồm việc giúp mở rộng kiến thức, phát triển tư duy phản biện và đẩy mạnh sự nhiệt tình trong học tập.
Đầu tư vào các nhà lãnh đạo tương lai
Sau 10 năm thành lập, Học viện Lãnh đạo Liger đã chào đón những sinh viên đầu tiên vào năm 2012. Với mục tiêu mang đến cho học sinh cơ hội trở thành những nhân tố giúp thay đổi xã hội một cách tích cực và có thể hỗ trợ Campuchia phát triển kinh tế xã hội trong tương lai.
Ngân hàng Thế giới đã cho thấy rằng chất lượng của nguồn nhân lực là vấn đề cần được quan tâm nhất hiện nay. Hiện nay Campuchia đang bị liệt vào danh sách các nước có thu nhập trung bình thấp. Với 65% dân số Campuchia dưới độ tuổi 30, để có thể gia tăng nguồn thu nhập trung bình của quốc gia này vào năm 2030, LLA đã đưa ra một giải pháp đầy tiềm năng.
LLA hiện có 110 học viên từ 11 đến 18 tuổi, sau khi đã sàng lọc 16000 người đăng kí học. Tất cả đều phải trải qua 7 bước trong quy trình kiểm tra để có thể đảm bảo chất lượng đầu vào. Mỗi sinh viên sẽ nhận được học bổng trị giá 15000 đô la khi theo học tại trường nội trú có trụ sở tại Phnom Penh.
Đổi lại, các học sinh phải dành sáu năm học cho mô hình giáo dục này và có thể hợp tác trong các dự án được giám sát – gồm các việc như tạo ra một sản phẩm nào đó, hay chế tạo robot. Mỗi nhóm sẽ phải lên kế hoạch, nghiên cứu, đàm phán và thực hiện tất cả các công việc để tạo ra một sản phẩm cuối cùng.
Tynkiewicz-Gile, người sáng lập và chủ tịch hội đồng quản trị của LLA, cho biết: “Bạn có thể tưởng tượng nó là một công việc lớn lao như thế nào và có bao nhiêu điều bạn có thể học được từ đó”.
Các sinh viên sau đó được khuyến khích chia sẻ kết quả của họ. Vì vậy những người bạn cùng lớp đã tham gia vào dự án có thể có được cái nhìn sâu sắc về chủ đề đó và học được thêm nhiều điều mới mẻ khác. “Chúng tôi có thể dạy cho bạn mọi thứ. Nhưng ngoài ra còn có rất nhiều cách khác cũng giúp bạn tìm hiểu những gì mình chưa biết khi bạn cần”, Gile nói.
Bên ngoài lớp học, học sinh cuối cấp (tuổi từ 15-18) được khuyến khích sống độc lập, cùng bạn bè nấu ăn, quản lý ngân sách và tự giặt giũ. Những công việc mà hầu hết người phương Tây muốn hướng đến cho con cái họ khi chúng có ý định ở riêng hoặc đi học đại học.
Chấp nhận rủi ro
Nhiều năm sau khi thành lập, sinh viên LLA đã đạt được rất nhiều thành tựu. 18% học sinh đã có thể trình bày một Tedx Talk. TED Talks là những bài diễn thuyết mang tính truyền cảm hứng được ghi lại tại các sự kiện của tổ chức phi lợi nhuận TED. Diễn giả mà TED mời đều là người xuất chúng trong lĩnh vực của họ và các bài nói chuyện nhằm chia sẻ “những ý tưởng đáng giá” với công chúng. Trong số những cái tên nổi tiếng từng xuất hiện có đồng sáng lập Google – Larry Page, cựu Tổng thống Bill Clinton, tỷ phú Bill Gates, nhà giáo dục Ken Robinson và một số nhân vật từng đoạt giải Nobel. 95% học sinh nữ đã tham gia các cuộc thi mã hóa toàn cầu, và trong số đó 75% là các tác giả đã có sách được xuất bản và có các trang web của riêng mình. LLA hiện đang hợp tác với NGOs – các tổ chức phi chính phủ, Bộ Giáo dục Campuchia và Tổ chức Lao động Quốc tế. Tổ chức này đã đầu tư 15 triệu đô la vào việc giảng dạy. Hai nhà sáng lập hiện đang muốn đưa mô hình giáo dục này ra toàn cầu.
Tuy nhiên, việc khuyến khích các cá nhân, tổ chức hoặc quốc gia từ bỏ giáo dục truyền thống là rất khó. Nó liên quan đến việc xem xét các rủi ro, ý nghĩa của việc làm này trong tương lai và làm sao để hòa nhập vào một xã hội mà đã gắn bó từ lâu đời với các phương thức truyền thống.
“Một lý do tại sao rất khó để thay đổi hệ thống giáo dục hiện tại là vì nó đã được áp dụng cho nhiều thế hệ. Chúng tôi đã sử dụng nền giáo dục truyền thống này để sàng lọc những người trẻ tuổi, chọn ra các lĩnh vực phù hợp nhất với khả năng của họ”, Richard Gerver một chuyên gia nghiên cứu về giáo dục toàn cầu và nghệ thuật lãnh đạo, chia sẻ. Ông nói thêm rằng ông rất lo ngại về việc các tổ chức mới thành lập sẽ không gặt hái được mấy thành công trong việc thay đổi nền giáo dục. Hai nhà sáng lập chắc chắn cũng biết trước rủi ro khi họ mới bắt đầu. Đó là lý do tại sao họ cảm thấy cảm kích với những gia đình đầu tiên đã cho con theo học tại LLA.
Những người trẻ tuổi sẽ làm bạn ngạc nhiên nếu bạn cho họ cơ hội và động lực. Cuộc sống thực tại phải là một phần không thể thiếu trong giáo dục, và thất bại không chỉ cần được chấp nhận, mà còn cần cả sự mong đợi.
Nhìn về phía trước
Ngoài Campuchia, giáo dục tương lai vẫn còn là chủ đề nóng ở nhiều quốc gia. Trong một báo cáo năm 2018, OECD – Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, đưa ra sự khẩn cấp trong việc chuẩn bị tìm việc làm cho sinh viên.
Một báo cáo cho rằng: “Giáo dục cần hướng tới mục tiêu đào tạo nhiều hơn là cố gắng tạo ra việc làm cho sinh viên. Chúng ta cần phải trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để trở thành những công dân năng động, có trách nhiệm và gắn bó với cộng đồng“.
Như Gerver nhấn mạnh: “Ngay cả các nhà tuyển dụng lớn hiện nay cũng đang đặt câu hỏi liệu hệ thống này có tạo ra những người trẻ tuổi với các kỹ năng mềm, và trở thành những cánh tay đắc lực cho nền kinh tế thế giới trong tương lai hay không”.
“Những gì chúng ta làm đều có thể tác động, và mang lại lợi ích cho trẻ em từ bất kỳ quốc gia và nền kinh tế xã hội nào. Mỗi ngày trôi qua chúng tôi lại có niềm tin vào điều đó hơn. Chúng tôi đã dành cả một thập kỷ để làm việc với chương trình này. Chúng tôi đã thực hiện và chứng minh được hệ thống của mình đang hoạt động tốt. Bây giờ đã đến lúc chúng ta cần mở rộng quy mô giáo dục này”, Gile nói. Ông còn chia sẻ thêm rằng rất nhiều nhà cố vấn đã tỏ ý muốn hợp tác với LLA, bao gồm cả cựu nhân viên NASA và Boeing.
Nguyễn Linh – Theo Trí thức trẻ/CNBC