SCMP đưa tin, hai cuộc khảo sát mới đây cho thấy ngày càng có nhiều công ty nước ngoài đang xem xét các giải pháp thay thế cho sản xuất và chế tạo sau các hạn chế trong chính sách Zero-Covid của Trung Quốc. Theo ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), các nhà đầu tư châu Âu muốn tìm kiếm những nơi có điều kiện đầu tư và kinh doanh ổn định hơn.
Theo hai cuộc khảo sát gần đây, nhiều công ty nước ngoài đã và đang xem xét chuyển một phần hoạt động của họ từ Trung Quốc sang các nước láng giềng như Việt Nam và Ấn Độ. Theo khảo sát mới đây của EuroCham, tỷ lệ các công ty châu Âu đã chuyển một số hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam đã tăng lên 41% trong quý IV/ 2022, tăng từ mức 13% trong quý III/2022.
Cuộc khảo sát đã thăm dò ý kiến của hơn 200 công ty châu Âu và nhận thấy tỷ lệ không chuyển một phần hoạt động của doanh nghiệp từ Trung Quốc sang Việt Nam đã giảm từ 76% xuống 31% trong cùng kỳ.
Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham cho biết, các nhà đầu tư châu Âu tại Trung Quốc rõ ràng đang tìm kiếm các điều kiện đầu tư và kinh doanh ổn định hơn trong quý IV/2022.
“Nỗ lực không ngừng nhằm đa dạng hoá nguồn cung ứng và không phụ thuộc hoàn toàn vào một quốc gia đã thúc đẩy các nhà đầu tư châu Âu đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là sau đại dịch”, Chủ tịch EuroCham nhận định.
“Trong khoảng 40 năm qua, Trung Quốc đã khẳng định là cường quốc sản xuất của thế giới. Song, xu hướng các doanh nghiệp châu Âu chuyển đến Việt Nam ở hiện tại đã cho thấy một sự thay đổi rõ ràng trong câu chuyện này”, vị Chủ tịch nói thêm.
Trong một cuộc khảo sát của Container xChange, 67% trong số 2.600 người tham gia khảo sát từ hơn 20 quốc gia cho biết họ đang xem xét các lựa chọn nơi sản xuất và chế tạo thay cho Trung Quốc sau các hạn chế về Covid-19 tại quốc gia này.
Trong đó, Việt Nam và Ấn Độ được coi là những điểm đến hấp dẫn nhất. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá, tầm quan trọng của Trung Quốc sẽ vẫn còn, nhưng dần dần các công ty sản xuất và chế tạo sẽ đa dạng hóa và mở rộng hoạt động kinh doanh của họ.
“Các công ty đang tìm kiếm các nguồn cung ứng thay thế sẽ không làm giảm vai trò quan trọng của Trung Quốc trong sản xuất toàn cầu vào năm 2023. Chúng ta sẽ chứng kiến sự chuyển đổi dần dần từ các ngành công nghiệp chỉ dựa vào Trung Quốc về năng lực sản xuất và nhân lực lành nghề. Trong đó, Việt Nam và Ấn Độ sẽ vươn lên thành những trung tâm vận chuyển container hoạt động hiệu quả vào năm 2023”, báo cáo của Container xChange cho hay.
Theo SCMP, kể từ khi từ bỏ quy định Zero-Covid, Trung Quốc đã nhiều lần cam kết ổn định chuỗi cung ứng và giải quyết các mối lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ, các khu vực kinh tế lớn của Trung Quốc như tỉnh Quảng Đông đã và đang thực hiện các bước để củng cố chuỗi cung ứng và thu hút đầu tư nước ngoài mới trong năm nay.
Theo khảo sát của EuroCham, tỷ lệ các công ty cho biết đã chuyển địa điểm hoạt động “một chút” hoặc “vừa phải” đều tăng 13%, trong khi tỷ lệ các công ty chuyển hoạt động “đáng kể” tăng 2%. Bất chấp triển vọng ảm đạm của nền kinh tế Đông Nam Á, việc các doanh nghiệp châu Âu chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng đột biến được xem là một điểm sáng.
Nguồn: SCMP-Giang Anh (lược dịch)-Theo Theo Nhịp sống thị trường