Thời cổ đại, nhiều người khi làm việc thiện không mong muốn được hồi đáp. Tuy nhiên, Trời cao luôn an bài thỏa đáng vận mệnh cho những người lương thiện.
Đoạn mở đầu của hồi thứ 11 trong tác phẩm “Tây Du Ký” có thơ rằng:
Ngày tháng trăm năm tựa bóng câu,
Đời người, bọt nước khác gì đâu.
Sớm còn thắm đỏ đôi gò má.
Chiều đã bạc phơ nửa mái đầu.
Giấc điệp tàn rồi, đời ảo cả.
Cuốc kêu da diết hãy quay đầu,
Xưa nay làm phúc đều tăng thọ,
Ở thiện trời thương, lọ phải cầu.
Từ xưa đến nay, làm ơn làm phúc thì có thể trường thọ. Những người cả đời hành thiện, tích đức thì cho dù không cầu Trời cao ban phúc lành, Trời cao cũng tự vì vận mệnh của anh ta mà chu toàn.
Tự đốt nhà mình để cứu người, để lại ân đức đời đời cho con cháu
Vị quân sư khai quốc của triều Minh, Lưu Bá Ôn, từ nhỏ đã thông minh hơn người, hiếu học, lương thiện. Đối với những kinh thư khó hiểu trong thiên hạ, ông chỉ cần đọc qua hai lần đã có thể diễn giải thông suốt, còn có thể dựa theo hiểu biết của mình mà giải thích hàm nghĩa ẩn giấu của kinh thư.
Một lần, có một danh sỹ nổi tiếng tên là Trịnh Phục Sơ đến nhà họ Lưu chào hỏi, và nói với cha của Lưu Bá Ôn rằng: “Tiên tổ nhà ông tích đức sâu dày, nhờ vậy mà con cháu mới có thể vượt trội hơn người, đứa trẻ này xuất chúng như thế, chắc chắn sẽ làm rạng danh Lưu gia”.
Trịnh Phục Sơ cho rằng tổ tiên nhà họ Lưu đức sâu dày, là ý chỉ chuyện ông cố của Lưu Bá Ôn, Lưu Hào từng tự đốt nhà mình để cứu sống rất nhiều mạng người. Tương truyền, Lưu Hào từng làm việc tại Viện Hàn Lâm, sau khi triều đại Nam Tống sụp đổ, để tránh họa đao binh, ông quyết định trở về quê hương, ổn định cuộc sống. Khi đó, rất nhiều người trung thành với nhà Nam Tống tập hợp các đội quân kháng chiến tự phát, khởi nghĩa chống lại quân Nguyên.
Đồng hương của Lưu Hào có một người tên là Lâm Dung, cũng lập nên một đội quân khởi nghĩa, nhưng sau này thất bại. Triều đình Đại Nguyên đã phái người đến điều tra và bắt giữ tất cả những người có liên quan đến Lâm Dung để thẩm vấn và xét xử.
Lưu Hào vốn là một phú ông giàu có ở khu vực, vì thế những quan sai đến đi địa phương thường đến ở nhờ gia đình ông. Một ngày nọ, một vị quan sai đã làm xong danh sách những người có mối quan hệ thân thiết với Lâm Dung, lúc đó trời đã tối không tiện quay về nên đến nhà Lưu Hào ngủ nhờ.
Trên bàn tiệc rượu, Lưu Hào vô tình biết được chuyện quan sai đến điều tra danh sách những người có liên quan đến Lâm Dung. Chủ mưu của sự việc chỉ có vài người, nhưng lại làm liên lụy đến rất nhiều người vô tội. Lưu Hào không nỡ lòng nhìn thấy bách tính vô tội phải chịu nạn, suy nghĩ kỹ càng, ông liền nghĩ ra một cách.
Đầu tiên, ông sai người hầu mang thêm mấy vò rượu ngon đến, chuốc say vị quan sai nọ. Thế rồi, ông châm lửa đốt chính nhà mình, bỏ lại tất cả mọi thứ trong đám cháy, chỉ cứu vị quan sai ra ngoài.
Khi quan sai tỉnh rượu, phát hiện nhà đã cháy rụi, và bản danh sách ông làm cũng bị thiêu rụi theo. Nhưng bởi gia đình Lưu Hào cũng bị tổn thất nặng nề, cả cơ ngơi giờ chỉ còn là đống tro tàn, nên quan sai cũng không dám trách Lưu Hào, đành dựa theo trí nhớ của mình vội vã ghi lại tên của những kẻ chủ mưu.
Sự việc Lưu Hào đốt nhà là một hành động chính nghĩa, trở thành câu chuyện đẹp trong lịch sử. Danh sỹ Trịnh Phục Sơ nói tổ tiên Lưu gia có đức sâu dày, cũng là ám chỉ sự việc này. Hậu nhân của ông, Lưu Bá Ôn, sau này đỗ đạt trạng nguyên vang danh thiên hạ, trở thành khai quốc công thần của nhà Minh, thật sự đã làm rạng danh gia tộc họ Lưu.
