Ngành này đang “khát” nhân lực, cơ hội việc làm cao, lương ngất ngưởng.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong giai đoạn 2015-2035, Việt Nam nằm trong top 4 thị trường có tốc độ tăng trưởng lượng khách di chuyển bằng đường hàng không cao nhất thế giới. Điều này mở ra nhiều cơ hội việc làm. Tuy nhiên, nguồn cung nhân lực cho ngành hàng không Việt Nam hiện chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho biết đơn vị này cần tuyển bổ sung 100 kỹ sư mỗi năm cho công ty bảo dưỡng máy bay. Khi cơ sở bảo dưỡng ở Long Thành đi vào hoạt động, số kỹ sư cần tuyển có thể gấp đôi hay gấp ba. Toàn thị trường Đông Nam Á trong 20 năm tới cần bổ sung khoảng 60.000 nhân viên kỹ thuật bởi số lượng máy bay sẽ tăng trưởng gần như gấp đôi.
Trong hoàn cảnh đó, ngành Kỹ thuật hàng không đã “hot” nay càng nhiều triển vọng hơn. Mức lương cao, chế độ tốt nhưng cung vẫn không đủ cầu.
Kỹ thuật hàng không (Aerospace Engineering) là ngành khoa học kỹ thuật chuyên nghiên cứu, phát triển và đảm bảo các yếu tố kỹ thuật trực tiếp cho máy bay và các phương tiện bay như sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết kế, vận hành các thiết bị hàng không và khai thác tính năng máy bay…
Sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật hàng không có thể đảm nhận nhiều vị trí tại các hãng hàng không; các sân bay nội địa và quốc tế; các công ty khác hoạt động trong lĩnh vực quản lý, khai thác, bảo dưỡng tàu bay; các công ty nghiên cứu thiết kế chế tạo.
Ngoài ra, sinh viên có thể trở thành cán bộ, nghiên cứu viên, giảng viên tại các trung tâm, viện, trường đại học, cao đẳng trong lĩnh vực Kỹ thuật hàng không và các ngành có chuyên môn gần. Sinh viên còn có cơ hội nhận được học bổng sau đại học từ nhiều trường danh tiếng thế giới.
Mức lương cao nhưng áp lực cũng lớn
Tại hội thảo về đào tạo và nhu cầu nhân lực ngành Kỹ thuật Hàng không trước đó, các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho biết ngành Kỹ thuật Hàng không có mức lương khá cao (từ 20 – 50 triệu đồng). Với người có chứng nhận B1/B2 và có thể ký xác nhận sau khi hoàn thành công việc bảo dưỡng, mức lương lên đến 50 triệu đồng, thậm chí cao hơn.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng công bố 100% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp một năm với lương phổ biến 10-15 triệu đồng/tháng.
Phó Giáo sư ở một trường Đại học cũng nhận định, với các bạn đang làm việc tại nước ngoài, mức lương có thể lên tới 2000 Euros/tháng (gần 52 triệu đồng) chỉ riêng trong quá trình thực tập.
Lương cao nhưng áp lực lớn cũng khiến ngành Kỹ thuật hàng không chưa thu hút. Để trở thành một kỹ sư ngành hàng không, bạn phải trải qua một quá trình tuyển dụng vô cùng khắc khe. Bảo dưỡng máy bay là lao động đặc thù, làm việc trong môi trường kỷ luật cao với những yêu cầu, đòi hỏi khắt khe về kiến thức, sức khỏe.
Dòng chảy của khoa học – kỹ thuật sẽ luôn không ngừng đổi mới. Thế nên, để có thể cạnh tranh và phát triển theo xu thế chung, kỹ sư ngành hàng không buộc phải tự tìm tòi, nghiên cứu, cập nhật kiến thức… nếu không muốn bị tụt hậu vào đào thải. Ngành này cũng khó thu hút thí sinh do là ngành hẹp, ít lựa chọn nghề nghiệp khi ra trường. Tuy nhiên, những sinh viên có đam mê, kiên trì theo đuổi sẽ có cơ hội nghề nghiệp lớn với mức lương hấp dẫn.
Ngoài ra, Kỹ thuật hàng không là ngành đặc thù và hẹp, phải đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn của Cục Hàng không Việt Nam; cần máy móc, thiết bị thực hành hiện đại nên không nhiều trường đại học mở ngành này.
Hiện, để giải quyết bài toán thiếu nhân sự, một số trường đại học đã mở ngành đào tạo Kỹ thuật hàng không như Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Đại học Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TP HCM, Học viện Hàng không Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ tiêu đào tạo của mỗi trường không nhiều, chỉ từ 40 đến 150 sinh viên một khóa. Trường Đại học Văn Lang cũng bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên (không tính các trường quân sự).
Theo Hiểu Đan-Theo Phụ nữ số