Người thức thời là người biết tránh 3 hành vi sau ở nơi làm việc để công việc thuận lợi, sếp trọng dụng, đồng nghiệp quý mến.
Trên Toutiao – MXH Trung Quốc từng có 1 chủ đề được tranh cãi sôi nổi: Tại sao một số người đạt được thành công trong sự nghiệp và hạnh phúc trong cuộc sống dù có chỉ số IQ và EQ ở mức trung bình?
Và một số người dù có năng lực nhưng khi đối mặt với công việc lại tỏ ra buồn bã, để rồi cuối cùng chỉ có thể sống cuộc đời trong bóng tối và không có thành tựu? Câu trả lời đó là do họ có HÀNH VI khác nhau.
Nhà tâm lý học nổi tiếng Adler từng nói: “Dưới sự kiểm soát của một nhân cách tích cực, con người có thể kích thích tiềm thức và phát huy tối đa khả năng làm việc của mình. Ngược lại, dưới sự thống trị của nhân cách tiêu cực, con người sẽ ngày càng rơi vào trạng thái chán nản, gặp rất nhiều khó khăn trong công việc. Vì vậy, phần lớn những khó chịu trong công việc đều xuất phát từ hành vi”.
Dưới đây là 3 hành vi xấu xí mà nếu trót mang thì bạn cần phải sửa đổi để cuộc đời được hanh thông, sự nghiệp phát triển.
Thói quen phàn nàn sẽ hủy hoại sự nhiệt tình
Nhà văn Li Weike (Trung Quốc) từng kể một câu chuyện như sau:
Một chàng trai trẻ vào công ty nổi tiếng sau khi tốt nghiệp đại học, khiến các bạn cùng lớp ghen tỵ. Chàng trai trẻ tự tin nói: “Cứ chờ xem, một ngày nào đó công ty sẽ tự hào về tôi”.
Anh tưởng công ty sẽ giao anh vào vị trí quản lý nhưng không ngờ anh lại được phân công đến xưởng làm công nhân bảo trì. Công việc bảo trì bẩn thỉu, mệt mỏi, mất thẩm mỹ, chỉ sau vài ngày làm việc, anh bắt đầu phàn nàn: “Tôi chán ngấy công việc này rồi!”.
Vài tháng sau, đồng nghiệp cùng xưởng được thăng chức quản lý, anh lại bắt đầu phàn nàn: “Sao sếp không coi trọng tôi? Khi nào tôi mới có thể cởi bộ quần áo đầy dầu mỡ này ra?”.
Sau đó, công ty nhận được một đơn đặt hàng lớn và yêu cầu nhân viên bảo trì kiểm tra thiết bị để không mắc sai sót nào. Anh tiếp tục phàn nàn rằng công việc quá căng thẳng và thực hiện một cách chiếu lệ. Cuối cùng, thiết bị gặp trục trặc trong quá trình sản xuất và công ty phải chịu tổn thất lớn và sau đó, anh bị sa thải.
Lúc này anh vẫn phàn nàn với những người xung quanh: “Tại sao lại là tôi?”. Nhưng không còn ai để ý đến anh nữa.
Trong cuộc sống, có thể bạn đã từng gặp những tình huống tương tự và gặp những người tương tự. Họ luôn cảm thấy cách đối xử của công ty chưa xứng đáng với công sức của mình nên luôn phàn nàn: “Tại sao ngay từ đầu tôi lại gia nhập công ty này?”, “Tại sao tôi lại có một ông chủ như thế này?”, “Tại sao tôi làm nhiều mà lại nhận mức lương ít như vậy?”,…
Nhà văn Bowen đã nói: “Người thích phàn nàn suốt ngày mang bộ mặt cay đắng, thân thể vô hồn, điều đó chỉ khiến người đó từng bước tuyệt vọng mà bản thân không hề hay biết”.
Đôi khi, bạn nghĩ phàn nàn chỉ là một cách để trút bỏ những năng lượng tiêu cực. Nhưng thực tế, một khi con người đã quen với việc phàn nàn thì sẽ chìm vào rắc rối. Phàn nàn giống như một liều thuốc độc, nó hủy hoại lòng nhiệt tình, làm suy giảm ý chí và cuối cùng khiến bạn chẳng đạt được điều gì.
Xích mích trong nội tâm làm tiêu hao năng lượng
Trong công việc, điều đáng sợ hơn cả là xích mích trong thâm tâm. Đối với một người dễ bị xích mích nội tâm, mọi lời nói hay sự xáo trộn từ thế giới bên ngoài sẽ khiến họ khó chịu. Họ luôn sống theo ý kiến của người khác, lo lắng về điều đó và tự làm khổ mình.
