Một tờ báo Trung Quốc chê bai vụ đánh chặn thành công một tên lửa hạt nhân giả gần đây, trong trường hợp này là một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mô phỏng, bởi một tàu khu trục của hải quân Mỹ sử dụng tên lửa SM-3 IIA.
Tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng khả năng phòng thủ bằng tên lửa phóng từ tàu chiến sẽ không hiệu quả trong thực chiến, và tàu chiến Mỹ không có bất kỳ cơ hội nào để ngăn chặn một tên lửa siêu vượt âm đang cơ động.
Bài báo, dẫn lời một nhà phân tích quốc phòng Trung Quốc, không được hỗ trợ bởi bất kỳ bằng chứng hay lập luận thông qua dữ liệu kỹ thuật nào, cũng không nêu nhận định của họ dựa trên bằng chứng nào. Thay vào đó, bài báo lập luận rằng Mỹ “chỉ sử dụng một tên lửa giả và thực hiện theo một kịch bản tối ưu, trong đó bên phòng thủ biết tên lửa sẽ đến từ đâu và khi nào”.
Về cơ bản, tờ Thời báo Hoàn cầu nói rằng cuộc tập trận của Mỹ gần đúng với một kịch bản “thực chiến” và tiếp tục khẳng định rằng cả Nga và Trung Quốc đều có bệ phóng di động. Căn cứ của lập luận được đưa ra trong câu chuyện đơn giản là Nga và Trung Quốc hiện đang phát triển “các tên lửa tiên tiến, bao gồm cả tên lửa siêu vượt âm”.
Tuy nhiên, theo chuyên gia của National Interest, các nhận xét và lập luận của bài báo dường như gợi ra một số câu hỏi, chẳng hạn như nhiều yếu tố hoặc bị bỏ sót hoặc không được đề cập trong câu chuyện. “Vấn đề rõ ràng nhất với tuyên bố của tờ báo Trung Quốc là dường như họ thiếu nhận thức về loại SM-3 IIA tiên tiến của Hải quân Mỹ”, tờ tạp chí viết.
Tên lửa này là một biến thể hiện đại của loại tên lửa đánh chặn có kích thước lớn hơn. Nó được tích hợp công nghệ tìm kiếm mới, tiên tiến cho phép cải thiện độ chính xác và theo dõi các mục tiêu của đối phương tốt hơn.
Mặc dù nhiều chi tiết kỹ thuật của một vũ khí mới nổi như SM-3 IIA có thể không được công khai vì lý do an ninh, nhưng có vẻ như SM-3 IIA có thể theo dõi và tiêu diệt các mục tiêu di động.
Ngoài ra, ngay cả trong trường hợp bệ phóng di động có thể thay đổi hoặc che giấu điểm phóng ICBM, thì dấu hiệu nhiệt của nó khi phóng vẫn có thể bị vệ tinh phát hiện. Trên thực tế, các phương pháp theo dõi các mối đe dọa đang phát triển nhanh chóng nhờ sự gia tăng của các vệ tinh quỹ đạo Trái đất tầm thấp và trung bình.
Tên lửa đánh chặn SM-3 IIA là bước đầu tiên mang tính đột phá trong một loạt các bước phát triển nhanh nhằm cải tiến, thử nghiệm và triển khai một loạt các hệ thống phòng thủ ICBM di động trên tàu chiến.
Các hệ thống mới nổi này được thiết kế đặc biệt để cải thiện mạng lưới liên kết trong không gian nhằm theo dõi các tên lửa đối phương cơ động nhanh, chẳng hạn như ICBM hoặc thậm chí tên lửa siêu vượt âm tại một số thời điểm trong tương lai.
Cuối cùng, bản thân tên lửa đánh chặn có thể không cần theo dõi quá nhiều để biết được quá trình phóng và quỹ đạo của tên lửa được bắn từ bệ phóng di động, vì đường bay của nó có thể được các cảm biến không gian hoặc các phương pháp phát hiện khác biết trước khi SM -3 IIA được bắn đi từ tàu chiến.
Điều này có nghĩa các chỉ huy tàu có thể đã theo dõi chính xác vũ khí đối phương, nhờ khả năng kết nối không gian được cải thiện, đủ để cung cấp tọa độ, chi tiết hoặc thông tin cụ thể về đường bay cho các thủy thủ vận hành và lập trình hệ thống đánh chặn SM-3.
Mặc dù được tờ báo Trung Quốc gọi là “mục tiêu giả”, ICBM vừa được Mỹ đem ra thử nghiệm là một tên lửa huấn luyện do hãng Northrop chế tạo, được thiết kế để tái tạo rất gần một ICBM. Trên thực tế, nó được mô tả đơn giản là một ICBM “không vũ trang”.
Theo Tiền Phong