Từ một cậu bé nhà nghèo đến thương gia hàng đầu, Hồ Tuyết Nham là một cái tên rất nổi tiếng trong giới thương nhân. Cuộc đời và sự nghiệp của ông trở thành một huyền thoại mà khi nhắc đến ai cũng nể phục.
Hồ Tuyết Nham (1823-1885) xuất thân là trong một gia đình nghèo khó ở tỉnh An Huy. Gia cảnh nghèo khó nên từ nhỏ Hồ Tuyết Nham đã bắt đầu giúp người khác chăn gia súc để kiếm tiền. Sau đó ông có cơ duyên gặp được một người thương nhân tốt bụng giới thiệu vào làm cho một ngân hiệu ở Hàng Châu.
Bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời
Năm 19 tuổi Hồ Tuyết Nham bắt đầu dời quê hương An Huy đến Hàng Châu làm việc cho một ngân hiệu (ngân hàng). Ban đầu ông chỉ là các công việc tay chân, chạy vặt cho ông chủ, công việc cụ thể là đổ bồn tiểu.
Tuy nhiên Hồ Tuyết Nham nhận định được rằng bản thân cần có một nghề ổn định để nuôi sống bản thân, vậy nên ngoài thời gian làm việc, ông bắt đầu học chữ và cách sử dụng bảng tính. Với ý chí quyết tâm, chỉ sau một thời gian ngắn Hồ Tuyết Nham đã được đề bạt lên làm nhân viên chính thức của ngân hiệu.
Sự siêng năng và kiên định của Hồ Tuyết Nham đã khiến chủ ngân hiệu rất quý mến. Ông chủ cửa hiệu ngày càng lớn tuổi, không có người thừa kế nên ông luôn nuôi Hồ Tuyết Nham như con đẻ của mình. Khi ông chủ qua đời, ông đã giao toàn bộ ngân hiệu cho Hồ Tuyết Nham quản lý.
Bắt đầu con đường kinh doanh của chính mình
Trong khoảng thời gian quản lý ngân hiệu ở Hàng Châu, Hồ Tuyết Nham có duyên quen biết với Vương Hữu Linh – một học giả nghèo. Mặc dù Vương Hữu Linh có tài năng và tham vọng nhưng vì gia đình nghèo khó, không dư dả để đến Bắc Kinh tham gia khoa cử. Sau khi biết chuyện, Hồ Tuyết Nham đã cho Vương Hữu Linh mượn 500 lượng bạc để đến Bắc Kinh. Cuối cùng, ông trời có mắt, Vương Hữu Linh đã trở thành tỉnh trưởng Chiết Giang.
Sau đó cùng với giúp đỡ của Vương Hữu Linh, việc kinh doanh của Hồ Tuyết Nham ngày càng lớn mạnh. Bên cạnh ngân hàng, ông còn mở thêm nhiều cửa hàng khác. Bằng cách này, danh tiếng của Hồ Tuyết Nham ngày càng vang xa, công việc kinh doanh cũng không ngừng được mở rộng.
Năm 1861, Vương Hữu Linh qua đời. Hồ Tuyết Nham không còn chỗ dựa, trong lúc rối ren này, ông thông qua các mối quan hệ làm thân được với tân tỉnh trưởng Chiết Giang Tả Tông Đường, dần dần làm chủ tiền bạc và quân lương của tỉnh Chiết Giang, thu được lợi nhuận cao.
Ai cũng có ngày mưa không mang dù
Hồ Tuyết Nham từng kể: “Khi ta còn bé, có một hôm đang đi trên đường bỗng gặp mưa thì gặp người đi cùng đường bị mưa xối quần áo ướt nhẹp. Cũng may là hôm ấy ta mang dù nên tôi cho người kia đi nhờ cùng.
Những lần sau đó, khi đi mưa, nếu thấy ai không mang theo dù thì ta đều cho họ đi cùng. Dần dà, có nhiều người trên đường biết tới ta nhiều hơn. Vì thế, nếu khi nào ta quên không mang dù trời mưa thì cũng không sao, bởi vì có rất nhiều người mà ta từng giúp sẽ cho ta đi cùng. Mình cho người khác đi nhờ thì người khác mới có ý nguyện cho mình đi nhờ”.
Trên thương trường, ông cũng sử dụng đạo lý này để kinh doanh. Nghĩa cử cao đẹp của Hồ Tuyết Nham đều khiến mọi người kính phục. Công việc làm ăn của ông cũng trở nên thuận lợi vô cùng, bất luận là kinh doanh trong lĩnh vực nào, thì cũng đều có người giúp đỡ, càng ngày càng có nhiều khách hàng đến ủng hộ.
Vàng bạc châu báu, đồ cổ tranh chữ đều không phải là kho báu thực sự, nhân cách mới là kho báu lớn nhất của đời người. Thành công của một người không chỉ dựa vào mỗi nỗ lực của bản thân. Đó cũng chính là bí quyết thành công của Hồ Tuyết Nham.
Mất hết tất cả chỉ vỏn vẹn trong 3 ngày
Năm 1882, Hồ Tuyết Nham đến Thượng Hải và dùng 20 triệu lượng bạc để thành lập nhà máy sản xuất tơ lụa, nhằm độc quyền tơ lụa trong nội địa. Tuy nhiên, sự cố ngoài dự liệu buộc ông phải bắt đầu bán tháo cắt lỗ với giá thấp, và cuối cùng đã lỗ 10 triệu lượng bạc.
Do số tiền thua lỗ lớn, doanh thu hệ thống ngân hàng tạm thời bị ngưng trệ. Thêm vào đó, Lý Hồng Chương – kẻ thù của Vương Hữu Linh đã tung một đòn khiến Hồ Tuyết Nham không kịp trở tay.
Ông ta đã lan truyền tin tức Hồ Tuyết Nham sắp phá sản ra ngoài. Sau khi tin tức lan truyền, các quan chức khắp nơi thi nhau rút tiền gửi, chỉ mất ba ngày, Hồ Tuyết Nham phá sản, sự nghiệp huy hoàng sụp đổ chỉ trong nháy mắt.
Năm 1885, Hồ Tuyết Nham chết trong nghèo khó và hận thù ở tuổi 62. Trước khi mất, ông để lại ba câu cuối cùng cho con cháu: “không nên quá tham lam”, “không nên kinh doanh” và cuối cùng là “con cháu họ Hồ không lấy chồng họ Lý”.
Đây là một lời cảnh báo của Hồ Tuyết Nham cho con cháu đời sau không đi vào vết xe đổ của mình.
(Tổng hợp)-Theo Thùy Anh-Theo Nhịp sống thị trường