Nhận định Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, phát triển các ngành thế mạnh về công nghiệp sản xuất, đại diện Thái Lan muốn cùng Việt Nam kết nối để phát triển Công nghiệp Hội nghị và Triển lãm (MICE) – ngành công nghiệp có quy mô 200 tỷ baht/năm (tương đương 134.000 tỷ đồng).
“Phát triển ngành kinh tế cộng sinh” xu thế mới
Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Thái Lan ngày 24/8, ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc VCCI TP.HCM ví von ngành công nghiệp MICE là “nền kinh tế cộng sinh” bởi vì theo ông Nam khi tham gia các sự kiện triển lãm, hội nghị sẽ kéo theo nhiều dịch vụ phát triển
“Theo tôi ngành công nghiệp MICE sẽ là xu thế kinh tế trong tương lai. Nó không mới nhưng sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, tác động và tạo lợi ích cho các bên liên quan. Những dịch vụ đi kèm tạo ra tính cộng sinh như du lịch, nhà hàng, khách sạn, phát triển văn hóa địa phương…”, ông Nam nói.
Tương tự, bà Thái Vân Linh – Giám đốc điều hành TVL Group, Cố vấn cấp cao của quỹ đầu tư Openspace Ventures nhận định khu vực Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng đang phát triển mạnh về công nghiệp sản xuất và thu hút mạnh đầu tư nước ngoài. Với kinh nghiệm làm việc trong các tổ chức uy tín về đầu tư nước ngoài, bà Linh cho biết ngành công nghiệp triển lãm hiện nay rất quan trọng đối với các doanh nghiệp. Việc trực tiếp gặp gỡ thông qua các sự kiện này giúp các doanh nghiệp, chuyên gia kết nối và tìm hiểu những sự tương đồng để hợp tác cũng như biết thêm những cái mới, cái hay từ đối tác, khách hàng…
Thực tế hiện nay hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các sự kiện triển lãm là hoạt động không thể thiếu đối với mỗi quốc gia, nhất là quốc gia có nền kinh tế mở như Việt Nam hiện nay. Để thu hút những khách hàng là các tập đoàn, thương hiệu mạnh, đa quốc gia, đòi hỏi nhà tổ chức có tệp dữ liệu rộng khắp, nền tảng tốt với các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, hệ thống nhận diện và công nghệ cập nhật…
Tuy nhiên theo các chuyên gia để ngành công nghiệp này ở Việt Nam bùng nổ được như Thái Lan, cần nhiều hơn sự nỗ lực từ các cấp quản lý, nhà tổ chức và doanh nghiệp tham gia.
Ngành công nghiệp 200 tỷ baht/năm
Trong suốt năm qua, Thái Lan đã có nhiều sự thay đổi đáng chú ý, nâng cao vị thế nhằm trở thành điểm đến hàng đầu cho việc tổ chức các sự kiện hàng đầu thế giới và triển lãm thương mại quốc tế.
Ông Puripan Bunnag, Phó Chủ tịch cao cấp của Cục Hội nghị và Triển lãm Thái Lan (TCEB) cho biết, tính từ đầu năm 2023 đến nay, TCEB đã hỗ trợ hơn 45 triển lãm quốc tế, mỗi triển lãm đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với người tham dự và góp phần vào sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp.
“Thái Lan được công nhận là điểm đến triển lãm bởi vị trí chiến lược ở trung tâm Đông Nam Á, với các kết nối đến các quốc gia khác qua đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển. Thái Lan cũng là cửa ngõ vào cho 660 triệu người dân trong ASEAN, có năng lực kinh tế và sức mua mạnh mẽ”, ông Puripan Bunnag nói về lợi thế của Thái Lan.
Với mong muốn trở thành quốc gia trung tâm về ngành công nghiệp triển lãm của khu vực Đông Nam Á, hiện nay Thái Lan đã đẩy mạnh đầu tư về cơ sở vật chất khi có 12 địa điểm tiêu chuẩn quốc tế tại Bangkok và toàn quốc, bao gồm BITEC, IMPACT và Trung tâm Hội nghị Quốc gia Nữ hoàng Sirikit (QSNCC) để tổ chức và phục vụ các sự kiện toàn cầu.
Ngành công nghiệp hội nghị và triển lãm của Thái Lan mỗi năm mang lại lợi nhuận ước khoảng 200 tỷ baht tương đương với hơn 137.000 tỷ đồng Việt Nam.
Đại diện TCEB cho biết, nhằm nâng cao chất lượng ngành triển lãm thì đơn vị này luôn chú trọng các tiêu chí như tạo điều kiện thuận lợi cho đối tác tham gia triển lãm, kết nối với đối tác kinh doanh đáng tin cậy, tìm kiếm người đồng sáng tạo để hình thành doanh nghiệp với các thực hành đổi mới và bền vững, Nhà lãnh đạo ý thức để cung cấp các xu hướng kinh doanh tạo nên lợi thế cạnh tranh.
Nhận thức được tiềm năng mà Việt Nam đang nắm giữ cho ngành MICE, phía Thái Lan mong muốn qua sự tiến bộ đáng kể trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam với các ngành sản xuất, công nghệ đổi mới, thu hút đầu tư nước ngoài không ngừng tăng trưởng qua từng năm thì sự hợp tác phát triển cùng nhau trong thời gian tới được cho là sự hợp tác lý tưởng và mang lại nhiều lợi ích cho hai nước.
“Khi chúng ta bắt đầu hành trình này cùng nhau, tôi khuyến nghị tất cả các doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam nắm bắt cơ hội đang chờ đợi phía trước. Hãy xem xét khám phá bối cảnh triển lãm đa dạng ở Thái Lan, nơi bạn sẽ khám phá ra những máy móc hàng đầu thế giới và sản phẩm công nghệ có thể nâng cao doanh nghiệp của bạn lên tầm cao mới”, đại diện TCEB chia sẻ về mong muốn hợp tác với Việt Nam.
Thực tế hiện nay, các ngành công nghiệp Thái Lan đang tập trung phát triển bao gồm một loạt các lĩnh vực đa dạng, đặc biệt là những ngành sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp của Việt Nam như công nghệ điện tử và điện lạnh, nông nghiệp…
Theo Thiên Kỳ – Liên Thượng-Nhà đầu tư