Mọi người cảm thấy thú vị trước những chia sẻ của ông Hoàng Nam Tiến.
Ông Hoàng Nam Tiến là nguyên Chủ tịch FPT Software, FPT Telecom, Tập đoàn FPT. Hiện tại, ông đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT để tập trung vào các chương trình đào tạo sau đại học.
Ngoài ra, ông còn được biết đến với vai trò là một nhà quản trị, chuyên gia công nghệ, nhà giáo. Trên MXH, những câu chuyện đời thường, các bài học kinh nghiệm quý báu được ông Tiến chia sẻ đã nhận được nhiều sự quan tâm từ CĐM.
Gần đây, trên MXH Tiktok, ông Hoàng Nam Tiến đã đăng tải một video ngắn chia sẻ về câu chuyện về cuộc đời mình với nhiều thăng trầm.
Làm lớp trưởng trường chuyên nhưng lại thi trượt Đại học
Cụ thể, ông Hoàng Nam Tiến tâm sự vào năm 18 tuổi, dù là lớp trưởng lớp chuyên Toán tại trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, ông đã thi trượt Đại học. Tuy nhiên, vì việc trượt Đại học, ông Tiến lại có cơ hội lớn để hiện thực hóa ước mơ trở thành phi công.
Ông Hoàng Nam Tiến trải lòng: “Tôi cũng không hiểu sao mình lại thi trượt. Tôi vẫn nhớ ở lần thi trượt đầu tiên, tôi nói với cha rằng bản thân muốn trở thành phi công. Thực sự, hồi đó tôi có một tình yêu thực sự dành cho công việc này”.
Khi Thiếu tướng Hoàng Đan – cha của ông Hoàng Nam Tiến biết được dự định của con trai chỉ nói một câu đơn giản: “Con muốn trở thành phi công cũng được, nhưng phải thi đỗ Đại học. Ngã ở đâu, đứng lên ở đó” . Sau câu nói của cha, ông Tiến đã quyết định thi lại vào năm sau và trúng tuyển Đại học Bách Khoa Hà Nội, chuyên ngành Công nghệ thông tin với một số điểm khá cao.
Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT cho biết thêm: “Thực ra chúng ta rất khó học được điều gì từ sự thành công. Nhưng từ sự thất bại, chúng ta có thể học được rất nhiều điều. Thậm chí, chúng ta có thể tránh được sự thất bại ở những lần tiếp theo”.
Đối với ước mơ trở thành phi công còn đang dang dở, ông Hoàng Nam Tiến bày tỏ rằng mãi đến năm 38 tuổi, ông mới hiện thực hóa được mơ ước thuở niên thiếu.
Ông cho rằng: “Chúng ta phải đi mới biết được bản thân có thể đến đích hay không. Do đó, chúng ta hãy tắt điện thoại, bật dậy khỏi giường và bắt đầu hành động”.
Các tỷ phú trên thế giới có từng thi trượt Đại học không?
Con đường học vấn của tỷ phú Jack Ma (Mã Vân), 57 tuổi, là câu chuyện truyền cảm hứng về hành trình thất bại và vươn lên từ thất bại. Dù là người đồng sáng lập của Alibaba Group, một trong những doanh nghiệp thương mại điện tử lớn nhất thế giới và là người giàu thứ 30 thế giới nhưng tỷ phú Jack Ma từng thi trượt Đại học.
Từ nhỏ, Jack Ma đã yêu thích tiếng Anh. Khi 12 tuổi, gia đình mua cho ông chiếc đài bỏ túi. Kể từ đó, ngày nào ông cũng nghe đài tiếng Anh mà không thấy chán. Thời gian dần trôi cũng đến lúc Jack Ma thi vào Đại học, nhưng điểm môn Toán của ông trong kỳ thi tuyển sinh Đại học đầu tiên rất thấp, không trúng tuyển.
Dù vậy, ông không từ bỏ hy vọng và tham gia kỳ thi tuyển sinh Đại học lần thứ hai. Lần này, điểm Toán của ông là 19/100 điểm, nhưng vẫn chưa đủ để trúng tuyển. Khi đó, không nản chí, Jack Ma vẫn tiếp tục ôn thi. Thời điểm đó, ông còn tìm việc làm bán thời gian để có tiền trang trải cuộc sống.
Đến kỳ thi tuyển sinh Đại học lần thứ ba, Jack Ma mới đạt được 79 điểm môn Toán và đỗ chuyên ngành Ngoại ngữ thương mại của Học viện Sư phạm Hàng Châu. Vị tỷ phú này tốt nghiệp lấy bằng cử nhân chuyên ngành tiếng Anh vào năm 1988.
Hay như câu chuyện của tỷ phú Warren Buffett cũng truyền cảm hứng không kém. Warren Buffett là một trong những nhà đầu tư nổi tiếng nhất thế giới. Theo xếp loại của tạp chí Forbes, Warren Buffett là nhà tỷ phú giàu thứ 6 thế giới vào năm 2024.
Ít ai biết thành công của Warren Buffett bắt nguồn từ đam mê, cay đắng và cả việc trượt Đại học Kinh doanh, Đại học Harvard năm 19 tuổi. Ông từng nói về thất bại này: “Khi ấy tôi nghĩ đó là một sự kiện kinh khủng nhưng sau này nó lại biến thành chuyện may. Thất bại dạy bạn phải tiếp tục kiên cường bước tiếp”.
Như vậy có thể thấy, việc trượt Đại học không bao giờ là dấu chấm hết. Có rất nhiều tỷ phú, doanh nhân, người thành công từng thất bại trong việc học tập. Họ kiên trì, không nản chí, biến thất bại thành động lực để sớm gặt hái thành tựu.
Theo Ứng Hà Chi-Thanh niên Việt