Giống như CEO, CFO hay CPO, CMO là một dạng thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trong các doanh nghiệp. Song, không phải ai cũng hiểu CMO là gì?
Khi thị trường kinh doanh ngày càng khốc liệt thì bộ phận marketing càng đóng vai vô cùng quan trọng. Họ là những người xây dựng nên thương hiệu, chiến lược trên thương trường và ghi dấu ấn trong lòng khách hàng. Từ đó, thuật ngữ CMO cũng ngày càng phổ biến hơn.
CMO là gì?
CMO là tên viết tắt của Chief Marketing Officer, có nghĩa là Giám đốc marketing. Đây là chức vụ quản lý cao cấp, là cầu nối giữa bộ phận marketing với các phòng, ban khác như tài chính, công nghệ thông tin, sản xuất…
CMO có trách nhiệm nghiên cứu thị trường kinh doanh thương mại, truyền thông sản phẩm, chăm sóc khách hàng, phát triển các kênh phân phối…Và sau cùng là báo cáo trực tiếp kết quả đến Tổng giám đốc- CEO.
Nhiệm vụ của CMO là gì?
Giám đốc marketing là một chức danh lớn nên nhiệm vụ trong công việc cũng không hề nhẹ gánh:
– Xây dựng chiến lược, các kế hoạch và giải pháp marketing phù hợp cho doanh nghiệp
– Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp
– Tham mưu cho bộ phận truyền thông
– Kết nối và xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng, KOL, các đơn vị doanh nghiệp khác, đơn vị cung cấp dịch vụ PR-marketing cho doanh nghiệp
– Đào tạo, hỗ trợ phát triển và quản lý nhân viên
Kỹ năng để trở thành CMO chuyên nghiệp
CMO là một chức vụ quan trọng, mang tính quyết định đến hiệu quả kinh doanh và phát triển của một doanh nghiệp. Do đó, để trở thành một CMO chuyên nghiệp là điều không hề đơn giản.
– Khả năng phân tích, đọc các số liệu, nhận định và đánh giá các thông tin nhằm đưa ra chiến lược marketing hiệu quả.
– Đầu óc nhạy bén, sáng tạo, đưa ra được ý tưởng mới lạ
– Có kỹ năng chỉ đạo, xây dựng môi trường làm việc nhóm thân thiện- kỷ cương- phát triển. Thấu hiểu các nhân viên, thúc đẩy được từng cá nhân thể hiện điểm mạnh của mình.
– CMO cần giao tiếp tốt để có thể làm việc được với đối tác, các KOL, các phòng ban trong công ty. Đồng thời, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với báo chí, truyền thông,…
– Sử dụng nhạy bén các công cụ tiếp thị sản phẩm, hiểu được khách hàng, phân tích insight, nhu cầu cơ bản của người tiêu dùng để có chiến lược tiếp cận hiệu quả.
– Về bằng cấp: Thông thường, CMO sẽ được yêu cầu có bằng cấp cao về kinh doanh hoặc tiếp thị như MBA. Bên cạnh đó, hầu hết các CMO có khoảng 10 năm kinh nghiệm về tiếp thị hoặc phát triển kinh doanh toàn diện và 3-5 năm kinh nghiệm trong vai trò lãnh đạo.
Mức lương và cơ hội thăng tiến của CMO
CMO góp phần mang đến doanh thu và thành công của mỗi doanh nghiệp nên chắc chắn mức lương cho vị trí này là không hề nhỏ. Theo một thống kê thì mức lương của CMO thấp nhất là 10 triệu đồng/tháng và cao nhất là 120 triệu đồng/tháng tùy theo quy mô doanh nghiệp.
Có thể thấy, mức lương của một CMO tại Việt Nam là khá hấp dẫn. Do đó, nếu bạn có đam mê với marketing thì có thể bắt đầu với vị trí thực tập và sau đó trở thành nhân viên chính thức marketing Executive. Theo thời gian cùng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, bạn có thể tiến tới vị trí leader một team marketing, trưởng phòng marketing và cuối cùng là CMO.
Nguyễn Phượng–Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị