Nhà Xanh – nơi đặt phủ Tổng thống Hàn Quốc được cho là nghịch phong thủy. Và bởi vậy, từ khi kết thúc chiến tranh liên Triều tới nay, Hàn Quốc trải qua 12 đời Tổng thống, thì có tới 11 người có kết cục không mấy tốt đẹp.
Tổng thống Hàn Quốc – Những số phận nghiệt ngã
Hàn Quốc ngày nay được biết tới như một trong những con rồng của kinh tế châu Á. Từ một đất nước nghèo nàn kiệt quệ sau chiến tranh liên Triều, Hàn Quốc đã phát triển rực rỡ với GDP tăng trưởng trung bình trên 10% mỗi năm trong suốt giai đoạn “kỳ tích sông Hàn” từ 1962 đến 1994, và GDP bình quân đầu người tăng từ mức thấp hơn 100 USD năm 1961 lên tới hơn 30.000 USD hiện nay.
Nhiều người vẫn nghĩ với thành tích kinh tế vượt bậc như vậy, các vị Tổng thống Hàn Quốc sẽ được vinh danh như những lãnh đạo xuất sắc, có công chèo lái đất nước tìm ra con đường đúng đắn để phát triển không ngừng.
Nhưng sự thực lại hoàn toàn ngược lại. Từ khi kết thúc chiến tranh liên Triều tới nay, Hàn Quốc trải qua 12 đời Tổng thống, thì có tới 11/12 người rơi vào cảnh tù tội, bị ám sát hoặc buộc phải tự sát.
- Rhee Syng-man (1948 – 1960):Ông là Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Nhiệm kỳ của ông kéo dài suốt giai đoạn trước và sau khi kết thúc chiến tranh liên Triều. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ của mình, ông đã bị chính quyền quân chủ xử tù, và buộc phải sống lưu vong tại Hawaii cho tới khi qua đời vào năm 1965.
- Yun Bo-seon (1960 – 1962):Ông chỉ giữ chức Tổng thống chưa được nửa nhiệm kỳ. Trong khi đương nhiệm, chính quyền của ông bị Park Chung-hee đảo chính. Sau đó, ông bị xử nhiều tội danh vì chống lại chính quyền Park.
- Park Chung-hee (1963 – 1979):là người dẫn dắt Hàn Quốc lập “kỳ tích sông Hàn, nhưng cũng là vị Tổng thống gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Năm 1948, ông bị tòa quân sự thời Rhee bắt giam và tuyên tử hình nhưng sau đó thoát tội. Tuy nhiên, ông bị ám sát năm 1979 khi đang tại vị.
- Choi Kyu-hah (1979 – 1980):Ông chính là vị Tổng thống duy nhất trong lịch sử Hàn Quốc không bị tù tội hoặc bị ám sát. Mặc dù vậy, ông chỉ tại vị được 8 tháng thì bị lật đổ bởi quân đội.
- Chun Do-hwan (1980 – 1988):Ông bị tuyên tử hình năm 1988 vì đàn áp phong trào Gwangju và phải chịu trách nhiệm cho cái chết của hơn 900 người trong sự kiện được lịch sử ghi lại là vụ Thảm sát Gwangju. Tuy nhiên sau đó án tù của ông được chuyển xuống chung thân và cuối cùng được đặc xá vào năm 1997.
- Roh Tae-woo (1988 – 1993):Ông là người thắng cử trong nhiệm kỳ đầu tiên bỏ phiếu dân chủ. Sau nhiệm kỳ, ông bị xử tù 22,5 năm cùng với ông Chun Do-hwan về tội phản quốc, nổi loạn và tham nhũng, nhưng sau đó được giảm xuống 17 năm và cuối cùng được ân xá.
- Kim Young-sam (1993 – 1998):Trước khi đắc cử Tổng thống, ông là người có quan điểm đối lập với chính quyền Park trong suốt 30 năm. Ông từng bị trục xuất, bị giam vào cuối thời Park sau đó bị quản thúc tại đầu thời Chun.
