Chào mừng quý vị đến với Chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên!
Kính thưa quý vị, là người Việt Nam, có lẽ ít nhiều đều thuộc lòng một vài khổ thơ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du qua lời ru của bà của mẹ. Tuy nhiên, cụ Nguyễn Du còn có một bài trường thi nữa xứng đáng để bạn phải đọc ít nhất một lần trong đời, đó chính là bài thơ “Văn tế thập loại chúng sinh”:
Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô,
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.
Đường bạch dương bóng chiều man mác,
Ngọn đường lê lác đác sương sa,
Lòng nào là chẳng thiết tha,
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.
Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Có khôn thiêng phảng phất u minh,
Thương thay thập loại chúng sinh,
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.
Hương khói đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa đêm đen,
Còn chi ai quý ai hèn,
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu?
…
Nhân gian sinh tử vô thường, ai mà biết được sau khi tạ thế, ta sẽ đi về đâu? Chính vì vậy, ngoài thiên đường như thế nào, có một nơi huyền bí khác mà mọi người muốn biết, đó chính là địa ngục. Địa ngục hình dung như thế nào? Con người rốt cuộc đã phạm phải tội gì để phải nhận những hình phạt này? Làm sao mới có thể tránh được kết cục này? Hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một chút về địa ngục được mô tả trong kinh điển.
===
Tôi từ khi còn rất nhỏ đã từng tham quan một sơn động rất lớn và rất tối tăm. Bước xuống từng bậc từng bậc thang của sơn động, có thể nhìn thấy tứ phía những bức tượng điêu khắc tiểu quỷ địa ngục đang trừng phạt những tội nhân, cái thì xẻ đôi người từ chính giữa, cái thì khoét mũi khoét mắt, cái thì vùi người vào đống than chì và nghiền thành bùn… những hình phạt khủng khiếp, đẫm máu và đặc biệt đáng sợ. Thậm chí đến hiện tại tôi vẫn còn ghi nhớ một số cảnh tượng. Đó là một địa điểm mô tả địa ngục rất thu hút khách du lịch.
Nhưng kể từ đó, tôi bắt đầu hiếu kỳ, thực sự có mười tám tầng trong địa ngục trong truyền thuyết không? Con người rốt cuộc đã phạm tội gì để phải nhận những hình phạt này? Làm thế nào tôi mới có thể tránh được kết cục này?
Mô t ả địa ngục trong tôn giáo
Có những mô tả về địa ngục trong các tín ngưỡng tôn giáo khác nhau trên toàn thế giới, chẳng hạn như trong tín ngưỡng Thiên Chúa giáo phương Tây có Thần khúc của Dante, trong đó mô tả cảnh tượng chín tầng địa ngục và bảy tầng luyện ngục.
Trong thế giới quan của Đạo gia, nhận thức của con người về thế giới bên kia là âm tào địa phủ, U Minh giới, con đường Hoàng Tuyền, v.v.
Vào thời nhà Hán, sau khi Phật giáo từ Ấn Độ truyền nhập vào Trung Quốc, quan niệm về luân hồi và địa ngục của Phật giáo dần dần dung nhập vào tín ngưỡng dân gian, hình thành thuyết pháp mười tám tầng địa ngục mà mọi người quen thuộc nhất hiện nay.
Địa ngục được miêu tả trong Phật giáo
Trong “Phật thuyết thập bát nê lê Kinh” viết “Tử nhập nê lê, trung hữu thâm thiển, hỏa nê lê hữu bát, hàn nê lê hữu thập.” Nê lê là phiên âm của địa ngục trong tiếng Phạn, nghĩa là có tám địa ngục lửa và mười địa ngục lạnh, cộng lại thành mười tám tầng địa ngục.
Trong “Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh” viết rằng, có 18 đại địa ngục lớn, 500 trung địa ngục và 100.000 tiểu địa ngục, tất cả đều có những tên gọi khác nhau.
