Đó là chia sẻ của một đứa trẻ và “hướng đúng đắn” mà cháu nói tới là cứu trái đất. “Bọn trẻ chúng cháu hiểu là không thể chắc chắn rằng chỉ trông cậy vào người lớn là có thể cứu tương lai của mình. Chúng cháu phải làm chủ tương lai của mình.”
Cậu phát biểu “Bọn trẻ chúng cháu biết rằng người lớn biết những thách thức này cũng như những giải pháp. Chúng cháu không biết tại sao lại có ít hành động như vậy.”
Bọn trẻ đã đưa ra ba lý do khả dĩ giải thích cho điều này. Một trong số lý do đó là những quan điểm bất đồng về ý nghĩa của từ “tương lai”.
Cậu bé mà chúng ta đang nói đến là Finkbeiner , người Đức. Cậu chia sẻ: “Đối với hầu hết người lớn thì đó là một vấn đề có tính hàn lâm. Nhưng đối với số đông bọn trẻ chúng cháu thì đó là vấn đề sinh tồn. Vào năm 2100 chúng cháu vẫn còn đang sống. Nếu ta cho một chú khỉ lựa chọn nhận một trái chuối bây giờ hay 6 trái sau đó, chú sẽ luôn chọn lấy ngay một trái chuối. Từ chuyện này, bọn trẻ chúng cháu hiểu là không thể chắc chắn rằng chỉ trông cậy vào người lớn là có thể cứu tương lai của mình. Chúng cháu phải làm chủ tương lai của mình.” Đây là cách đưa ra luận điểm rất sắc bén mà chỉ một đứa trẻ mới làm được.
Vào thời điểm này, Finkbeiner đã bắt đầu “sự nghiệp trồng cây” của mình được 4 năm. Kể từ đó hành động của cậu đã lan rộng thành một mạng lưới toàn cầu của các nhà hoạt động nhí nhằm làm chậm lại quá trình nóng lên của trái đất bằng cách phủ xanh hành tinh.
Giờ đây, Finkbeiner đã 19 tuổi và nhóm hoạt động vì môi trường ‘Trồng cây vì Hành tinh này’ do cậu thành lập, cùng với chiến dịch Tỉ Cây xanh của Liên Hợp Quốc, đã trồng được hơn 14 tỉ cây tại hơn 130 nước. Nhóm này cũng đã tăng mục tiêu lên một nghìn tỉ cây – tương đương 150 cây một đầu người trên trái đất.
Tổ chức này cũng đề xuất đợt kiểm kê cây một cách khoa học ở cấp độ toàn cầu, hỗ trợ NASA trong một nghiên cứu đang tiến hành về khả năng hấp thụ đi ô xít các bon và bảo vệ Trái đất của rừng. Finkbeiner, bằng nhiều cách khác nhau, đã làm được nhiều hơn bất kỳ nhà hoạt động nào khác trong việc tuyển dụng các bạn trẻ tham gia phong trào chống biến đổi khí hậu.
Chương trình ‘Trồng cây vì Hành tinh này’ giờ đã có một đội quân gồm 55.000 “đại sứ công lý khí hậu”. Các bạn đều được tham dự hội thảo tập huấn một ngày để trở thành nhà hoạt động vì khí hậu tại cộng đồng của mình. Hầu hết họ đều ở lứa tuổi 9-12.
Thomas Crowther, một nhà sinh thái đã thực hiện đếm cây trong khi làm việc tại Đại học Yale ở bang Connecticut nhận xét “Felix là một sự kết hợp của khả năng truyền cảm hứng và diễn đạt. Rất nhiều người giỏi một trong hai khả năng nhưng Felix thì thực sự giỏi cả hai.”
Đó không phải là về Gấu Bắc cực
Phong trào “Trồng cây vì Hành tinh này” là kết quả của một bài tập về nhà về chủ đề biến đổi khí hậu. Đối với thế giới quan của một chú bé 9 tuổi thì điều đó có nghĩa là mối đe doạ đối với gấu bắc cực, loài động vật mà cậu yêu thích.