- Kim Dae-jung (1998 – 2003):Năm 1980, ông từng bị kết án tử hình với tội danh mưu sát và đảo chính. Sau đó giáo hoàng John Paul II đã gửi thư cho Chun Do-hwan yêu cầu khoan hồng cho Kim, một người của Công giáo. Ông phải chịu bản án tù 20 năm.
- Roh Moo-hyun (2003 – 2008):Ông từng bị Chun giam ngắn ngày trongnăm 1985. Giữa nhiệm kỳ, ông bị Quốc hội luận tội phải ngưng chức vụ, nhưng được trở lại sau 2 tháng. Ông tự sát năm 2009 khi đang bị điều tra vì tội nhận hối lộ chỉ sau một năm mãn nhiệm do không chịu nổi dư luận.
- Lee Myung-bak (2008 – 2013):Khi còn trẻ, ông phạm tội tổ chức biểu tình, chịu mức án 5 năm treo và 3 năm tù giam. Tháng 10/2018, ông bị tuyên án 15 năm tù với 16 tội danh về tham nhũng, lạm dụng quyền lực, biển thủ và một số tội danh khác.
- Park Geun-hye (2013 – 2017):Là nữ Tổng thống duy nhất trong lịch sử Hàn Quốc nhưng số phận bà cũng không khá hơn những người tiền nhiệm. Tháng 12/2016, bà bị Quốc hội luận tội và bị phế truất bởi Tòa Hiến pháp (3/2017), bị tuyên án 25 năm tù vì tội tham nhũng.
- Moon Jae-in (2017 – nay):Vị Tổng thống đương nhiệm của Hàn Quốc cũng đã từng phải đi tù từ khi còn là sinh viên, dưới thời Park Chung-hee năm 1972. Sau bê bối của bà Park, ông được bầu vào vị trí Tổng thống và đạt được những thành tựu đáng kể trong việc hàn gắn quan hệ liên Triều.
Bí ẩn phong thủy Nhà Xanh
Nhà Xanh (Cheongwadae) là tên gọi của Dinh Tổng thống của Đại Hàn Dân Quốc, nằm tại quận Jongno Gu, thành phố Seoul. Vùng đất xây dựng Nhà Xanh ngày nay vốn là di tích hoàng cung của Vương quốc Goryeo. Đến triều đại Joseon, hoàng cung được chuyển rời đến Gyeongbuk Gung (cung Cảnh Phúc), thì Nhà Xanh trở thành hậu hoa viên của hoàng cung.
Thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên (1910-1945), người Nhật cho xây dựng Dinh Toàn quyền Nhật Bản trên nền đất của hậu hoa viên này, nay chính là tòa nhà chính của Nhà Xanh.
Năm 1945-1948, thời kỳ chính phủ lâm thời, tòa nhà này dùng làm nơi ở cho Bộ trưởng Bộ Quân sự của Quân đội Hoa Kỳ. Sau cuộc đảo chính tháng 4/1960, khi lên nắm quyền Tổng thống Yun Po-sun đã xây dựng Nhà Xanh bằng bê tông cốt thép trên nền ngôi nhà này.
Có tư liệu nói, khi Tổng thống Yun Po-sun xây dựng Nhà Xanh, các công nhân khi đào đất đã tìm thấy một phiến đá có khắc 6 chữ lớn: “Thiên hạ đệ nhất phúc địa”. Trên thực tế, tòa Nhà Xanh được xây dựng ngay dưới chân ngọn núi Bắc Nhạc, một trong những ngọn núi có khí vương giả “vượng” nhất Hàn Quốc
Lưng dựa vào ngọn Bắc Nhạc Sơn, phía tay trái của Nhà Xanh chính là ngọn Lạc Sơn ứng với thế Thanh Long còn phía phải ứng với thế Bạch Hổ là ngọn Nhân Vương Sơn, một trong những dãy núi trung tâm của bán đảo Triều Tiên.
