Trong lúc nằm viện, người phụ nữ này được sếp mình giúp đỡ tận tình. Sau 1 tháng đi làm, người này đột ngột nghỉ việc không rõ lý do.
Sếp hết lòng với nhân viên
Năm 1999, cô Vương (21 tuổi) từ quê hương Tứ Xuyên đến Nam Thông, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) để xin việc cùng với nhóm bạn 7 người. Cô được mọi người giới thiệu đến một nhà máy chế biến thực phẩm của bà Trần.
Sau khi hỏi han tình hình công việc trước đây, cả nhóm đều được nhận vào làm việc. Ngày đầu đi làm, cô Vương cho biết vô cùng ngạc nhiên vì nhà máy khá ít người, lại không có nhiều máy móc hỗ trợ. Khi đó, mọi người đã nhanh chóng có suy nghĩ nghỉ việc sau 1 tháng.
Sau khi rời nhà máy chế biến thực phẩm của bà Trần, nhóm người này đã chuyển đến Thượng Hải để tìm công việc mới. Tuy nhiên mọi thứ không như tưởng tượng. Quy mô của nhà máy lớn hơn. Nhưng sau một tuần làm việc, họ phát hiện điều kiện làm việc và mối quan hệ giữa các cá nhân rất khó để hòa đồng.
Lúc này, cô Vương nghĩ đến việc quay lại công ty bà Trần làm việc. Tuy nhiên, cô lo lắng chủ nhà máy sẽ không nhận. Song không thể tìm kiếm được công việc, người phụ nữ này buộc phải nhấc máy để liên hệ.
Điều không ngờ rằng sau khi ngỏ ý, bà Trần đồng ý để cô được quay trở lại. Sau khi trở lại nhà máy, cô Vương làm việc chăm chỉ hơn. Lần này, cô không còn bực tức những quy trình làm việc phức tạp mà thay vào đó tìm thấy nhiều cơ hội để rèn luyện và nâng cao hiệu quả công việc.
Làm việc tại đây, cô Vương cảm nhận được tình thương của bà Trần dành cho nhân viên. Mỗi khi tăng ca, bà thường mang thêm trà hay đồ ăn nhẹ cho mọi người. Chính điều này khiến không ai không thể phụ công sếp mà lười biếng.
Sau khi biết Vương từ nhỏ đã mồ côi bố mẹ, bà Trần còn thường xuyên mang cho cô một số món ăn do cha mẹ mình nấu. Mục đích của việc này là để giúp cô cảm nhận được hơi ấm của tình cảm gia đình.
Ngoài việc quan tâm nhân viên, bà Trần luôn ghi nhận sự cố gắng của mọi người để có chế độ tăng lương kịp thời. Nhờ thế, không chỉ cô Vương mà mọi người trong xưởng đều cố gắng hết mình cống hiến. Bởi vậy, công ty cũng ngày càng phát triển. Mối quan hệ giữa sếp và nhân viên ngày cũng trở nên thân thiết hơn.
Tuy nhiên vào tháng 2 năm 2000, cô Vương cảm thấy đột nhiên đau bụng dữ dội. Không thể chịu được, cô đã được bà Trần đưa vào bệnh viện. Sau khi tiến hành siêu âm, bác sĩ chẩn đoán cô có một khối u phải mổ gấp.
Khi cô Vương vẫn còn đang nghĩ lấy tiền đâu để chữa bệnh, bà Trần đã lo xong thủ tục nhập viện. May mắn ca mổ diễn ra thành công. Sau khi tỉnh dậy, cô Vương mừng muốn khóc khi nhìn thấy những món ăn bổ dưỡng được đặt ngay bên giường bệnh do chính tay người sếp của mình nấu. Sợ nhân viên của mình lo lắng về vấn đề tài chính, người sếp còn chủ động ứng lương 3 tháng cho cô. Số tiền lên đến 10.000 NDT (khoảng 33 triệu đồng).
Ngay khi bình phục, cô Vương trở lại nhà máy làm việc. Tuy nhiên sau chưa đầy 1 tháng, cô nghỉ làm không rõ lý do. Bà Trần có liên hệ và tìm đến nhà nhưng đều không thể kết nối.
17 năm sau lý do được tiết lộ
Trong suốt gần 17 năm từ năm 2000, bà Trần đi đến đâu cũng hỏi chuyện mọi người nhằm liên lạc được với người nhân viên cũ. Tuy nhiên, mọi chuyện đều không thể.
Cho đến mùa hè năm 2017, nhân viên đài truyền hình Trùng Khánh bất ngờ gọi điện cho bà Trần nói rằng có một người muốn gặp cô. Ban đầu bà bối rối không muốn đi, nhưng nghe nhân viên nhà đài thuyết phục sự việc 17 năm trước là “vật cản trong lòng cô Vương”. Nên bà đồng ý đến Trùng Khánh.
Tại chương trình “Cảm ơn vì đã đến”, cô Vương đã trải lòng với người sếp năm xưa lý do cô rời đi. Theo đó trong thời gian cô bị bệnh, công việc kinh doanh của nhà máy thuận lợi nên tuyển thêm nhân viên mới. Trong đó, một người đàn ông đã có gia đình nhưng lại tìm cách theo đuổi cô.
Vì không muốn ảnh hưởng đến đôi bên, cô đã chủ động tìm cách cắt đứt mối quan hệ này nhưng có lẽ không thể. Nghĩ đến việc nhờ bà chủ giải quyết việc này thì chắc chắn người đàn ông kia sẽ bị đuổi việc. Trong khi đó, anh là trụ cột chính trong gia đình, còn phải đi làm nuôi vợ con. Nếu khiến anh ta mất việc chắc chắn cả gia đình sẽ lao đao.
Trước tình huống khó xử này, cô Vương đã quyết định rời đi để tránh khó xử. Người phụ nữ này không muốn nói lời từ biệt với bà Trần bởi chắc chắn sếp sẽ thuyết phục cô ở lại hoặc tiết lộ lý do.
Dù cuộc sống hiện tại của cô Vương đã ổn định hơn nhưng sự việc năm nào vẫn là rào cản trong lòng khiến bản thân không dám gặp mặt bà chủ cũ, sợ ân nhân sẽ không tha thứ cho mình. Chỉ đến khi gặp lại người đồng nghiệp cũ trong nhà máy Lý Kiệt, cô mới dám dũng cảm đối diện với quá khứ.
Lý Kiệt kiên quyết giúp cô, liên lạc với những công nhân cũ ở nhà máy được bà Trần giúp đỡ để xác nhận câu chuyện, sau đó đến đài truyền hình tìm cách gặp được tổ sản xuất chương trình.
Kết quả là cuộc hội ngộ đầy nước mặt được lên sóng, gây sốt không chỉ bởi câu chuyện day dứt suốt 17 năm mà còn khiến nhiều người cảm phục vì một người sếp tốt hiếm có như bà Trần.
Theo Toutiao -Đinh Anh-Đời sống Pháp luật