Khi doanh nghiệp thừa tiền nhờ hào quang độc quyền trong quá khứ thì sai lầm gì cũng có thể chấp nhận.
Theo tờ New York Times, tập đoàn Microsoft trong nhiều năm đã mắc những sai lầm chí mạng nhưng cho đến thời điểm hiện tại, công ty này vẫn là ông lớn trong ngành công nghệ. Phải chăng những tập đoàn lớn trong mảng này đang có vị thế độc quyền quá nhiều để rồi chậm đổi mới, bởi ngay cả khi chẳng đưa ra được một sản phẩm thực sự đột biến nào, họ vẫn có thể sống tốt.
Cách đây vài thập niên, Microsoft là cái tên lớn trong ngành công nghệ với vô số những dự án và sản phẩm thu hút sự chú ý của giới truyền thông. Thế nhưng ngày nay, việc tập đoàn này vẫn tồn tại sau vô số những thất bại lại đang khiến các chuyên gia ngạc nhiên. Thậm chí mới đây Microsoft còn trở thành tập đoàn thứ 2 đạt mức vốn hóa 2 nghìn tỷ USD sau Apple.
Tờ New York Times nhận định việc Microsoft vẫn tồn tại và là ông lớn trong ngành công nghệ cho thấy những doanh nghiệp độc quyền rất khó sụp đổ và đây có thể là rào cản lớn cho sự đổi mới, sáng tạo cũng như phát triển của các startup non trẻ.
Thành công của Microsoft khiến nhiều người phải đặt câu hỏi liệu những hãng công nghệ lớn ngày nay nổi tiếng vì những sản phẩm họ đang làm ra quá tốt hay đơn giản chỉ vì thế độc quyền nhờ hào quang quá khứ khiến họ không thể sụp đổ?
Vấn đề này đang ngày càng được nhiều người quan tâm khi những bộ luật về quyền riêng tư của khách hàng, những khoản thuế thu nhập nặng hay các tranh cãi về tình trạng độc quyền đang được thảo luận nhiều hơn bao giờ hết.
Quá lớn để sụp đổ (Too Big to Fail)
Quay trở lại những ngày tháng đen tối của Microsoft khi tập đoàn này lâm vào giai đoạn khủng hoảng thời kỳ giữa thập niên 2000 cho đến năm 2014. Microsoft thất bại trong việc phát triển công cụ tìm kiếm để cạnh tranh với Google, họ cũng chẳng thành công cho hệ thống điều hành riêng với smartphones. Trong khí đó, sự trỗi dậy của Apple, Amazon, Facebook… khiến vị thế ông lớn của Microsoft bị đe dọa nghiêm trọng.
Có thể nói đây là thời kỳ Microsoft luôn đi sau và chậm chân trong mọi thứ. Hầu như các dự án mới của hãng đều lâm vào cảnh thất bại và tất cả những gì công ty níu kéo được là hào quang trong quá khứ.
Dẫu vậy, dù kiếm được ít tiền hơn và thất bại trong vô số dự án, Microsoft vẫn kiếm được nhiều tiền hơn cả Apple. Năm 2013, khi CEO Steve Ballmer bị buộc phải từ chức sau quãng thời gian thất bại, tổng lợi nhuận trước thuế của Microsoft vẫn đạt hơn 27 tỷ USD, cao hơn cả của Apple năm 2020.
Nguyên nhân thì vô cùng đơn giản, cho dù thất bại đến đâu nhưng nhiều cá nhân hay tổ chức vẫn phải sử dụng hệ điều hành độc quyền Windows của hãng. Nhiều phần mềm thư điện tử hay văn phòng của Microsoft vẫn được sử dụng như nền tảng cơ bản cho hoạt động kinh doanh.
Chính sự độc quyền từ hào quang quá khứ này đã giúp Microsoft dù thất bại liên tiếp nhưng vẫn đủ tiền đầu tư cho hàng loạt dự án, từ phát triển phần mềm liên lạc đến trung tâm dữ liệu và lưu trữ thông tin.
Theo đánh giá của New York Times, Microsoft thời gian gần đây dù không có gì nổi bật nhưng họ lại đang làm khá tốt vai trò duy trì hoạt động kinh doanh. Đặc biệt trong hàng loạt dự án thất bại của mình, Microsoft lại thành công với điện toán đám mây (Cloud Computing), một trong những công nghệ quan trọng nhất suốt 15 năm qua.
Chính sự thay đổi trong tư duy chiến lược cùng nền tảng độc quyền đã giúp Microsoft chỉ cần thành công với một số dự án trong vô số thất bại cũng đem về lợi nhuận khổng lồ. Suy cho cùng, tập đoàn này cũng quá lớn để sụp đổ và chẳng ngại gì thất bại như những startup non trẻ khác.
Không cần là tốt nhất
Bên cạnh việc thành công với mảng điện toán đám mây, tờ New York Times đánh giá việc Microsoft không cần cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hành cũng là một yếu tố thành công. Bạn nghe không nhầm đâu, Microsoft không cần tốn quá nhiều chi phí chỉ để trở thành hãng cung ứng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, thay vào đó họ chỉ cần bán sản phẩm vừa đủ tốt để lấy được hợp đồng.
Trên thực tế không riêng gì Mircrosoft, những sản phẩm hay dịch vụ của hàng loạt các ông lớn như Facebook, Google, Amazon hay thậm chí là Apple cũng không còn có thể khẳng định 100% tốt nhất. Sản phẩm của họ không có nhiều những đột phá mới về công nghệ hoặc vẫn còn những nhược điểm mà nhiều doanh nghiệp nhỏ khác vượt trội hơn.
Thế nhưng sự khổng lồ về quy mô, lượng vốn dồi dào khiến người tiêu dùng vẫn lựa chọn chúng dù liên tục phàn nàn về các lỗi hay bất tiện của sản phẩm và dịch vụ. Chúng ta có lẽ đã quen dùng Facebook, tìm kiếm trên Google hay mua hàng qua Amazon chẳng phải vì chúng là những lựa chọn tốt nhất mà vì chúng đã đủ tốt để không phải chuyển sang các nhà cung cấp khác.
Băng Băng-Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị