Câu trả lời liên quan đến một lý thuyết của thống kê học.
Những nhà quản lý nghiêm khắc thường nhanh chóng khiển trách nhân viên phạm lỗi nhưng lại rất chậm đưa ra lời khen khi có kết quả tốt. Ngược lại những nhà quản lý rộng lượng thường động viên thay vì chỉ trích nhân viên. Vậy cách quản lý nào thực sự hiệu quả hơn?
Trên thực tế không có một đáp án chính xác nào cho câu hỏi này bởi các nhà quản lý mới nhận việc sẽ thử cả 2 phương pháp để tìm ra hướng đi phù hợp nhất. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế học cho rằng quá trình thử nghiệm này sẽ bị ảnh hưởng bởi một thành kiến có sẵn liên quan đến lý thuyết thống kê học. Từ đó, nhiều nhà quản lý ngộ nhận rằng khen ngợi ít, chỉ trích nhiều có hiệu quả hơn trong công việc.
Trong thống kê học, sự hồi quy về mức bình quân (Regression toward the mean) là một lý thuyết có thể dùng để giải thích cho sự sa sút phong độ của các vận động viên có thành thích tốt trong năm đầu tiên. Lý thuyết này cũng có thể áp dụng cho các nhân viên có phong độ thất thường.
Giả sử trong một môi trường mà các yếu tố khác không đổi, các nhân viên sẽ có tuần làm việc tốt và có tuần làm việc kém hơn so với mức trung bình. Dù nhận được lời khen hay chỉ trích thế nào từ sếp thì họ cũng sẽ làm tốt hơn so với tuần kém và bị giảm sút phong độ so với tuần làm tốt.
Nói một cách đơn giản nếu năm ngoái bộ phận của bạn tăng trưởng 100% thì năm nay bạn khó lòng giữ được đà đi lên này nếu không thể gia tăng gấp 3-4 lần hiệu quả công việc thêm nữa. Dù gì thì nhân viên không phải máy móc và nếu không có thêm nguồn lực, việc giữ đà tăng trưởng cao liên tục hầu như bất khả thi trong bối cảnh thị trường không có đột biến.
Ngược lại nếu bộ phận của bạn giảm sâu trong năm ngoái thì năm nay nếu giữ được hiệu suất làm việc bình thường, bạn có thể tăng trưởng tốt trở lại bất kể sếp có chỉ trích hay khen thưởng gì đi chăng nữa.
Lý thuyết sự hồi quy về mức bình quân khiến nhà quản lý khiển trách nhân viên hiểu lầm rằng thành tích của họ được cải thiện nhờ vào sự nghiêm khắc của mình, trong khi những nhà quản lý rộng lượng lại cho rằng việc quá khoan dung đã khiến hiệu suất công việc đi xuống.
Sự hồi quy về mức bình quân được phát hiện và đặt tên vào cuối thế kỷ 19 bởi Sir Francis Galton, một người gần như là anh em họ với nhà bác học Charles Darwin. Lý thuyết này đã được Galton đăng trên bài báo năm 1886 với nhan đề “Sự hồi quy về giá trị trung bình trong vóc người di truyền”, qua đó giải thích bằng các số đo của thế hệ con cháu kế tiếp nhau trong chiều cao.
Tuy nhiên cho đến tận khi tác giả Daniel Kahneman, người từng đoạt giải Nobel kinh tế năm 2002 xuất bản cuốn sách “Tư duy nhanh và chậm” thì lý thuyết sự hồi quy về mức bình quân mới được nhiều doanh nhân chú ý tới.
Trong cuốn sách, chuyên gia kinh tế Kahneman đã đưa ra nhiều ví dụ thực tế cho thấy nhân viên, vận động viên hay bất kỳ ai cũng có phong độ thất thường và rất khó lòng ổn định được năng suất như một cái máy. Tác giả Kahneman đã làm thí nghiệm và chứng minh rằng các sĩ quan chỉ huy đã quở trách nhầm binh lính của họ khi thành tích kém bởi trước đó những người lính này đã được thưởng bởi một thành tích tiến bộ.
Tương tự, Kahneman cũng giải thích rõ về “vận rủi Sports Illustrated” khi các vận động viên có thành tích tốt được lên bìa tạp chí lại có mùa thi đấu kém hơn mong đợi trong mùa kế tiếp.
Theo Kahneman, cái gọi là vận may, cơ hội, phong độ và hiệu suất làm việc của con người không thể tồn tại mãi mãi bởi vậy chúng thường gây ra những hiểu lầm không đáng có cho cổ động viên, quan chỉ huy hay những người lãnh đạo.
Băng Băng-Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị