Hơn 10 năm qua, mô hình nuôi dơi lấy phân đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình chị Trần Thị Cẩm Hường, ở ấp An Hiệp, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Với lợi nhuận gần 80 triệu đồng/năm từ việc bán phân dơi, gia đình chị Hường từng bước vươn lên thoát nghèo, cuộc sống ngày càng khấm khá.
Chiều mát cũng là lúc chị Hường (ấp An Hiệp, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) bắt đầu thu hoạch phân dơi.
Trên nền ximăng rộng hơn 24m², phân dơi rải đều trên mặt các tấm lưới cước, nhưng chỉ chốc lát chị Hường đã gom lại gọn ghẽ, cho vào bao chứa, chuẩn bị cho đợt xuất bán lần thứ hai trong tháng.
Mỗi ngày, chị Hường thu hoạch hơn 3kg phân dơi, cứ 2 tuần lại giao cho khách mối. Giá phân dơi dao động từ 60.000 – 80.000 đồng/kg, trung bình mỗi tháng chị Hường thu về khoảng 7 triệu đồng.
Khoảng 10 năm trước, cuộc sống của gia đình chị Hường hết sức khó khăn, thu nhập từ một công đất trồng mía và rau màu, làm thuê làm mướn chỉ tạm đủ trang trải chi phí sinh hoạt.
Thấy trong vùng có người nuôi dơi lấy phân hiệu quả, chị bàn với chồng dựng chuồng nuôi thử. Do thiếu vốn nên chuồng dơi chỉ dựng cột cây, nóc lợp lá, nền tráng ximăng tạm.
Từ kinh nghiệm nuôi dơi học hỏi được, vợ chồng chị tìm mua lá thốt nốt mang về ngâm qua nước để tiêu diệt ấu trùng kiến, rồi mới phơi khô, kết chùm, đem treo dọc theo chiều dài của chuồng dẫn dụ dơi về.
“Điều may mắn của chúng tôi là sau khi dựng chuồng không lâu, dơi lần lượt kéo về trú ngụ, sinh sản, số lượng ngày càng đông. Nhờ đàn dơi mà chỉ hơn 1 năm, kinh tế gia đình tôi cải thiện đáng kể. Có dư tiền, tôi làm mới lại chuồng, dựng cột ximăng chắc chắn, thu nhập từ việc bán phân dơi cứ đều đặn từ đó cho đến nay” – chị Hường chia sẻ.
Để tiết kiệm chi phí, chị Hường tận dụng diện tích đất trống quanh nhà, tự trồng cây thốt nốt lấy lá. Hiện nay, ngoài thu nhập từ chuồng dơi tại nhà, chồng chị Hường còn đi nhiều nơi thu gom phân dơi để bỏ mối.
Theo kinh nghiệm nuôi dơi của chị Hường, nuôi dơi cho lợi nhuận khá, không phải tốn chi phí thức ăn do chúng ăn trái cây, các loại côn trùng ngoài tự nhiên.
Ngôi nhà “lý tưởng” đối với dơi là phải kín đáo, thoáng mát, yên tĩnh. Loài động vật này vốn ưa sạch sẽ, vì vậy phải chịu khó vệ sinh chuồng, cứ 5 ngày là đem các chùm lá cũ đi giặt, phơi khô, thay mới.
Đến 5 – 6 tháng thì thay toàn bộ lá, tuy nhiên phải xen lẫn lá mới với ít lá cũ để dơi không lạ chỗ, bởi nếu động tổ, có dấu hiệu khác thường dơi sẽ bỏ đi. Việc thay lá cũng phải làm nhanh trước khi đàn dơi trở về.
Ngoài ra, đến mùa mưa, phải chịu khó che chắn, giữ ấm cho dơi, không cho dơi bị ướt, còn mùa nóng thì bớt lá để chuồng thoáng mát.
Người nuôi phải thường xuyên quan sát tổ để loại trừ rắn, bìm bịp, cú mèo làm hại đàn dơi. Thời điểm thu hoạch phân dơi nhiều nhất là vào mùa mưa, do nguồn thức ăn của dơi dồi dào, trung bình dơi sẽ cho phân từ 7 – 8kg/ngày…
Nhận thấy mô hình nuôi dơi lấy phân hiệu quả, chị Hường đã bày cách cho người thân, người quen xây dựng chuồng, thu hút dơi về làm tổ. Hiện tại, nhiều người nhờ nuôi dơi lấy phân, nhờ giá phân dơi cao mà vượt khó thoát nghèo, có người thu nhập hàng tháng gấp đôi gia đình chị Hường, vươn lên khấm khá.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, (tỉnh Cà Mau) Trần Thị Thơm cho biết, trên địa bàn xã hiện có khoảng 5 – 6 hộ nuôi dơi lấy phân, trong đó, gia đình chị Cẩm Hường nuôi hiệu quả, duy trì được đàn dơi ổn định.
Mô hình nuôi dơi được địa phương khuyến khích, bởi dơi không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho bà con, mà còn hạn chế được bệnh truyền nhiễm do muỗi gây ra, giảm các loại côn trùng gây hại khác, góp phần bảo vệ cây cối, mùa màng.
Xuân Nguyên (Báo Sóc Trăng)