Cậu bé bắt đầu lên Google tìm kiếm thông tin cho nghiên cứu của mình và Google đã dẫn cậu tới câu chuyện về Wangari Maathai, một phụ nữ Kenya (đạt giải Nobel năm 2004) với chiến dịch lớn phủ xanh vùng đất cằn đã bị chặt sạch cây cối và kết quả đã trồng được 30 triệu cây
“Tôi đã nhận ra đó không hoàn toàn là về gấu bắc cực mà là về việc cứu loài người” Finkbeiner chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại khi đang là sinh viên tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi thuộc Đại học Luân đôn.
Và cậu bé đã đặt ra cho chính mình một thách thức: trồng một triệu cây tại Đức. Không ai thực sự kỳ vọng về tính thực tế của kế hoạch này.
Giáo viên của Finkbeiner yêu cầu cậu trình bày lại bài phát biểu trước các học sinh khác và thầy hiệu trưởng. Hai tháng sau, cậu trồng cây đầu tiên, một cây táo dại gần cổng trường.
Một cậu bé 9 tuổi với một khuôn mặt hiền lành, một khả năng trình bày trước công chúng và một thách thức trồng một triệu cây đã thu hút giới truyền thông trên toàn thế giới. Tin tức về dự án của Finkbeiner lan truyền nhanh chóng. Tiếp theo cậu lại được trình bày trước Nghị viện Châu Âu và tham dự hội nghị của LQH tại Na Uy và Hàn Quốc. Vào thời điểm phát biểu trước LHQ tại New York năm 2011, cậu bé đang ở tuổi 13 và đã trồng được cây thứ 1 triệu. Phong trào “Trồng cây vì Hành tinh này” đã được chính thức phát động với một trang web riêng và một nhân viên làm việc toàn thời gian.
LHQ cũng đã trao cho nhóm cương vị lãnh đạo của chiến dịch Tỉ Cây xanh của tổ chức này.
Một trong những dự án lớn nhất lúc này là nỗ lực tái trồng rừng đang được thực hiện tại Bán đảo Yucatan ở Mexico. Nhóm này đã xây dựng một vườn ươm với 300.000 cây con thuộc các loài cây địa phương và kế hoạch của họ là cho tới năm 2020 sẽ cơ bản trồng được 10 triệu cây.
Tham vọng lớn hơn dẫn đến những câu hỏi mới. Liệu 14 tỷ cây đã trồng có thay đổi được điều gì? Cả 10 triệu cây ở Mexico nữa? Liệu việc trồng cây có bù đắp kịp với tốc độ chặt phá rừng đang diễn ra trên khắp thế giới? Không ai biết.
Một nghiên cứu kéo dài 2 năm đăng trên tạp chí Thiên nhiên năm 2015 cho biết Trái đất có 3.000 tỉ cây – gấp 7 lần con số ước tính trước đó. Nghiên cứu cũng tìm ra rằng số lượng cây trên trái đất vào buổi bình minh của ngành nông nghiệp 12.000 năm trước đây nay đã giảm gần một nửa – tức là mỗi năm mất khoảng 10 tỉ cây. Việc trồng một tỉ cây là một nỗ lực đáng khen nhưng chả đáng kể gì.
Crowther nói: “Tôi nghĩ họ có thể ngã lòng vì thông tin này nhưng họ đã nói “Được thôi, giờ thì chúng ta phải tăng cường”. Họ không hề ngần ngại. Thật là tuyệt vời.”
Tăng cường có nghĩa là ‘Trồng cây cho Hành tinh này’ giờ đây phải hướng tới trồng một nghìn tỷ cây. Số cây này có thể hấp thu thêm 10 triệu tấn đi ô xít các bon mỗi năm. Đó quả là một sự nỗ lực bền bỉ và tuyệt vời. Không điều gì có thể ngăn được quyết tâm của họ!
Finkbeiner chia sẻ: “Chúng cháu sẽ trở thành những nạn nhân của biến đổi khí hậu. Việc kêu gọi các bạn nhỏ hành động chính là vì lợi ích của bản thân chúng cháu. Đồng thời, cháu không nghĩ chúng cháu có thể bỏ cuộc trước thế hệ người lớn này và chờ đợi 20 hay 30 năm nữa để thế hệ chúng cháu lên nắm quyền. Chúng cháu không có thời gian. Tất cả những gì chúng cháu có thể làm là thúc đẩy để người lớn đi theo hướng đúng đắn.”
Hiểu Minh (TH)