Nhiều người cho rằng, với địa thế phong thủy hội tụ cả Thanh Long lẫn Bạch Hổ, gọi Nhà Xanh là “Thiên hạ đệ nhất phúc địa” cũng chẳng có gì là sai. Tuy nhiên, một số nhà phong thủy khác lại không đồng ý như vậy mà cho rằng, Nhà Xanh có rất nhiều điểm cực kỳ xấu về mặt phong thủy.
Thứ nhất chính là “cánh cung” Huyền Vũ ở phía sau lưng. Nhà Xanh được xây dựng dựa lưng vào ngọn núi Bắc Nhạc. Dựa lưng vào núi có thể nhận được sự tiến cử, hỗ trợ và giúp đỡ của người khác, là một địa thế phong thủy rất tốt; tuy nhiên, ngọn núi Bắc Nhạc ở phía sau Nhà Xanh lại có hình như một chiếc cung đang được kéo căng ra. “Giương cung ở phía sau bắn lén người khác”, đó là một địa thế đại kỵ.
Thêm vào đó, theo những truyền thuyết dân gian thì vào năm 1910 khi quân Nhật xâm chiếm bán đảo Triều Tiên, để trấn áp sự phản kháng của nhân dân Triều Tiên, người Nhật đã phá vỡ địa thế phong thủy vốn rất vượng của vương triều Lý ở Triều Tiên bằng cách đóng những cột sắt dài đến 8 mét tại những mạch núi quan trọng ở các phía Đông Tây Nam Bắc của Triều Tiên nhằm cắt đứt “địa mạch” của nước này, với mục đích không để cho Triều Tiên có ngày trỗi dậy.
Các dãy núi lớn trên bán đảo Triều Tiên đều bị quân Nhật đóng hàng vạn những cây cột sắt như vậy. Trong số những dãy núi bị chôn cột sắt đó, có những ngọn núi ở gần khu vực Gyeongbuk Gung. Mặc dù sau đó, người Hàn Quốc đã nhổ bỏ gần như toàn bộ những cọc sắt; song chính điều này đã phá vỡ địa thế phong thủy khu vực xung quanh Phủ Tổng thống, đặc biệt là “địa mạch” của núi Huyền Vũ, ngay phía sau lưng của Nhà Xanh. Điều này càng khiến địa thế “cánh cung” phía sau lưng Dinh Tổng thống trở nên đặc biệt hung hiểm.
Chủ nhân của những tòa dinh thự có địa thế phong thủy này, chắc chắn không thể có kết cục tốt đẹp. Họ cho rằng, đây chính là một trong những lý do mà trong suốt hơn 60 năm qua, 11 vị Tổng thống của Hàn Quốc không có ai về hưu mà không dính líu những vụ scandal ầm ĩ hay có kết cục không mấy tốt đẹp như bị ám sát hoặc tự sát.
Thứ hai là sự ngăn cản của cung điện các Hoàng đế đời trước. Phía chính diện Nhà Xanh chính là Gyeongbuk Gung, cửa chính của Nhà Xanh nằm đối diện với cửa sau của Gyeongbuk Gung và được nối với nhau bằng một con đường nhỏ và dài.
Trong phong thủy đây gọi là thế “Thiên trảm sát”, một địa thế cực kỳ xấu và nguy hại. Gyeongbuk Gung chính là cung điện của các vị Hoàng đế thời cổ đại, xây dựng từ năm 1395 nay lại nằm chắn ngay trước mặt của Nhà Xanh, gây nên sự cản trở đối với địa thế phong thủy của Phủ Tổng thống.
Đây cũng chính là lý do khiến các đời Tổng thống của Hàn Quốc dù cố gắng và nỗ lực đến mấy cũng rất khó có thể phát triển như ý muốn; ngược lại, trong suốt thời kỳ cầm quyền luôn gặp phải sự cản trở, bất như ý.