Dù tính toán như thế nào, thì những địa ngục này đều có một đặc điểm chung, đó là xuống một tầng lại khổ hơn một tầng, tội càng lớn thì hình phạt càng nghiêm khốc. Vì trong kinh Phật không có một thuyết pháp thống nhất, do đó cũng không cách nào để phân loại tình huống cụ thể của mỗi tầng, do đó, chỉ xin chọn một số tầng có tính đại biểu để nói với quý vị.
Tội và hình phạt
Trong “Phật thuyết tội nghiệp ứng báo giáo hóa Địa ngục Kinh” giảng rằng, có một đệ tử của Đức Phật hỏi, ở địa ngục, có những tội nhân bị nhốt trong hỏa thành. Cửa mở tứ phía, nhưng cửa đóng lại ngay khi có người muốn chạy ra. Cuối cùng, những người này còn bị lửa thiêu thành tro thì là phạm tội gì?
Đức Phật trả lời rằng, họ là những kẻ khi còn sống đã phóng hỏa đốt núi rừng đốt làng mạc, khiến người và gia súc bị thiêu sống.
Đệ tử lại hỏi, còn có những tội nhân bị mắc kẹt trong núi tuyết, gió lạnh thấu xương, da thịt rách toác vì lạnh nhưng không thể chết được, cứ phải chịu tội, những người này phạm tội gì?
Đức Phật trả lời rằng, những người này là những tên đạo chích đã lấy trộm quần áo của người khác khiến người ta chết cóng, hoặc họ lột da của gia súc và cừu đang còn sống khiến chúng thống khổ không chịu nổi.
Đệ tử lại hỏi, những tội nhân bị mắc kẹt trên núi đao, cây gươm, bị lóc da và cắt đứt xương khớp, những người này đã phạm tội gì?
Đức Phật nói rằng, khi còn sống, họ là những đồ tể, họ giết mổ gia súc và bán chúng để lấy tiền, vì vậy những người này sau khi chết cũng sẽ cảm thấy bị lóc da cắt xương.
Lúc bấy giờ, Bồ-tát Tín Tương hỏi Đức Phật rằng, Thế Tôn, hôm nay có chúng sinh bị cai ngục trừng phạt, tội nhân bị tiểu quỷ trong địa ngục chặt từng mảnh từ đầu đến chân hoặc từ chân đến đầu, sau đó họ được gió thổi một hơi sống lại, thân thể phục hình, rồi lại bị băm nát.
Đức Phật dạy rằng, đó là những người khi còn sống bất tín tam tôn, không hiếu thuận với cha mẹ, hoặc là kẻ giết người.
“Địa Tạng Vương Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh”
Hoặc có địa ngục kéo lưỡi của tội nhân, bắt làm trâu cày ruộng. Hoặc có địa ngục moi tim của tội nhân, quỷ dạ xoa sẽ ăn nó. Hoặc có địa ngục, nơi có một vạc nước sôi sục nấu thân thể tội nhân. Hoặc có địa ngục, nơi có những cột đồng nung đỏ, bắt tội nhân ôm. Hoặc có địa ngục, nơi tất cả các loại lửa sẽ thiêu sống tội nhân. Hoặc có địa ngục, luôn luôn lạnh như băng. Hoặc địa ngục, vô hạn phân cứt. Hoặc có địa ngục toàn giáo mác bay. Hoặc có địa ngục toàn súng phun lửa. Hoặc có địa ngục đánh vào ngực và lưng. Hoặc có địa ngục thiêu chân thiêu tay. Có thể có một địa ngục toàn là rắn sắt. Hoặc có địa ngục toàn là chó sắt. Hoặc có địa ngục toàn là la sắt.
Còn có những địa ngục khác, chẳng hạn như địa ngục Kéo lưỡi, địa ngục Nồi dầu, Địa ngục Ôm trụ, địa ngục Lột da, địa ngục Thép gai, địa ngục phân cứt, v.v. Và những hình phạt này không phải chỉ chịu một lần, mà phải trải qua đau đớn nhiều lần, hồi phục lập tức, rồi lại tiếp tục chịu trừng phạt. Theo kinh Phật, thời gian trừng phạt ở dưới một tầng của các địa ngục này được nhân lên gấp bội so với tầng trên, tầng địa ngục thứ nhất với tội nhẹ nhất thì bị phạt một vạn năm, v.v.
