Chúng ta thường nghe nói rằng một người không thể có cùng lúc IQ và EQ. Dường như điều đó cũng rất đúng, vì nếu quan sát những người xung quanh, chúng ta có thể thấy, người có trí thông minh cao thường rất kém trong khoảng cư xử. Còn một số người giao tiếp rất linh hoạt thì lại kém về mặt trí thông minh.
Từ quan điểm khoa học mà nói, trên thực tế, chỉ số thông minh của một người ít nhiều là do bẩm sinh, tức là những người rất thông minh, thường có thể khi vừa sinh ra là đã thông minh rồi. Còn EQ không phải là bẩm sinh, EQ sẽ bị ảnh hưởng bởi môi trường sống, kinh nghiệm trưởng thành, thói quen sinh hoạt hằng ngày, và nó có thể được trau dồi.
Một người bẩm sinh kém thông minh, nhưng lại có EQ cao, thì tương lai có thể họ sẽ khó trau dồi IQ. Nhưng một người bẩm sinh đã thông minh, mặc dù khi nhỏ, họ có EQ kém, thì cũng có thể hoàn toàn cải thiện được nếu người đó muốn. Tuy nhiên, số người thông minh mà còn chịu rèn luyện EQ là rất hiếm.
Bộ phận hiếm hoi này là những người cực kỳ thông minh, chỉ số IQ của họ cao hơn người bình thường rất nhiều, nhưng chưa bao giờ họ nghĩ sẽ khoe khoang hay tự cao tự đại vì điều đó, họ luôn giữ thái độ khiêm tốn trước mặt mọi người. Họ thường ít nói, chỉ đặt tâm trí vào những điều đáng học hỏi và ít khi bày tỏ những suy nghĩ thực sự bên trong của mình.
Khi chỉ số EQ và IQ của một người đặc biệt cao, họ sẽ thể hiện xuất sắc cả trong lĩnh vực chuyên môn lẫn giao tiếp giữa các cá nhân với nhau. Khi gặp khó khăn trong cuộc sống, họ sẽ không hoảng loạn, tuyệt vọng như những người khác, càng ở trong môi trường nguy hiểm, khó khăn thì ưu điểm của họ càng được bộc lộ rõ ràng.
Theo các nhà tâm lý học, những người thực sự thông minh thường có 6 đặc điểm chung sau đây.
- Duy trì sự hứng thú với học tập
Người xưa có câu: “Sự hứng thú là người thầy tuyệt vời nhất của chúng ta.” Vì khi chúng ta hứng thú với một điều gì đó thì chúng ta sẽ có động lực rất lớn để tìm tòi và học nó.
Người thực sự thông minh sẽ luôn duy trì được hứng thú, nhiệt tình học tập, đồng thời niềm khát khao tri thức của họ cũng rất mạnh mẽ, khi gặp những điều mình không giỏi hoặc lạ lẫm, họ sẽ nhất quyết tìm hiểu đến cùng. Đương nhiên, những thứ có thể học được không chỉ có kiến thức sách vở. Trong cuộc sống có rất nhiều thứ để chúng ta học hỏi, con người không nhất thiết phải ở trên trường lớp mới có thể học được.
Một người muốn tiến bộ thì phải kiên trì học tập, học những điều thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình, học thái độ và kỹ năng ứng xử với người khác, học cách thực hiện lý tưởng của bản thân, học cách quyết tâm đấu tranh khi khó khăn ập đến,…
- Rất thích ở một mình
Thông qua quan sát một số nhân vật ưu tú trong lịch sử, chúng ta có thể rút ra được một kết luận chung, đó là những người thông minh thường rất thích ở một mình và có tính cách khá hướng nội. Mặc dù họ trông có vẻ rất cô đơn, nhưng họ lại rất thích kiểu cô đơn đó. Bởi vì khi ở một mình, họ sẽ có đủ thời gian và không gian để tự suy ngẫm, đây là điều mà nhiều người bình thường không làm được.
- Biết lắng nghe, nhưng thường ít nói
Những người thực sự thông minh rất giỏi lắng nghe cách nghĩ của người khác, nhưng họ lại không nói nhiều. Những suy nghĩ bên trong của họ rất ít khi được tiếp xúc với thế giới bên ngoài và hầu hết những điều mà họ nói ra đều đã được họ suy nghĩ và cân nhắc cẩn thận.
Một trong những kỹ năng sống quan trọng nhất trong xã hội hiện nay chính là kỹ năng giao tiếp, ăn nói không giỏi có thể mang lại cho bản thân nhiều rắc rối không đáng có. Những người thông minh hiểu rõ điều này, nên họ rất thận trọng mỗi khi phát ngôn.
- Luôn đặt nghi vấn
Biết đặt câu hỏi với những người có vai vế lớn hơn là một đức tính rất dũng cảm. Người thông minh vì sự tò mò và khao khát hiểu biết về thế giới bên ngoài quá lớn, nên rất khó bảo họ giữ lại những nghi hoặc ở trong lòng. Nên họ sẽ luôn nói ra thắc mắc của mình nếu có. Nghi ngờ là một điều tốt, bởi vì nó có thể khơi dậy tư duy.
Đặc biệt, những người thật sự thông minh cũng không bao giờ để suy nghĩ của mình chạy theo đại chúng một cách mù quáng. Họ luôn duy trì những ý kiến độc lập của riêng mình.
- Hiểu biết toàn diện và khách quan về bản thân
Triết gia người Hy Lạp Socrates có một quan điểm nổi tiếng là “know yourself”, mà chúng ta thường gọi là nhận biết chính mình. Biết chính mình có nghĩa là hiểu về bản thân. Khi hiểu bản thân, người ta mới có thể tìm thấy lĩnh vực phù hợp với mình trong xã hội và từ đó lập kế hoạch phát triển bản thân.
- Yêu sinh mệnh và cuộc sống của chính mình
Ai cũng biết cuộc sống là quý giá đến cỡ nào, bất kỳ ai cũng đều trân trọng mạng sống của mình, những người từ bỏ nó thì thật là ngu ngốc. Nhưng điểm mấu chốt chính là không phải ai cũng có thể yêu được cuộc sống của mình. Người thông minh có cái nhìn rất yêu thương đối với sinh mạng, cũng như là cuộc sống của chính họ. Họ có thể tìm thấy những ý nghĩa độc đáo trong một cuộc sống bình thường, để cuộc sống của họ viên mãn hơn.
Trên đây là 6 đặc điểm của những người thực sự thông minh, mặc dù hầu hết chúng ta đều là những người bình thường, nhưng chúng ta vẫn có thể học hỏi được rất nhiều điều tích cực từ cách sống của họ.
Theo Trần Anh–Thể thao & văn hóa