Hải sâm được ưa chuộng vì là thực phẩm bổ dưỡng, có khả năng giúp bồi bổ sức khỏe và chế biến thành nhiều món ăn độc đáo.
Hải sâm được ưa chuộng vì là thực phẩm bổ dưỡng, có khả năng giúp bồi bổ sức khỏe và chế biến thành nhiều món ăn độc đáo.
“Cơn khát” tại Trung Quốc
Mặc bộ quần áo bảo hộ lao động màu xanh và đi ủng cao su màu trắng, người đàn ông tên Cong Xuanzhi đứng bên ngoài trại nuôi có 54 bể chứa đầy hải sâm, sặc mùi biển. Bằng kinh nghiệm của mình, ông dùng nhiều cách nói ví von để mô tả hải sâm – những sinh vật có họ với sao biển và nhím biển – và lí giải tại sao chúng thường xuất hiện trên bàn ăn của người Trung Quốc ngày nay.
Theo New York Times, sự bứt phá mạnh mẽ về kinh tế của Trung Quốc đã giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo và cũng khơi dậy nhu cầu “khủng” đối với các món đặc sản hiếm gặp như hải sâm.
Ở Trung Quốc, trong nhiều thế kỷ lịch sử, hải sâm đã được đánh giá cao về giá trị dinh dưỡng và và hương vị của chúng. Chúng được cho là có các chất dinh dưỡng giúp chữa bệnh, điều trị các bệnh từ viêm khớp đến sinh lý.
Tuy nhiên, ở trong môi trường hoang dã, chúng đã trở thành của hiếm, ngay cả trên đảo Guanglu, ngoài bán đảo Liaodong, nơi nổi tiếng với hải sâm. Trong một vài thập kỷ qua, nhu cầu tăng mạnh đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ tự nhiên của các loài hải sâm địa phương.
Vì vậy, các nhà chức trách đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Một số động vật được nuôi trong điều kiện ít di chuyển trong các lưới gần bờ biển, trong khi những loài khác được nuôi giữa biển, trong môi trường gần giống với môi trường sống tự nhiên của chúng.
Bao Pengyun, một nhà sinh học biển đang công tác tại Đại học Hải dương Đại Liên, Trung Quốc, cho biết hải sâm đã trở thành hải sản nuôi trồng có giá trị nhất ở Trung Quốc, với tổng trị giá lên tới hơn 8 tỷ USD mỗi năm.
Hải sâm cũng tốt cho môi trường bởi sinh vật này giúp vệ sinh đá và cát nơi chúng sống, làm sạch nước xung quanh. Việc khai thác hải sâm quá đà sẽ làm tổn hại môi trường xung quanh.
Hải sâm được nhiều người dân “tôn thờ” ở Đại Liên. Nhiều nhà hàng, chợ có tượng hải sâm. Có một khu nghỉ mát theo chủ đề hải sâm, bao gồm các khách sạn, bảo tàng và linh vật hoạt hình.
Một trong những nhà hàng hải sản nổi tiếng nhất ở Đại Liên, Wanbao Seafood Fang, đã liên tục phát video về hải sâm, bao gồm một clip phụ đề từ Fox News thảo luận về cách sinh vật này thậm chí có thể là “phương thuốc thần kỳ” cho bệnh ung thư.
Bài thông tin ẩm thực Trung Quốc trên trang đánh giá Michelin đã từng viết về hải sâm: “Một cuốn sách từ thời nhà Minh cho rằng sinh vật này có hình dạng tương đồng với bộ phận sinh dục nam. Điều này là một trong những lí do khiến hải sâm trở thành nguyên liệu phổ biến vào thời điểm đó, do người Trung Quốc tin rằng ăn thứ gì có hình dáng giống bộ phận cơ thể sẽ giúp bổ thứ nấy.”
Người nuôi hải sâm cho hay hải sâm tự nhiên có gai to hơn và trắng hơn. Những con từ vùng nước lạnh hơn phát triển chậm hơn, thường là ba năm thay vì một năm, điều này khiến chúng được cho là bổ dưỡng hơn.
Ngoài ra, những con hải sâm tự nhiên – dù tươi, chế biến một phần hay sấy khô – đều có giá gấp hai đến ba lần loài được nuôi. Trong mùa thu hoạch cao điểm, khi mùa thu chuyển sang mùa đông, những người thợ lặn lao xuống vùng nước có nhiệt độ khoảng dưới 10 độ C, chỉ ngoi lên trong thời gian ngắn để dỡ lưới của họ. Họ được trả theo trọng lượng hải sâm và có thể kiếm được số tiền tương đương vài trăm USD mỗi ngày.
Các thùng hải sâm có mảnh giấy ghi tên thợ lặn. Thợ lặn sẽ được trả tiền theo số hải sâm đánh bắt được. Mỗi ngày họ có thể kiếm được vài trăm USD.
Tiềm năng hải sâm Việt Nam
Theo báo Nông nghiệp, hiện tại Việt Nam là nước dẫn đầu thế giới về công nghệ sản xuất giống hải sâm và có rất nhiều tiềm năng để xây dựng “thủ phủ” hải sâm cát đầu tiên trên thế giới.
Được biết, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để biến điều này thành hiện thực. Các khảo nghiệm cho thấy vùng biển Nam Trung Bộ có nhiệt độ ổn định, nhiều đầm, vịnh nên hải sâm nuôi nhanh lớn hơn các khu vực khác.
Ngoài ra, các vùng miền Trung có độ mặn ổn định, kín gió, nhiệt độ không chênh lệch lớn sẽ giúp việc nuôi hải sâm dễ dàng hơn bởi rủi ro dịch bệnh thấp, thân thiện với môi trường, chưa kể vốn đầu tư thấp nhưng tỷ suất lợi nhuận cao. Đặc biệt, Giám đốc Công ty Cổ phần Hải sâm Việt Nam cho hay công ty đã xây dựng xong nhà máy chế biến hải sâm hiện đại nhất Đông Nam Á vào tháng 7/2022, công suất 900 tấn thương phẩm/năm.
Sản phẩm thu hoạch và chế biến tại Việt Nam có thể cạnh tranh với chất lượng sản phẩm dòng cao cấp của Trung Quốc và hoàn toàn có thể thu nguồn lợi lớn từ thị trường này. Bên cạnh đó, Singapore cũng là thị trường tiêu thụ mạnh hải sâm với giá cao.
Đây đều là những tiềm năng lớn cho bà con nông dân Việt Nam để tăng nguồn thu nhập từ các sản vật biển.
Theo Tất Đạt–Thể thao & văn hóa