Chiến tranh thương mại chiếm thực sự chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong nguyên nhân khiến nền kinh tế Trung Quốc trở nên ngưng trệ đang là vấn đề gây tranh cãi.
Tranh cãi quanh tác nhân khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc liên tục
Sau khi Trung Quốc công bố số liệu cho thấy kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8 tăng trưởng âm (tính theo đơn vị đồng USD), các nhà phân tích tiếp tục tranh luận về việc chiến tranh thương mại chiếm bao nhiêu tỉ lệ trong nguyên nhân, và bao nhiêu là do những tồn tại cố hữu trong nền kinh tế Trung Quốc.
Tăng trưởng sản xuất công nghiệp – thước đo quan trọng về quy mô sản xuất – giảm xuống mức 4.4% trong tháng 8, mức thấp nhất 17 năm qua. Tăng trưởng bán lẻ ở mức 7.5%, đầu tư tài sản cố định tăng trưởng hạ xuống mức 5.5% trong 8 tháng đầu năm (so với 5.7% theo số liệu 7 tháng đầu năm), bất chấp nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư hạ tầng của chính quyền các địa phương.
Trong khi chiến tranh thương mại với Mỹ được đổ lỗi phổ biến là nhân tố tác động tiêu cực làm nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhiều nhà quan sát chỉ ra những thách thức đã tồn tại từ trước tháng 7/2018 – khi Mỹ áp loạt thuế quan đầu tiên vào hàng hóa Trung Quốc. Các thách thức này bao gồm một chiến dịch khởi động hai năm trước nhằm giảm nợ và các khoản vay rủi ro.
Nhà kinh tế cấp cao của Commerzbank Zhou Hao cho rằng dù những số liệu mới công bố của Cục thống kê nhà nước Trung Quốc xấu hơn kỳ vọng, điều này có thể không bất ngờ với các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh – những người đã đưa vấn đề tăng trưởng giảm tốc vào chiến lược kinh tế của đất nước.
“Các chỉ số kinh tế sẽ không tốt ngay cả khi không có thương chiến. Việc [tăng trưởng] giảm tốc đã được lên kế hoạch từ trước,” ông Hao nói. “Thay vào đó, các nhà hoạch định đang tận dụng cơ hội này để xúc tiến những chương trình cải cách bị trì hoãn từ lâu, như việc tự do hóa lãi suất.”
Quan điểm khác cho rằng tác động vật lý của thuế quan Mỹ lên kinh tế Trung Quốc là thực chất và còn nhiều ảnh hưởng xấu sẽ xảy ra, đặc biệt sau khi hai nước leo thang các đòn “ăn miếng trả miếng” trong tháng qua.
Nghiên cứu của Oxford Economics dự đoán loạt thuế quan do Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9 vừa qua sẽ làm giảm tốc tăng trưởng năm 2019 của nền kinh tế số hai thế giới khoảng 0.2% và thêm 0.3% vào năm sau. Theo đó, thương chiến sẽ đánh tụt chỉ số tăng trưởng của Trung Quốc năm 2020 xuống khoảng 5.7%, thấp hơn nhiều so với mốc 6% mà chính phủ Trung Quốc có thể đề ra cho năm này.
Giải pháp nào cho Bắc Kinh?
Louis Kuijs, trưởng bộ phận kinh tế châu Á của Oxford Economics, nhận định triển vọng kinh tế Trung Quốc trong tương lai gần vẫn còn nhiều thách thức giữa mỗi trường bên ngoài khắc nghiệt hơn và nhu cầu trong nước còn yếu.
“Cốt lõi của rủi ro tiêu cực là nhà chức trách không đẩy mạnh đầy đủ việc hỗ trợ chính sách,” ông Kuijs cảnh báo.
Giải pháp kích cầu của Bắc Kinh mạnh mẽ đến đâu còn tùy thuộc vào mức độ ngưng trệ của nền kinh tế. Những lời kêu gọi vận động chính phủ nới lỏng chính sách, bao gồm các khoản chi ngân sách và cắt giảm lãi suất mạnh hơn, sau khi Bắc Kinh hứa hỗ trợ mạnh hơn cho nền kinh tế.
Nếu xu hướng tăng trưởng giảm tốc không cải thiện, các nhà phân tích của nhà băng Nhật Bản Nomura dự kiến Bắc Kinh sẽ bị buộc phải hành động quyết đoán hơn.
“Trong kịch bản xấu của chúng tôi, Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh các biện pháp kích thích kinh tế. Họ có thể đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất đáng kể, nới lỏng các biện pháp quản lý thị trường bất động sản, gia tăng thâm hụt tài chính, tăng đầu tư vào hạ tầng, giảm thuế tiêu thụ ô tô và cấp tín dụng lãi thấp cũng như trợ cấp doanh nghiệp mua tư liệu sản xuất,” các chuyên viên của Nomura đánh giá.
Thông điệp mờ mịt của thủ tướng Trung Quốc
Thủ tướng Lý Khắc Cường dường như đã “dội nước lạnh” vào những kêu gọi chính phủ can thiệp mạnh mẽ hơn để vực dậy nền kinh tế.
“Sẽ không dễ để duy trì tăng trưởng trên 6% giữa bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp,…” ông Lý nói trong cuộc phỏng vấn với hãng TASS (Nga), đăng tải hôm 15/9.
Cho đến nay, Quốc vụ viện Trung Quốc đã chuyển hạn ngạch phát hành trái phiếu năm 2020 của một số địa phương sang năm nay nhằm tăng cường tài chính cho các dự án hạ tầng. Trong khi đó, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc thông báo cắt giảm số tiền mà các nhà băng được yêu cầu duy trì tại ngân hàng trung ương, nhằm mở rộng khả năng cho vay của các ngân hàng.
“Không như những lần bơm [tiền] quy mô lớn trước đây, Bắc Kinh thích nới lỏng từng bước và đang nhấn mạnh hỗ trợ cho nền kinh tế hàng hóa-dịch vụ, đặc biệt là đối với các nhà sản xuất,” Zhou Hao bình luận, đề cập gói kích thích kinh tế khổng lồ mà Bắc Kinh tung ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
theo Trí Thức Trẻ