Dốc hết vốn liếng chuộc vợ con người khác, được Trời ban quý tử
Thời Quảng Bình triều đại nhà Minh, có một người đàn ông tên là Trương Tú gia đình nghèo khổ, không có con cái. Để tiết kiệm tiền, anh ta cho tiền vào một cái hộp rỗng, cực khổ tiết kiệm 10 năm mới đầy bình.
Hàng xóm của Trương Tú có ba người con trai, gia chủ phạm tội bị lưu đày, thậm chí người này còn phải bán cả vợ. Trương Tú lo lắng rằng khi người vợ này bị bán đi, những đứa trẻ trong gia đình hàng xóm cũng bị lưu lạc, máu mủ ruột rà phải chịu cảnh ly tán. Động lòng trắc ẩn, Trương Tú liền đem số tiền mà mình cực khổ tiết kiệm 10 năm ròng sang mua vợ nhà hàng xóm. Nhưng số tiền đó vẫn không đủ, vợ Trương Tú cũng rất hiền lương, bèn lấy chiếc trâm cài trên đầu xuống để bù tiền chuộc.
Đêm hôm đó, Trương Tú mơ thấy một vị Thần Tiên ôm một đứa trẻ đến tặng cho vợ chồng họ. Không lâu sau, vợ anh sinh hạ cậu con trai đầu lòng lấy tên là Quốc Ngạn. Đứa trẻ này sau khi lớn lên rất xuất chúng, làm quan đến Lễ bộ Thượng thư. Hai người cháu của Trương gia là Trương Ngã Tục và Trương Ngã Mẫn cũng làm quan đến Phiên Niết (Chỉ Phiên Ty và Niết Ty, người đứng đầu Bố chánh sử và Án sát sứ trong hai triều đại Minh, Thanh).
Vợ chồng Trương gia thương xót con cái của người khác, nhờ vậy mà được Trời ban quý tử, hơn nữa công đức tích cho con cái, cả đời được thăng quan tiến chức.
Bán đất chuộc người được Thần linh che chở khỏi kiếp nạn
Thời vua Ung Chính triều Thanh, vào năm Quý Sửu (1733), Kỷ Hiểu Lam mới chỉ 10 tuổi, cùng bà ngoại là Trương Thái phu nhân nghỉ mát tại Thủy Minh Lầu ở Thương Châu. Một ngày nọ, Kỷ Hiểu Lam đứng trên lầu Thủy Minh nhìn ra sông Ngụy, nhìn thấy mười mấy người đàn ông lên một chuyến đò ngang. Đò đã nhổ neo, đột nhiên có một người đàn ông khỏe mạnh đẩy một ông già xuống nước, con đò cứ thế rời khỏi bến.
Ông lão bị rơi xuống nước, quần áo và giày dép đều ướt sũng, thực sự không thể hiểu nổi tại sao đang yên lành lại bị rơi xuống nước? Ông lão ngồi lên bờ, tức giận lớn tiếng mắng người.
Đột nhiên dòng nước dâng lên đột ngột, những con sóng lớn vỗ vào bờ; lúc này, một con tàu chở ngũ cốc cũng dong buồm thuận theo dòng nước, sóng quá lớn khiến con thuyền lao đi nhanh chóng và đâm vào con đò ban nãy.
Con đò ngay lập tức nứt đôi, tất cả hành khách trên đò bị rơi xuống nước, không sót một ai. Chỉ có ông lão bị rơi xuống nước ngay từ đầu mới bình yên vô sự. Lúc này, ông lão không còn tức giận mà chắp tay lạy Phật cảm ơn Trời đất.
Có người hỏi ông lão muốn đi đâu, ông lão mới kể rõ sự tình. Thì ra, hôm qua họ hàng ông được người ta cho 22 lượng bạc, mua con dâu nuôi của nhà khác làm thiếp, hôm nay phải đi lập giấy tờ. Thương tình người thiếu phụ, ông lão vội vàng thế chấp vài mẫu đất của mình để đổi lấy hơn 22 lượng bạc chuộc cô gái về, không ngờ trên đường lại gặp phải cảnh này.
Mọi người nghe xong đều cho rằng chính Thần linh đã sai khiến người đàn ông khoẻ mạnh kia đẩy ông lão xuống nước, nhờ đó thoát nạn.
***
Người xưa có câu “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, ý rằng đạo Trời không vì tình riêng mà thiên vị bất kỳ ai, nhưng thường giúp đỡ những người hành thiện. Trong bối cảnh cuộc sống rối ren, nhiều bất trắc hiện nay, nếu như mọi người có thể hiểu được đạo lý này, biết tu tâm hướng thiện, làm nhiều việc tốt, thì phúc báo và bình an sẽ tự đến.
Ngọc Linh – Thanh Ngọc–Tham khảo The Epoch Time