Thứ ba là đỉnh Bạch Hổ quá lộ. Ngọn Nhân Vương Sơn nằm ở phía tây ứng với thế Bạch Hổ vốn là biểu tượng của quyền lực. Tuy nhiên, đỉnh núi của ngọn Nhân Vương lại hoàn toàn lộ thiên, trong phong thủy điều này là cực kỳ không có lợi…
Thứ tư, địa thế của Nhà Xanh là “Tam diện hoàn sơn nhất diện thủy” (ba bề là núi, một phía là sông), người Trung Quốc coi đó là phong thủy cực đẹp cho việc…đặt mộ, có thể thấy ở các ngôi mộ đời Hán có rất nhiều ở vùng Từ Châu.
Thứ năm, màu ngói bất lợi. Một vấn đề khác cũng được các nhà phong thủy chê bai là màu ngói của Nhà Xanh. Một chuyên gia phong thủy Trung Quốc cho rằng: màu ngói của hoàng cung các nước đều màu đỏ và vàng, không hiểu tại sao khi xây dựng Nhà Xanh người ta lại lợp ngói xanh, màu ngói thường chỉ dùng cho lăng mộ.
Thứ sáu chính là rất nhiều sông, núi, đường đều hình thành thế nhắm chĩa thẳng về phía Dinh Tổng thống. Điều này có thể thấy rất rõ qua những bức ảnh về địa thế xung quanh tòa Nhà Xanh được chụp từ trên cao. Trong xây dựng phong thủy, đó là một địa thế cực kỳ nguy hiểm, hậu họa khôn lường.
Để tránh địa thế phong thủy bất lợi này, khi lựa chọn một nơi để xây dựng, những người am hiểu phong thủy bao giờ cũng xem kỹ những chiếc cầu, đường lớn, sông ngòi có chảy thẳng về phía địa điểm lựa chọn để xây dựng hay không. Cầu càng lớn, đường càng to, dòng nước càng nhiều thì sự nguy hiểm mà chúng mang đến cho địa thế đó càng lớn.
Nơi có phong thủy tốt chính là những nơi có dòng sông chạy vòng uốn lượn xung quanh. Điều đáng tiếc là Nhà Xanh lại hội tụ đầy đủ tất cả những địa thế xấu nhất này khi hầu hết những ngọn núi, dòng sông cho đến các con đường xuất hiện ở khu vực gần Dinh Tổng thống đều giống như những mũi tên chĩa thẳng về phía Nhà Xanh. Đây cũng là một lý do nữa khiến 11 vị Tổng thống từng nắm quyền của Hàn Quốc không có vị nào có được một cái kết hoàn mỹ.
Trên thực tế, có lẽ người Hàn Quốc cũng biết rằng Nhà Xanh có một địa thế phong thủy cực kỳ hung hiểm. Đây chắc hẳn là cũng là lý do mà chính cố Tổng thống Roh Moo-hyun đã lên kế hoạch di dời thủ đô của Hàn Quốc từ Seoul về Sejong.
Kế hoạch của Roh Moo-hyun đã gặp phải rất nhiều sự phản đối trong dân chúng và ngay cả người kế nhiệm ông – Tổng thống Lee Myung-bak. Những nhà cầm quyền mà đứng đầu là vị đương kim Tổng thống họ Lee không đồng ý với kế hoạch của người tiền nhiệm.
Thậm chí họ còn soạn thảo một bản kế hoạch với tên gọi “Kế hoạch chống dời đô” để đưa ra thông qua ở Quốc hội nước này. Tuy nhiên, trong cuộc bỏ phiếu ngày 29/6/2010, với sự đồng thuận của đa số phiếu trong Quốc hội, kế hoạch “dời đô” của cố Tổng thống Roh Moo-hyun đã được thông qua. Tới năm 2014, chính phủ Hàn Quốc đã cụ thể hóa kế hoạch dời thủ đô về Sejong, cách Seoul 160km về phía Nam.
Tuy nhiên, theo kế hoạch này, việc di dời sẽ hoàn tất vào năm 2030, nhưng Quốc hội và 15 bộ trong đó có Nhà Xanh, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao sẽ vẫn ở lại Seoul. Có lẽ chính vì thế, những tiếng nói đòi di dời Phủ Tổng thống vẫn tiếp tục gia tăng…
PV (tổng hợp)