Người phương Đông có câu: “Người ta sinh ra một thiện niệm, tuy chưa biến thành việc thiện, nhưng đã được thần may mắn bảo hộ rồi.” Người phương Tây tin rằng: “Những điều xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim.” Thiện niệm thực sự là phương thuốc màu nhiệm…
Nói về phong thủy, người xưa có câu rằng: “Tâm còn chưa thiện, phong thủy vô ích.” Phong thủy thực sự có thể khởi tác dụng đối với sức khỏe và may mắn cho con người. Tuy nhiên, phong thủy không thể là nguyên nhân chủ yếu mang đến thành công hay sức khỏe, bởi nó không vượt khỏi chân lý phổ quát hơn của vũ trụ và nhân sinh: Thiện tâm thực sự mới mang lại phúc báo, cải thiện vận mệnh và hoàn cảnh của bạn.
1. Phong thủy vô ích trước thiện tâm
Xưa kia, có một vị thầy phong thủy, chuyên giúp người khác lựa chọn mảnh đất tốt để ở. Quan điểm của ông ta là căn nhà nằm trên một mảnh đất tốt có thể thay đổi vận mệnh gia chủ theo hướng tốt hơn. Một ngày nọ, ông ta đã đi bộ một chặng đường dài và cảm thấy rất khát, muốn nghỉ ngơi. Gặp lúc bên đường có một ngôi nhà nhỏ, ông bèn dừng lại nghỉ chân và xin một ít nước mát.
Thấy người khách lạ mệt đứt hơi, mồ hôi lăn dài trên mặt, bà chủ nhà bèn bảo: “Xin hãy đợi một lát, tôi sẽ mang cho ông chút nước.” Nói rồi bà chạy vào nhà trong. Vị thầy phong thủy chờ đợi mãi, nhưng đã một lúc lâu rồi mà người phụ nữ vẫn chưa đi ra. Ông băn khoăn không biết chuyện gì xảy ra.
Khi người phụ nữ quay lại, bà đi rất chậm, mang theo một bát nước lớn. Khi ông thầy phong thủy định giơ tay lên để đón lấy bát nước, thì người phụ nữ thụt lùi lại và nói: “Đợi một chút đã.” Nói rồi bà để bát sang một bên và chạy vào một lần nữa. Lần này bà quay lại với một nắm ngũ cốc. Bà bỏ ngũ cốc vào nước và đưa ông cái bát, nói: “Xin uống chậm thôi, chậm thôi.”
Vị thầy phong thủy bực mình nghĩ: “Thật là một người đàn bà xấu tính. Mình đang khát và chỉ muốn uống một bát nước thôi, vậy mà bà ta cứ lần chần mãi. Khi mang cho mình rồi thì bà ta lại còn bỏ ngũ cốc vào nước để làm mình khó uống.”
Uống nước nghỉ ngơi xong xuôi, ông thầy phong thủy bực bội đi ra ngoài, và chợt nhìn thấy một mảnh đất xấu. Mảnh đất này hẳn là sẽ đem xui xẻo đến cho người nào sống trên đó. Thế là ông ta chợt nảy ra một ý định. Ông thầy phong thủy vội vã quay vào nhà và bảo với người phụ nữ: “Tôi vừa thấy một mảnh đất rất tốt. Nó sẽ đem lại nhiều may mắn cho bà. Để thể hiện lòng biết ơn của tôi đối với bát nước bà vừa cho, tôi sẽ chỉ nó cho bà.” Rồi ông ta cùng người phụ nữ ra cửa, chỉ vào mảnh đất xấu nói: “Bà nên xây nhà ở trên đó. Nó sẽ đem lại may mắn cho bà.” Người phụ nữ trả lời một cách đầy biết ơn: “Chúng tôi muốn xây một ngôi nhà mới, cảm ơn vì đã chỉ cho tôi; chúng tôi sẽ xây nhà của mình trên đó.”
Mười năm sau, ông thầy phong thủy quay lại. Tuy nhiên, ông ta đã ngạc nhiên khi thấy người phụ nữ đang sống sung túc với một sân sau đầy các loại gia súc. Ông nhìn xung quanh một cách cẩn thận và đảm bảo chắc chắn rằng đó chính là mảnh đất xấu. Đáng lẽ nó phải đem lại vận rủi cho người chủ chứ? Tại sao mảnh đất lại đem đến may mắn cho người phụ nữ đó vậy?
(Ảnh minh họa)
Khi người phụ nữ nọ nhận ra vị thầy phong thủy ngày nào, bà rất vui mừng. Bà vội vã chạy đến trước mặt ông và nói trong hân hoan: “Cảm ơn ông đã chỉ cho tôi mảnh đất này! Từ khi chúng tôi xây nhà trên đó, vận may đã đến với chúng tôi.“
Với một ánh mắt xấu hổ và tâm trí rối bời, vị thầy phong thủy nói: “Không phải. Tôi rất tiếc phải nói điều này… Thật ra tôi nghĩ rằng mảnh đất này sẽ đem xui xẻo đến cho bà. Khi tôi chỉ nó cho bà, điều tôi thật sự muốn làm là trừng phạt bà vì bà đã đối xử tệ với tôi.”
Người phụ nữ rất ngạc nhiên khi nghe ông ta nói. Bà hỏi: “Tôi đối xử tệ với ông như thế nào?.” Thầy phong thủy nói: “Bà lấy nước cho tôi rất lâu và lưỡng lự khi đưa nó cho tôi. Bà lại còn bỏ cả ngũ cốc vào nước.”
Người phụ nữ giải thích: “Ồ, tôi xin lỗi. Tôi không có ý đối xử tệ với ông đâu. Khi tôi thấy ông nóng và khát như vậy, tôi nhớ đến một câu nói: ‘Đừng để người đang khát khô họng uống nước lạnh vội vã’. Vì vậy tôi cho một nắm ngũ cốc vào để làm ông uống chậm lại.”
Khi nghe những lời này, vị thầy phong thủy lặng người nhận ra người phụ nữ này có một trái tim nhân hậu. Vì bà có tâm nghĩ tới người khác, nên bà luôn được Trời Phật phù hộ và bảo vệ. Rõ ràng là số phận của một con người với đạo đức cao như vậy sẽ không bao giờ bị ảnh hưởng bởi ý định xấu của vị thầy phong thủy hay sự xui xẻo của mảnh đất xấu.
2. Vậy thế nào là phong thủy chân chính?
Khi nói đến phong thủy đa số chúng ta luôn nghĩ đến những điều hay những định nghĩa mà những cuốn sách bán trên thị trường, các thầy phong thủy cũng căn cứ vào một số định nghĩa và những đúc kết của những người xưa, đọc một số cuốn sách nghiên cứu và căn cứ vào đó mà có thể xem phong thủy nhà, đất, hướng…
Nhưng quan niệm người xưa về thầy phong thủy hoàn toàn khác. Thầy phong thủy bắt buộc phải được chân truyền của một vị Sư phụ, phải đạt được năng lực câu thông với trời đất, ngoài ra còn phải có khả năng quan sát hình thế của trời đất. Trong kinh thơ Đại Nhã Lưu Công có nói về “Trắc cương“, “Giáng nguyên“, “Thệ thủy“, “Quan kinh” đều liên hệ phong thủy với văn hóa tuy luyện cổ xưa. Theo đó, một vị thầy phong thủy chân chính không chỉ là một người có năng lực, biết trọng đức, hành thiện thông thường, mà còn phải thực sự tuân theo theo một môn pháp tu luyện của Đạo gia, tu tâm, dưỡng tính, phản bổn quy chân, trở về với chân Đạo. Đó cũng là lý do tại sao người xưa còn gọi các vị thầy phong thủy chân chính là “Địa tiên.”
Từ xưa đến nay, cũng có rất nhiều người tự xưng là thầy phong thủy, nhưng thực chất chỉ là cóp nhặt một chút kiến thức bề ngoài, kết hợp với một số kỹ năng tiểu thuật, tuân theo một số sách vở, rồi treo biển phong thủy nhằm mục đích kiếm tiền. Hành vi mưu sinh đó khác biệt rất xa so với phong thủy chân chính. Những thuật sĩ này chủ yếu là xem cho dân thường về địa thế, đất đai, thời hạn. Mặc dù như vậy, họ cũng có tác dụng nhất định đối với việc truyền bá đạo lý tích đức hành thiện, để lại phúc cho con cháu, sống hòa hợp với đất trời, v.v.
Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại tôn sùng vật chất đã khiến phong thủy chỉ còn lại cái vỏ bề ngoài. Người biết đến phong thủy căn bản cũng chỉ dựa vào một vài cuốn sách, rồi lại tự mình tìm tòi, xây dựng nên một bộ lý thuyết của bản thân. Khi họ làm phong thủy thì bỏ qua tâm tính của gia chủ. Người cầu cạnh họ cũng không chú trọng tu thân tích đức. Giá trị chân chính của phong thủy đã hoàn toàn bị quên lãng. Nếu phong thủy gắn liền với Đạo gia, thì nó cũng không thể vượt thoát khỏi những nguyên lý phổ quát của văn hóa tu luyện – tu tâm, tích đức, hành thiện.
Thực ra, người đi xem phong thủy ngày nay cũng chỉ có một mục đích là cải biến số mệnh bản thân mình, không cầu danh lợi thì cũng cầu được bình an. Tuy nhiên, số mệnh đâu phải là điều mà người ta có thể cải biến bằng những phương thức bên ngoài. Không tu thân tích đức thì có thể có được phúc thọ hay không? Cứ mãi làm việc xấu thì có thể nhận lại hai chữ bình an hay không? Nếu làm như vậy thì khác gì là “cướp đoạt” phúc đức của trời đất? Thật sự làm được thì cũng chỉ là mang họa vào thân mà thôi, hậu quả trong tương lai còn khủng khiếp hơn rất nhiều sung sướng nhất thời ở hiện tại.
Chính vì thế, trong “Cách ngôn thập vô ích” của mình, Lâm Tắc Từ mới có câu: “Tâm còn chưa thiện, phong thủy vô ích.” Thiện niệm mới là phong thủy chân chính cho cuộc đời bạn.
Quang Minh tổng hợp – ảnh internet