Trước câu hỏi khá đau đầu: Cho con học trường công, trường tư hay quốc tế, nam diễn viên nổi tiếng lựa chọn phương án ‘dễ thở’ nhất. Nguyên nhân không phải vì tiền.
Các trường quốc tế ở các cấp bậc tiểu học, trung học… đang là xu hướng lựa chọn của một bộ phận phụ huynh tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM vì quan niệm “trường quốc tế sẽ tốt hơn trường công lập”. Cũng bởi vậy, nhiều gia đình dù có điều kiện eo hẹp vẫn cố gắng thắt chặt chi tiêu, dè sẻn cho con một môi trường quốc tế với mức học phí ngất ngưỡng.
Bên cạnh đó, vẫn có những phụ huynh dù điều kiện dư dả vẫn quyết định cho con học trường bình thường. Hồng Đăng – nam diễn viên được người hâm mộ gán cho biệt danh “soái ca màn ảnh Việt”, ghi dấu ấn qua hàng loạt vai diễn trong các bộ phim thu hút như: “Cầu vồng tình yêu”, “Hoa hồng trên ngực trái”; “Hướng dương ngược nắng”; “Người phán xử”… là một trong số đó.
Dư sức cho con học trường khủng nhưng vẫn chọn… trường làng
Hồng Đăng lấy vợ khá sớm, hiện tại có hai cô con gái tên thân mật là Nhím và Kẹo. Ngoài sống trong căn nhà phố 2 mặt tiền rộng rãi, toàn nội thất hạng sang, gia đình Hồng Đăng còn sở hữu nhà vườn rộng 1300m2 tại Vĩnh Phúc. Cùng với bộ sưu tập xe môtô phân khối lớn, anh cũng có xế hộp, hàng hiệu đẳng cấp.
Tuy kinh tế dư dả là vậy nhưng khi chọn trường học cho con, nam diễn viên từng gây bất ngờ khi chia sẻ, anh cho con học trường “làng” chứ không phải một ngôi trường tư song ngữ chất lượng cao hay trường quốc tế.
Bà xã Hồng Đăng từng chia sẻ vì muốn con thích nghi với cuộc sống “bình dân” và phát triển một cách tự nhiên: “Thực ra tôi không muốn con mình bị ‘chảnh’. Tôi muốn Nhím được cọ xát với môi trường có bạn này, bạn kia. Học giống các bạn, ăn giống các bạn”.
Còn Hồng Đăng từng cho biết trong một bài phỏng vấn: “Con tôi trước giờ vẫn học trường làng, từ mẫu giáo làng lên tiểu học làng. Vợ chồng tôi không đặt nặng quan điểm trường công hay trường tư khi con vẫn còn nhỏ.
Con cần được đi học ở gần nhà để việc đi lại thuận tiện, an toàn, đảm bảo sức khỏe. Gia đình tôi do tính chất công việc, cả hai vợ chồng đều đi sớm về khuya. Nếu con học quá xa nhà thì việc đưa đón rất bất tiện. Nhất là giao thông hiện nay vô cùng phức tạp. Mà những trường được xem là tốt, đáng học… thì đều ở xa nhà tôi”.
Nam diễn viên cũng cho rằng, trường công hay trường tư cũng không có sự khác biệt nhau lắm về chất lượng giáo dục. Có rất nhiều trường công tốt và cả những trường tư không tốt. Ngay cả ở một trường công bình thường như trường làng thì cũng có những cô giáo dạy rất tốt và những học sinh học rất giỏi. Vì vậy theo Hồng Đăng, tư hay công không quan trọng.
“Vợ chồng tôi ngay từ đầu đều có quan điểm thống nhất về việc học của con. Chúng tôi cho rằng học cấp 1 thì chỉ cần nhẹ nhàng thôi. Áp lực của con nhiều khi không phải đến từ nhà trường mà chính từ bố mẹ. Con có nhiều bài tập thì mình hoàn toàn có thể hỗ trợ con. Bài nào con không làm được, mình cũng không làm được thì để lại, hôm sau lên lớp hỏi cô, chứ chẳng ai bắt con mình phải làm hết 100% bài tập cô giao. Vợ chồng mình sẽ để con có một tuổi thơ đúng nghĩa, không gây áp lực học tập cho con, cũng không tự đặt ra những kì vọng về thành tích học tập của con”.
Anh cho rằng, vợ chồng mình chỉ muốn con được lớn lên bình thường trong một môi trường như tất cả các đứa trẻ khác. Xã hội đương nhiên có nhiều vấn đề, nhiều điều không tốt, nhưng con tôi cần được va vấp, được trải nghiệm để hiểu biết hơn, từ đó tự hình thành bộ lọc cho mình, biết cái gì là xấu để tránh ra và học cách vui vẻ chấp nhận.
Vợ chồng Hồng Đăng không định hướng con theo đuổi con đường nghệ thuật giống bố mà để bé tự phát triển theo ý thích. Dù vậy, cả hai vẫn cho con học đàn, học vẽ từ nhỏ để nuôi dưỡng tâm hồn.
Theo Hiểu Đan–Nhịp sống Việt