Đáng nói, ông Vũ Minh Trí cho biết việc phiêu lưu qua nhiều doanh nghiệp đều nằm trong kế hoạch kế nghiệp định sẵn cho mười mấy năm của mình.
Nhắc đến doanh nhân Vũ Minh Trí là nhắc đến một trong những “chiến tướng” công nghệ hay “người làm thuê số 1” Việt Nam. Trong giai đoạn đầu sự nghiệp làm CEO, ngoài Sony Ericsson, ông chủ yếu là đại diện cho các công ty công nghệ toàn cầu tại Việt Nam, như Yahoo!, Qualcomm và Microsoft, trước khi đầu quân cho Nguyễn Hoàng rồi VNG.
Vào tháng 7/2012, ông Vũ Minh Trí đã khiến cả giới doanh nhân và công nghệ Việt Nam cảm thấy tự hào khi được chọn vào vị trí Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam. Thời ấy, rất hiếm người Việt được các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới chọn làm đại diện cho họ tại thị trường Việt Nam.
Vị doanh nhân sinh năm 1974 thậm chí còn được coi là “bảo chứng” xây dựng đội ngũ, đưa nhiều công ty vượt qua khủng hoảng. Ông là người thuyết phục thành công Microsoft đầu tư lớn vào thị trường Việt Nam, rồi đưa công ty tăng trưởng 2 con số qua mỗi năm.
Điều đáng nói, ở tất cả công ty ông từng làm, tất cả vị trí từng kinh qua, ông Trí chưa từng phải trả lời phỏng vấn tuyển dụng một lần nào. Tại chương trình “CafeTalk số 07: Kết nối kiểu Local” do CafeBiz thực hiện, CEO Asim đã chia sẻ lý do đằng sau hiện tượng “lạ” này.
“Có người họ bước vào buổi phỏng vấn thì sẽ qua từng vòng, ở trong tư thế trả lời những câu hỏi của bên tuyển dụng đặt ra. Còn đối với tôi, ở một vị trí cao cấp, chắc chắn mình bước vào là lúc họ đang gặp khó khăn, cần người đứng đầu để đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển. Chứ tôi nghĩ ít có doanh nghiệp nào đang hoạt động tốt mà đổi người “thuyền trưởng” lắm.
Với tâm thế như vậy, tôi sẽ bước vào buổi nói chuyện với mục tiêu thảo luận về kế hoạch kinh doanh nhiều hơn. Để biết doanh nghiệp đó đang gặp khó khăn như nào, mình sẽ có định hướng nào để giúp họ vượt qua. Mình là người bước vào để tư vấn, cố vấn cho doanh nghiệp đó vượt qua khó khăn, phát triển”, ông Trí chia sẻ.
Nói thêm về hành trình phiêu lưu qua nhiều doanh nghiệp, ông Trí tiết lộ mọi thứ đều rất structure (những điều hoạch định sẵn) với kế hoạch đằng sau rất rõ ràng.
“Đối với nghề nghiệp, tôi đọc cuốn sách Career Anchors (cái neo nghề nghiệp). Từ đó tôi mới hiểu mình sinh ra phù hợp với công việc General Manager (quản lý tổng hợp), những vị trí phù hợp như Giám đốc điều hành hay Tổng giám đốc… Để làm việc ấy, mình phải học rất nhiều thứ liên quan tới bán hàng, nhân sự, marketing, tài chính…
Tôi lên một kế hoạch nghề nghiệp trong mười mấy năm đầu tiên, làm sao để mình có thể lên càng nhiều càng tốt ở những vị trí khác nhau. Ví dụ tôi bắt đầu là 1 kỹ sư, sau đó anh mới hiểu mình không hợp, mình hợp để làm General Management.
Rồi lúc tôi làm marketing, branding. Sau một thời gian, tôi nghĩ mình học đc cái này rồi, sau đó người ta sẽ có lựa chọn: làm ở một công ty khác hoặc tiếp tục làm marketing ở vị trí cao hơn. Tôi có nhiều lời mời ở thời điểm đó nhưng lựa chọn làm BD (business development).
Trong mười mấy năm, tôi trải qua những vị trí marketing, sales, organisation dev, finance, để đến 2006 tôi sẵn sàng với chức CEO đầu tiên với Sony Ericson. Đó là một ví dụ để thấy tôi lên kế hoạch và thực hiện kế hoạch khá tốt trong nghề nghiệp của mình”.
Theo Doanh nghiệp và tiếp thị