Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, hơn một nửa (57%) số người trong độ tuổi từ 18-24; 21% ở độ tuổi từ 25-29 và 11% ở độ tuổi từ 30-34 cho biết họ đang sống cùng cha mẹ.
Hầu hết các bậc cha mẹ đều mong muốn nuôi dưỡng con cái cho đến khi trưởng thành. Tuy nhiên, nhiều người Mỹ cho biết họ vẫn đang chu cấp tài chính cho những đứa con đã “quá lớn” của mình – đôi khi con cái họ ở độ tuổi cuối 20 hoặc đầu 30, theo một báo cáo mới từ Trung tâm Nghiên cứu Pew của Mỹ.
Theo báo cáo của Pew, những người trẻ tuổi ngày nay có bằng đại học và kiếm được nhiều tiền hơn – trên cơ sở điều chỉnh lạm phát – so với cha mẹ cách đây 30 năm.
“Những người trẻ tuổi đang đạt được một số cột mốc quan trọng như hôn nhân và làm cha mẹ… Họ thậm chí vượt xa thế hệ của cha mẹ mình về trình độ học vấn, việc làm và tiền lương” – các nhà nghiên cứu của Pew viết trong một phân tích.
Nhưng đồng thời, những đứa trẻ trưởng thành này cũng có nhiều khả năng mắc nợ vay sinh viên – nhiều hơn so với cha mẹ của họ ở độ tuổi tương tự.
Theo Pew, vào năm 1992, khoản nợ trung bình của sinh viên được điều chỉnh theo lạm phát vào khoảng 6.000 – 7.000 USD trong giới trẻ. Nhưng vào năm 2022, những người trưởng thành từ 25-29 tuổi nợ trung bình 16.000 USD và những người từ 30-34 tuổi nợ 20.000 USD.
Báo cáo của Pew dựa trên hai cuộc khảo sát khác nhau được thực hiện vào mùa thu năm ngoái.
Một khảo sát là mẫu đại diện toàn quốc gồm các bậc cha mẹ ở Mỹ có con trưởng thành trong độ tuổi từ 18-34, và thứ hai là mẫu đại diện toàn quốc gồm những người trưởng thành trong độ tuổi đó có ít nhất cha hoặc mẹ còn sống.
Các hình thức trợ giúp
Trợ giúp tài chính có nhiều hình thức. Cung cấp thực phẩm và chỗ ở – miễn phí hoặc thu không quá nhiều tiền – là một hình thức phổ biến.
Pew nhận thấy rằng khoảng một phần ba thanh niên trong độ tuổi từ 18-34 vẫn sống với cha mẹ. Hơn một nửa (57%) số người trong độ tuổi từ 18-24; 21% ở độ tuổi từ 25-29 và 11% ở độ tuổi từ 30-34 cho biết họ đang sống cùng cha mẹ.
Trong số những người vẫn chưa rời “tổ ấm,” gần 3/4 (72%) cho biết họ cũng đóng góp tài chính cho gia đình ít nhất bằng một cách nào đó. 65% cho biết họ giúp thanh toán những thứ như hàng tạp hóa hoặc hóa đơn điện nước. 46% nói rằng họ giúp trả tiền thuê nhà hoặc thế chấp. Không có số liệu về về số tiền họ thực sự đóng góp.
Khi nói đến những người có nhiều khả năng sống với cha mẹ nhất trong các nhóm chủng tộc và sắc tộc, các nhà nghiên cứu của Pew cho biết không có sự khác biệt đáng kể về mặt thống kê đối với những người trong độ tuổi từ 18-24.
Nhưng đối với những người từ 25 tuổi trở lên, thanh niên gốc Tây Ban Nha và người da đen có chiều hướng sống với cha mẹ nhiều hơn so với người da trắng và người châu Á.
Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi hầu hết thanh niên vẫn ở nhà (64%) cho biết việc ở cùng cha mẹ giúp ích cho tình hình tài chính cá nhân của họ.
Và nói chung, hầu hết các bậc cha mẹ đều không hài lòng với “cách sắp xếp này”.
Những chi phí mà cha mẹ giúp con cái trưởng thành của họ chi trả
59% cha mẹ cho biết họ đã giúp đỡ tài chính cho một đứa con trưởng thành trong năm qua, trong khi 44% con cái trưởng thành cho biết họ đã nhận được sự giúp đỡ tài chính từ cha mẹ trong cùng thời gian.
Trong số 44% thanh niên này, phần lớn (68%) ở độ tuổi từ 18-24. Nhưng 30% người trưởng thành trong độ tuổi từ 30-34 cũng cho biết họ nhận hỗ trợ tài chính từ cha mẹ.
Theo CNN, đối với tất cả các nhóm tuổi trên, số tiền hỗ trợ sẽ được sử dụng để thanh toán chi phí của gia đình (28%), hóa đơn điện thoại di động và đăng ký dịch vụ phát trực tuyến (25%). Ít phổ biến hơn là các khoản trợ cấp liên quan tới tiền thuê nhà (17%), chi phí y tế (15%) và giáo dục (11%).
Ảnh hưởng đến tài chính của cha mẹ
Giúp đỡ một người con trưởng thành về mặt tài chính có thể khiến cha mẹ cảm thấy hài lòng về mối quan hệ của họ. Nhưng khi “kết luận” về những tác động đến điều kiện tài chính của cha mẹ, các kết quả khảo sát lại trái ngược nhau.
Trong số các bậc cha mẹ có con trưởng thành vẫn sống ở nhà, chỉ có 18% cho rằng điều đó có ảnh hưởng tiêu cực; 27% cho rằng việc này có ảnh hưởng tích cực; và khoảng 55% cho biết tác động “không tích cực cũng không tiêu cực”.
Nhưng trong số các bậc cha mẹ cho biết họ đã giúp đỡ tài chính cho con cái trưởng thành trong năm qua, 36% cho biết điều đó gây tổn hại đến tài chính của họ – “ít nhất là một phần,” đặc biệt là ở những bậc cha mẹ có thu nhập thấp hơn.
Tham khảo CNN– Bạch Linh-Theo Nhịp sống thị trường