Kỳ thực, 18 tầng địa ngục còn chưa phải là tầng đáng sợ nhất, dù sao những hình phạt này kéo dài bao lâu thì cuối cùng, họ sẽ được thả ra sau khi đền tội, họ có thể đầu thai làm người, động vật hay thực vật hay không là tùy thuộc vào số phận của mỗi người. Đáng sợ nhất kỳ thực chính là địa ngục Vô gián, còn gọi là địa ngục A Tì. Có người nói là tầng cuối cùng của địa ngục tầng thứ 18, có người nói nó vượt ra ngoài 18 tầng địa ngục.
Nói tóm lại, những kẻ đã phạm tội ác cực đại, thập ác bất xá, họ sau khi chết sẽ trực tiếp bị ném vào địa ngục Vô gián, một khi tiến vào thì vĩnh viễn không thể đi ra nữa, đồng thời sẽ chịu thống khổ không ngừng nghỉ cho đến khi linh hồn bị tiêu hủy không còn gì.
Không giống như ở nhân gian, người sau khi chết, linh hồn vẫn còn, nếu là một cá nhân mà linh hồn cũng chết, thì người đó thực sự đã chết và không còn gì cả. Cho nên mới nói, thế giới này kỳ thực là cực kỳ công bằng, cho dù một người có giảo hoạt, giàu có hay quyền lực đến đâu, nếu làm những việc xấu, người đó cũng không thể thoát khỏi tội lỗi mình đã gây ra sau khi chết. Thật là, thà rằng ngàn năm chịu khổ nhân gian, còn hơn một lần đọa vào địa ngục.
Hơn nữa, những mô tả về địa ngục mà chúng ta đang nói đến ngày nay đều là hoàn cảnh xã hội ở thời đại Thích Ca Mâu Ni cách đây hơn 2.500 năm, lúc bấy giờ con người thường tin tưởng vào sự tồn tại của Thần Phật, nên có ý thức ước thúc ngôn hành của mình.
Ngược lại, thời hiện đại rất nhiều người theo chủ nghĩa vô thần, tin rằng đời người chỉ sống một lần, phải sống sao cho thỏa mãn dục vọng mà bất từ thủ đoạn, khiến cho chuẩn mực đạo đức của xã hội tụt dốc, không chỉ ngày càng có nhiều thủ đoạn phạm tội độc ác được phát minh ra, mà còn xuất hiện tệ nạn ma túy, xã hội đen, giải phóng tình dục, v.v. Lại cũng có những người vì áp lực, vì thống khổ, vì bế tắc trong cuộc đời, chán sống mà đi đến quyết định tự sát, không biết rằng tự sát vong thân cũng là phạm tội giết người.
Tuy nhiên, nếu bạn đã lỡ phạm phải những sai lầm, vẫn chưa phải là hết cách. Bạn vẫn còn trên đời, thì Thần Phật vẫn trao cho bạn cơ hội để sửa chữa, chỉ cần bạn có lòng tin. Phật gia nhìn nhận rằng, cuộc đời dẫu giàu nghèo sang hèn, nhân gian chỉ là cõi tạm, làm người kỳ thực không phải là mục đích, mà mục đích cuối cùng của sinh mệnh chính là để phản bổn quy chân, tu luyện trở về nơi sinh mệnh đích thực của mình được sinh ra – một thiên đàng mỹ diệu trong vũ trụ. Tôi tin rằng, sự hiểu biết về địa ngục sẽ giúp mọi người thức tỉnh từ tâm linh, để bắt đầu một hành trình mới tốt đẹp và ý nghĩa hơn của cuộc đời.
Dựa theo Epoch Times