Là một thành viên của CLB Phụ nữ khuyết tật, chị Lê Thị Mỹ Linh nhận thấy nhiều chị em mong muốn có công việc phù hợp với sức khỏe lại có thu nhập, chị đã quyết tâm nghiên cứu và lựa chọn gối đinh lăng để khởi nghiệp.
Chị Lê Thị Mỹ Linh (SN 1976) là hội viên phụ nữ xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa và là thành viên Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ khuyết tật vượt lên chính mình xã Vạn Phước”. Xuất phát từ một người thợ may, chị Mỹ Linh có đôi bàn tay khéo léo và tỉ mỉ, lại rất yêu nghề. Khi tham gia CLB, chị cảm nhận được những khó khăn của chị em phụ nữ khuyết tật khi làm kinh tế. Có quá nhiều trở ngại so với những người bình thường để mang lại thu nhập tối thiểu cho bản thân và gia đình.
Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (bên phải) tham quan gian hàng của CLB
Qua quan sát và nghiên cứu, chị thấy ở địa phương có nhiều hộ dân trồng cây đinh lăng nhưng chỉ lấy củ, bỏ lá đi rất phí. Chị nghĩ: “Chị em trong CLB nhiều người biết làm may, trong khi nguồn nguyên liệu từ cây đinh lăng lại rất dồi dào. Tại sao mình không làm gối đinh lăng, một sản phẩm dễ thực hiện mà lại an toàn đối với người tiêu dùng?”. Vậy là chị tiến hành thử làm những chiếc gối đầu tiên. Sau đó chị mạnh dạn trình bày ý tưởng với Chủ nhiệm CLB và được ủng hộ nhiệt tình trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng.
Chia sẻ về quá trình sản xuất gối đinh lăng, chị Mỹ Linh cho biết, sau khi mua nguyên liệu lá đinh lăng từ các hộ dân về, rửa sạch với nước muối rồi phơi khô, sau đó sao qua lửa để đảm bảo giữ mùi hương từ lá đinh lăng. Vỏ gối được các chị em trong CLB may bằng tay. Hiện nay có 7 chị em tham gia mô hình này.
Chị Mỹ Linh đang cố gắng tìm đầu ra cho sản phẩm để quay vòng vốn, mua sắm một số thiết bị như máy may, máy sấy để quy trình sản xuất đạt hiệu quả cao hơn
Hiện tại các chị em đang làm thủ công nên còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết trong các công đoạn sấy đinh lăng. Chị Mỹ Linh đang cố gắng tìm đầu ra cho sản phẩm để quay vòng vốn, mua sắm một số thiết bị như máy may, máy sấy để quy trình sản xuất đạt hiệu quả cao hơn.
“Nguồn vốn đầu tư ít, lại sản xuất nhỏ lẻ nên giai đoạn đầu chúng tôi gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, chưa tiếp cận được thị trường. Tuy nhiên chúng tôi có cơ hội là đơn vị đi đầu trong mặt hàng này”, chị Mỹ Linh cho biết. Trong thời gian tới, chị sẽ mở rộng hình thức phân phối sản phẩm trên các kênh mạng xã hội và kênh thương mại điện tử.
Những sản phẩm đầu tiên được bán ra thị trường khiến các thành viên của CLB không khỏi xúc động, bởi đây là thành quả của những chị em khuyết tật đã phần nào được xã hội công nhận, được người dân tin dùng.
Chị Mỹ Linh vẫn đang tiếp tục nghiên cứu những sản phẩm mới, nâng cấp mẫu mã và chất lượng gối để ngày càng hoàn thiện sản phẩm. Chị mong muốn ngày càng có nhiều chị em tham gia dự án.
Dự án “Gối đinh lăng Vạn Phước” của CLB “Phụ nữ khuyết tật vượt lên chính mình xã Vạn Phước” đã đạt Giải khuyến khích Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài nguyên bản địa vùng miền Trung Tây Nguyên năm 2023
Những đóng góp của dự án góp phần nâng vị thế của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ khuyết tật, khẳng định được vai trò đóng góp tích cực với xã hội. Điều đó đã góp phần tạo việc làm không chỉ cho các thành viên trong CLB, đồng thời tăng thu nhập các hộ dân khi bán lá đinh lăng (trong khi lá đinh lăng ở địa phương hiện tại không sử dụng đến).
“Nếu sản phẩm có thể tìm được nhiều đầu ra, sẽ giúp người dân trồng thêm cây đinh lăng bán lá bởi hiện tại đa phần hộ dân trên địa bàn xã và các hộ lân cận trồng cây đinh lăng lấy củ, lá đa phần không sử dụng dẫn đến lãng phí một phần nguyên liệu của địa phương; đồng thời giảm bớt rác thải nông nghiệp”, chị Mỹ Linh cho biết.
Với những thành quả bước đầu, dự án “Gối đinh lăng Vạn Phước” của CLB “Phụ nữ khuyết tật vượt lên chính mình xã Vạn Phước” đã đạt Giải khuyến khích Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài nguyên bản địa vùng miền Trung Tây Nguyên năm 2023.
Theo PNVN