Một câu chuyện sau sẽ khiến bạn hiểu sự tai hại của xích mích nội tâm: Khi báo cáo công việc, cô thấy sếp cau mày, cô tự hỏi liệu mình đã làm việc không tốt. Nhìn đồng nghiệp gọi trà sữa mà không hỏi ý kiến, cô có cảm giác mọi người trong công ty đang cô lập mình. Khi biết công việc đang làm được giao cho người mới, cô tự hỏi liệu có điều gì mình làm chưa tốt hay không…
Tất cả những điều này khiến cô cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Nhưng trên thực tế thì sao?
Sếp cho rằng hiệu suất công việc của cô rất tốt, nhưng khuôn mặt cô toát lên vẻ mệt mỏi nên giao việc cho người khác hỗ trợ. Một đồng nghiệp gọi trà sữa quên gọi cho cô nhưng hôm sau lại mời cô đi ăn lẩu. Công việc được chuyển cho người mới vì cô sắp được thăng chức, tăng lương và phải đảm nhận công việc khó khăn hơn.
Cô gái trong câu chuyện là điển hình của những người mâu thuẫn nội tâm. Họ quen với việc diễn giải quá mức mọi chuyển động của thế giới bên ngoài. Theo thời gian, những cảm xúc tiêu cực trong lòng tiếp tục tích tụ, cuối cùng gây tiêu hao năng lượng nghiêm trọng.
Có một câu nói rất hay: “Chỉ bằng cách bỏ qua mọi vấn đề khó chịu và bình tĩnh đón nhận chúng, chúng ta mới có thể sống hạnh phúc và rộng lượng”.
Khi chúng ta có thể tập trung làm những việc trước mắt mà không sợ hãi thế giới bên ngoài thì công việc sẽ trở nên suôn sẻ và dễ dàng hơn. Những người không xích mích nội tâm là những người thông minh ở nơi làm việc.
Lười biếng kéo dài cản trở sự tiến bộ
Nhiều người không bao giờ chủ động làm việc, trừ khi người khác yêu cầu họ làm thì chắc chắn họ sẽ không đạt được thành tựu. Những người như vậy không phải là hiếm gặp.
Anh Giang tốt nghiệp trường đại học danh tiếng, đã làm việc ở công ty được 5 năm. Lúc đầu, đồng nghiệp ngưỡng mộ anh và cho rằng anh có năng lực và nhiều tham vọng.
Nhưng chẳng bao lâu sau, mọi người phát hiện ra rằng anh Giang luôn đòi thăng chức nhưng đến lúc bắt tay làm việc thì hời hợt, lười nhác. Ngày thường, anh luôn gợi ý với sếp tăng lương, nhưng khi được sếp giao thêm việc, yêu cầu đi công tác thì anh Giang sẽ viện đủ lý do để từ chối.
Anh Giang thường ngồi trước máy tính hàng giờ, có vẻ như đang làm việc nghiêm túc nhưng thực chất lại đang lén lút chơi game và xem phim. Nửa đầu năm, công ty được tăng lương tập thể, ngoại trừ anh Giang. Một số đồng nghiệp cảm thấy khó hiểu liền bí mật hỏi sếp và nhận được câu trả lời: “Những người như anh Giang mỗi ngày đều cho rằng tôi không biết, nhưng thực ra tôi biết tất cả”.
Nếu bạn lười biếng trong công việc, bạn thực sự đang lãng phí thời gian. Hành vi lười biếng sẽ chỉ khiến cuộc sống của bạn trở nên trì trệ. Những người thực sự xuất sắc biết cách không ngừng cải tiến trong công việc và trau dồi trí óc để nhận ra giá trị của cuộc sống.
Tỷ phú Rockefeller từng nói: “Nếu bạn coi công việc là nghĩa vụ thì cuộc sống sẽ là địa ngục. Ngược lại, nếu bạn coi công việc là cơ hội thì cuộc sống sẽ là thiên đường”.
Thay vì mỗi ngày trôi qua một cách lười biếng, tốt hơn hết bạn nên làm việc chăm chỉ để đạt được thành tựu trong sự nghiệp. Khi bạn làm việc chăm chỉ và ứng xử khéo léo, công việc của bạn sẽ trở nên thuận lợi và nhận về nhiều bất ngờ.
Ứng Hà Chi-Theo Đời sống Pháp luật