Phó Chủ tịch Đại học FPT cho biết do ảnh hưởng của gia đình nên việc ông tìm ra đam mê, đặt mục tiêu ngay từ nhỏ và nghiêm túc thực hiện nó là điều vô cùng quan trọng.
Không chỉ được nhiều người yêu quý vì những bước đột phá mới lạ trong lĩnh vực kinh doanh, Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT – ông Hoàng Nam Tiến còn khiến nhiều người ủng hộ với những phát ngôn thú vị, thể hiện được các góc nhìn sâu sắc, đa dạng và vô cùng mới mẻ.
Mới đây, trong tập Podcast “Tạo đột phá từ những quyết định ngược lối” của chương trình Vietsuccess Growth, bên cạnh việc chia sẻ lý do vì sao bản thân lại rời FPT Telecom để làm Phó Chủ tịch Đại học FPT, “sếp Tiến” còn bày tỏ quan điểm về 5 cột mốc nên làm trong cuộc đời của mỗi người để vẫn cống hiến được sức mình cho tuổi trẻ mà không phải “ngồi yên một chỗ”.
“Trước năm 20 tuổi, chúng ta hãy làm bất kỳ cái gì mà chúng ta thích.
Đến năm 30 tuổi, hãy cố gắng đi làm và tìm kiếm được cho bản thân một người sếp thật tốt để dẫn lối cho mình.
Đến năm trước 40 tuổi, cố gắng kiếm được càng nhiều tiền càng tốt.
Trước 50 tuổi, bạn phải làm được một điều gì đấy cho cuộc đời này.
Trước 60 tuổi, hãy chia sẻ điều gì đó mà mình có được”, ông Hoàng Nam Tiến bộc bạch.
Sếp Tiến năm nay 54 tuổi, nên ông đang cố gắng thực hiện những gì mình muốn là được chia sẻ mọi điều tốt đẹp đến với mọi người.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Đại học FPT còn tiết lộ thêm rằng do ảnh hưởng của gia đình nên việc tìm ra đam mê, đặt mục tiêu ngay từ nhỏ và nghiêm túc thực hiện nó là điều vô cùng quan trọng.
Có thể nói, mục tiêu chính là thứ quyết định thành công trong cuộc sống. Việc đặt ra một mục tiêu tốt sẽ thúc đẩy bản thân tạo ra một kế hoạch tốt để đạt được nó. Ngược lại, nếu mục tiêu mơ hồ dễ dẫn người trẻ đi lạc lối, nhầm hướng và tạo ra những kết quả hời hợt.
Do vậy, đặt được một mục tiêu tốt cho hiện tại và tương lai là điều những người trẻ cần thực hiện ngay hôm nay.
“Một trong những điểm mạnh của tôi là chịu khó học và chấp nhận học ở mọi tầng lớp.
Ngay từ bé, do ảnh hưởng một phần từ phía gia đình, tôi đọc rất nhiều sách. Lớn lên ngoài việc đi làm ở FPT 30 năm, mỗi năm tôi lại phải đặt mục tiêu mình phải đi học thêm một thứ gì đó.
Tôi phải khoe rằng bản thân tôi đã học được ở rất nhiều trường có tiếng trên thế giới: Trường đại học tư thục INSEAD (Pháp) – Top 10 trường ĐH có chương trình MBA tốt nhất thế giới; Đại học Western Washington University (Mỹ); và hiện tại tôi đang theo học tại Nhật Bản và vẫn đang hoàn thành nốt chương trình, ngoài ra còn có một số khóa học ngắn hạn khác.
Tôi tự hào vì bản thân đã đọc sách một cách nghiêm túc, đọc nhiều sách. Tôi có một thói quen hay trò chuyện với các bạn trẻ ở công ty rằng tôi có một quyển sách 500 trang, sau khi đọc hết quyển sách đó, tôi sẽ viết recap lại khoảng 10-30 trang.
Ngoài ra, vì đã làm và cống hiến trong ngành giáo dục khoảng 10 năm nay nên tôi có một cam kết cá nhân rằng mỗi năm sẽ dành ra 100 giờ để đi dạy học”, ông nhấn mạnh về vai trò của việc đặt mục tiêu cá nhân trong cuộc đời của mỗi người.
Đi sớm nhưng vẫn kịp “thời”
Nhìn lại hành trình 30 năm công tác của ông Hoàng Nam Tiến tại Tập đoàn FPT, có thể thấy tân lãnh đạo Trường Đại học FPT đã đảm nhiệm nhiều vị trí đa dạng.
Và đối với ông, việc đi sớm nhưng vẫn kịp “thời” để làm nên cái mới không chỉ là yếu tố con người, tri thức, cách vận dụng mà còn có những yếu tố khác quan trọng không kém chính là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.
“Nghĩ khác, làm khác chỉ là một trong những yếu tố quan trọng để làm nên một cái mới, còn phải nghĩ tới ‘thiên thời, địa lợi, nhân hòa’.
Khi nào nói đến thời, khi nào đến chữ lợi chứ không phải chữ địa, khi nào đến chữ hòa chứ không phải chữ nhân thì các bạn sẽ hiểu rõ hơn triết lý về việc khi nào nghĩ khác, làm khác và bắt đầu một cái mới, chọn ai cùng đồng hành với mình, chọn chỗ nào để bắt đầu mới là điều quan trọng.”
Bên cạnh đó, theo “sếp Tiến” ở thời đại ngày nay, lúc nào cũng là thời của giáo dục nên việc phát triển bản thân, đạt được mục tiêu trong sự nghiệp là điều mà ai cũng nên định hướng được ở bất kỳ độ tuổi nào.
“Lúc nào cũng là thời của giáo dục hết, nhưng ngày hôm nay do biến động của thị trường quá lớn, vì vậy thành ra những gì xuất phát từ kinh nghiệm, chúng ta nghe báo đài, đọc sách,… không đủ nữa.
Hiện nay, các bạn GenZ chiếm 25% của thế giới, và chiếm 50% trong những năm tới đây. Trước đó cỡ 25-30 tuổi là phải đi học, bạn có học mới hiểu được xã hội chuyển động về đâu, hiểu được các bạn GenZ, những người trở thành đồng nghiệp, nhân viên của mình suy nghĩ gì, làm việc ra sao, hành động thế nào?
Do vậy, học gì đi chăng nữa quan trọng nhất vẫn là việc ứng dụng vào công việc thực tế ở Việt Nam. Đó mới là thứ quyết định làm nên giá trị bản thân bạn”, Phó Chủ tịch Đại học FPT nhấn mạnh.
Theo kênh Youtube Vietsuccess-Bảo Hân–Theo phunuso.baophunuthudo