Một vài năm gần đây trên khắp các diễn đàn, trên khắp các phương tiện truyền thông cả tây lẫn ta đều bùng nổ cụm từ “CHUYỂN ĐỔI SỐ”.
Những người làm CNTT nói đã đành, các doanh nhân, các chuyên gia kinh tế, các chính trị gia cũng đều nói cả.
Tại sao lại bùng nổ “chuyển đổi số” như vậy? Do sính chữ, do muốn sang mồm, do các ông làm công nghệ bịa ra để nâng cao giá trị của công nghệ hay do nhu cầu, do sự cấp thiết, do lợi ích to lớn của chuyển đổi số mang lại?
Rất nhiều người đặt câu hỏi “vậy chuyển đổi số khác gì tin học hoá”? Trong số những người đặt câu hỏi ấy có khá nhiều tiến sĩ về công nghệ thông tin (CNTT), những cây đa cây đề trong giới CNTT. Họ đặt câu hỏi cũng đúng thôi bởi vẫn là mấy ông làm công nghệ thông tin ấy thôi, giờ các ông đều đồng thanh nói “chúng tôi không chỉ tin học hoá mà chúng tôi chuyển đổi số”.
Trong số các định nghĩa về chuyển đổi số tôi thích nhất định nghĩa này: “Chuyển đổi số là sự tích hợp dữ liệu và công nghệ số vào tất cả các lĩnh vực hoạt động của một tổ chức, làm thay đổi cơ bản cách mà tổ chức ấy vận hành (hay hoạt động) nhằm cung cấp giá trị và lợi ích lớn hơn cho các đối tượng mà tổ chức ấy phục vụ”.
Theo định nghĩa ấy thì khác biệt cơ bản của Chuyển đổi số (hiện nay) so với Tin học hoá (trước đây) là:
1) Tích hợp dữ liệu và các công nghệ số vào tất cả các hoạt động của tổ chức, trước đây công nghệ số chỉ có máy tính, thiết bị mạng và phần mềm, ngày nay bùng nổ các thiết bị số, bao gồm camera, robot, cảm biến, thiết bị đo, điện thoại di động, khoá cửa thông minh, công tơ (điện, nước, gas) thông minh, thiết bị điện thông minh…
2) Làm thay đổi cơ bản cách vận hành của tổ chức nhằm cung cấp giá trị và lợi ích lớn hơn cho đối tượng mà tổ chức ấy phục vụ (khách hàng, tổ chức, người dân và doanh nghiệp).
Như vậy chính các thành tựu của công nghệ với sự bùng nổ dữ liệu (dữ liệu lớn), bùng nổ mạng xã hội và thương mại điện tử, bùng nổ các thiết bị và công nghệ số, bao gồm trí tuệ nhân tạo AI, robot, chatbot, camera, thiết bị đo, cảm biến, điện thoại thông minh, công tơ thông minh (điện, nước, gas), thiết bị điện thông minh… là cơ sở để người ta đưa ra khái niệm chuyển đổi số.
Một số chuyên gia CNTT gạo cội cho rằng nếu không có khái niệm và định nghĩa chuyển đổi số thì theo lẽ tự nhiên, do nhu cầu của thực tiễn, do những tiến bộ về trí tuệ nhân tạo AI, về big data và các thiết bị công nghệ số thông minh, những người làm công nghệ thông tin, làm tự động hoá, làm công nghệ sẽ vẫn làm những công việc mà chuyển đổi số đang làm hiện nay mà thôi; xe ô tô tự lái, robot thông minh (trong sản xuất, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ, làm dịch vụ) sẽ vẫn phát triển và vẫn đi vào thực tế cuộc sống, công tơ điện, nước, ga thông minh (tự đọc chỉ số tiêu thụ, tự ngắt, tự đóng công tơ), thu phí giao thông không dừng, ngân hàng số (tất cả các giao dịch giữa khách hàng với nhà bank hoàn toàn online), mạng xã hội, thương mại điện tử… sẽ vẫn phát triển và đi vào thực tế cuộc sống.
Tất nhiên không thể phủ nhận rằng chính cơn sốt chuyển đổi số đã giúp cho các lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo bộ ngành, lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn câu quan tâm nhiều hơn, vào cuộc nhiều hơn, ra nhiều chính sách hơn và đầu tư nhiều hơn cho chuyển đổi số và nhờ đó mà xã hội phát triển nhanh hơn, văn minh hơn và người dân nhận được nhiều tiện ích hơn.
Theo Đỗ Cao Bảo–Diễn đàn doanh nghiệp