Báo Trung Quốc đã đăng tải một số thông tin về lễ bàn giao và việc đưa tuyến Cát Linh – Hà Đông vào vận hành tại Hà Nội.
Tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) mới đây đưa tin, ngày 6/11 (giờ địa phương), Hà Nội đã tổ chức Lễ bàn giao Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông. Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và Tham tán Hu Suojin thuộc Phòng Tham tán Kinh tế Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.
CÁT LINH – HÀ ĐÔNG
Dự án tuyến Cát Linh – Hà Đông thuộc tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội có tổng chiều dài 13,02 km với tổng số 12 ga, toàn tuyến là công trình trên cao, là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Hà Nội, thủ đô Việt Nam.
Dự án có tốc độ thiết kế tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác bình quân 35 km/h, năng lực vận chuyển tối đa 28.500 hành khách/h/chiều, tuyến bắt đầu từ đường Cát Linh, quận Đống Đa, kết thúc tại Ga Yên Nghĩa, quận Hà Đông, đi qua quận Đống Đa, quận Thanh Xuân và Quận Hà Đông.
Theo báo Trung Quốc, đây là dự án kiểu mẫu và cũng là dự án giao thông đô thị ở nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc có tích hợp các tiêu chuẩn thiết kế, đầu tư tài chính, vật tư thiết bị, xây dựng, giám sát và quản lý vận hành theo “tiêu chuẩn Trung Quốc, công nghệ Trung Quốc”, và Tổng thầu EPC – Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc ký hợp đồng.
Tang Hong, Giám đốc dự án Phòng Dự án Đường sắt đô thị Việt Nam, Cục Sáu Đường sắt Trung Quốc cho biết, dự án chính thức khởi công vào ngày 10/10/2011. Với tư cách là tổng thầu EPC của dự án, Cục 6 Đường sắt Trung Quốc chịu trách nhiệm khảo sát và thiết kế, xây dựng và lắp đặt, mua sắm thiết bị và đầu máy, chuyển giao quy trình đào tạo và khắc phục sự cố chung và vận hành thử trước khi hoàn thành.
Chinanews dẫn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc cho rằng việc đưa dự án vào hoạt động có ý nghĩa to lớn nhằm cải thiện chức năng của mạng lưới đường đô thị Hà Nội, giải tỏa áp lực giao thông, mở rộng không gian phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, đóng vai trò to lớn trong việc định hướng phát triển hợp lý cấu trúc không gian đô thị, đồng thời đánh dấu bước đột phá lớn cho gói thầu xây dựng đường sắt đô thị của Trung Quốc.
Do các vấn đề an toàn và chi phí tăng cao, dự án đã bị gián đoạn nhiều lần và chi phí tăng từ ngân sách ban đầu là 550 triệu USD lên gần 900 triệu USD. Theo quy hoạch, đến năm 2030, Hà Nội sẽ bổ sung thêm 9 tuyến với tổng chiều dài hơn 400km.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị