Các quốc gia được có khả năng gia nhập Bộ tứ Himalaya hầu như có nền kinh tế tương đối yếu, năng lực quân sự kém cùng nhiều vấn đề và thách thức trong nước.
Có thể trở thành hiện thực nếu “một số lằn ranh đỏ” bị vượt qua
Một trong những biện pháp đáng chú ý nhất mà Washington và các đồng minh thực hiện để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc là thiết lập Đối thoại An ninh Tứ giác kim cương, hay còn gọi là “Quad”.
Nhóm Quad đã tổ chức cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên vào tháng 3, khi lãnh đạo 4 nước cam kết cung cấp 1 tỷ liều vaccine Covid-19 trên khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vào cuối năm 2022 – được nhiều người coi là biện pháp chống lại chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc.
Trung Quốc coi việc lập nhóm, bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ, là một phần trong chính sách bao vây của Mỹ – khiến các nhà phân tích đặt câu hỏi liệu Bắc Kinh có tìm cách thành lập một khối đối trọng với Quad, tập trung vào không chỉ an ninh mà còn những thách thức toàn cầu như chống khủng bố và biến đổi khí hậu.
Đầu tháng Tư, Yury Yarmolinsky, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Belarus, đã viết trong một bài báo được xuất bản bởi Tổ chức Nghiên cứu Người quan sát (ORF) của Ấn Độ rằng những phát triển gần đây về lý thuyết có thể “thúc đẩy Bắc Kinh thể chế hóa việc thành lập ‘Bộ tứ Himalayan’ (Himalayan Quad) bao gồm Trung Quốc, Nepal, Pakistan và Afghanistan như một đối trọng cho Quad do Mỹ dẫn dắt.”
Yarmolinsky nói rằng ông chủ yếu dựa vào quan điểm của Jagannath Panda, một nghiên cứu viên và điều phối viên của Trung tâm Đông Á tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar có trụ sở tại Delhi, người đã sử dụng thuật ngữ “Himalayan Quad” trong một bài báo tháng 11/2020.
Yarmolinsky, người từng là quan chức ngoại giao của Belarus tại Ấn Độ, cho biết Bộ tứ của Trung Quốc hiện chỉ tồn tại trên nguyên tắc, nhưng có thể trở thành hiện thực nếu “một số lằn ranh đỏ” – chẳng hạn như can thiệp quân sự ở Đài Loan và các biện pháp hoặc tuyên bố làm suy yếu quyền lực của Trung Quốc – bị vượt qua.
Yarmolinsky cho biết Trung Quốc đã thiết lập hợp tác an ninh và chiến lược với Nepal, Pakistan và Afghanistan. Trong gần một thập kỷ qua, Bắc Kinh và Islamabad đã làm việc trong một dự án kết nối và cơ sở hạ tầng trị giá 62 tỷ USD được gọi là “Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan” – một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đầy tham vọng của Bắc Kinh nhằm phát triển một mạng lưới thương mại toàn cầu lấy Trung Quốc làm trung tâm – và hai bên cũng đã hợp tác để giải quyết các thách thức an ninh xung quanh biên giới chung.
Trong khi đó, Nepal nhận được đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợ kinh tế từ Bắc Kinh; quốc gia nhỏ bé thuộc dãy Himalaya này cũng đã mở một học viện đào tạo cho lực lượng cảnh sát bán quân sự bảo vệ biên giới với Tây Tạng. “Nepal là một chỗ đứng vững chắc trên dãy Himalaya trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ Trung-Ấn,” Yarmolinsky nói.
Năm 2018, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết họ đang hỗ trợ và tăng cường các nỗ lực phòng thủ và chống khủng bố của Afghanistan – với việc Bắc Kinh cung cấp hơn 70 triệu USD viện trợ quân sự cho chính phủ Afghanistan từ năm 2016 đến năm 2018, theo các nhà nghiên cứu người Afghanistan.
Mark N. Katz, giáo sư về chính trị và chính phủ tại Đại học George Mason ở Mỹ, mô tả Pakistan “sẵn sàng và có thể liên minh với Trung Quốc”, dựa trên lập trường chống Mỹ của Islamabad xuất phát từ các hành động quân sự của Mỹ trên đất Pakistan dưới danh nghĩa “cuộc chiến chống khủng bố”.
“Chừng nào Ấn Độ còn mâu thuẫn với cả Pakistan và Trung Quốc, Islamabad và Bắc Kinh sẽ có lý do chính đáng để hợp tác với nhau,” Katz nói, đề cập đến vụ nổ chết người tại biên giới chung của Ấn Độ và Trung Quốc năm 2020, và “mối thù truyền kiếp” giữa Ấn Độ và Pakistan, chủ yếu là về khu vực tranh chấp Kashmir.
Panda, nghiên cứu viên tại Viện Manohar Parrikar, cho biết Trung Quốc đã từng cố gắng kéo Nepal, Pakistan và Afghanistan cùng tham gia đối thoại về đại dịch Covid-19.
“Bộ tứ Himalaya của Trung Quốc nhằm cân bằng khả năng tiếp cận của Ấn Độ trong khu vực,” ông nói. “Khi Bắc Kinh mong muốn mở rộng ảnh hưởng của mình ở Nam Á, họ có thể sẽ nỗ lực hơn nữa để bắt đầu đối thoại Tứ giác Himalaya thường xuyên với các quốc gia này, với mục đích dài hạn là thể chế hóa nó.”
Đồng minh yếu?
Mặc dù một Bộ tứ như vậy của Trung Quốc hiện tại vẫn là một “khả năng xa vời” – và không bao giờ có thể sánh ngang với Quad do Mỹ dẫn dắt về sức mạnh – Panda nói rằng “xem xét sức mạnh tổng hợp ngày càng tăng giữa Bộ tứ, sự xuất hiện của một liên minh do Bắc Kinh dẫn đầu trong khu vực cũng không phải là không thể.”
Ông cho biết một nhóm do Trung Quốc dẫn đầu có thể có sự tham gia của Nga, Pakistan, các quốc gia khác ở Trung Á, Iran và thậm chí cả Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng bất kỳ liên minh nào như vậy đều “sẽ do Trung Quốc cực lực thúc đẩy”.
Tuy nhiên, trong khi nhiều quốc gia được liệt kê ở trên thân thiện với Trung Quốc, nền kinh tế tương đối yếu, năng lực quân sự kém cùng nhiều vấn đề và thách thức trong nước khiến họ khó có thể trở thành những đồng minh tốt, các nhà phân tích cho biết.
Là một quốc gia nhỏ bị kẹp giữa hai gã khổng lồ, “Nepal sẽ cố gắng tránh đưa ra lựa chọn liên minh với một bên chống lại bên kia,” giáo sư Katz tại Đại học George Mason nói và cũng lưu ý rằng Kathmandu đã bị đẩy đến gần Bắc Kinh hơn trong những năm gần đây do “thái độ hống hách” của Delhi.
Mặc dù có truyền thống bền chặt, quan hệ Ấn Độ-Nepal đã căng thẳng trong những năm gần đây do tranh chấp biên giới và một cuộc phong tỏa không được công bố mà Kathmandu cáo buộc Delhi áp đặt vào năm 2015, khiến quốc gia thuộc dãy Himalaya đứng trước bờ vực sụp đổ kinh tế.
Trong khi đó, Afghanistan có một chính phủ phải đối mặt với phong trào Taliban đang trỗi dậy ở trong nước.
Trong số tất cả các đối tác khả dĩ mà Trung Quốc có thể liên minh để thành lập một Bộ tứ của riêng mình, Nga có lẽ là mạnh nhất – mặc dù có chung đối thủ là Mỹ, Katz cho biết nhiều người ở Moscow coi Bắc Kinh là một thách thức lâu dài hơn là phương Tây.
“Câu hỏi đặt ra là liệu người kế nhiệm của Vladimir Putin sẽ có nhận thức về mối đe dọa giống hay khác với ông ấy,” ông nói. Nhà lãnh đạo Nga đã từng nói ông vẫn chưa quyết định có tái tranh cử tổng thống khi nhiệm kỳ thứ tư của ông kết thúc vào năm 2024 hay không.
Thà một mình còn hơn?
Trong khi Trung Quốc có thể tạo ra phiên bản Quad của riêng mình, Bunn Nagara, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Malaysia, cho biết Bắc Kinh “có thể tự làm tốt hơn thế bằng cách cải thiện quan hệ khu vực với cách ứng xử tốt hơn ở phía Đông và Biển Đông.”
Thời gian gần đây, Trung Quốc bị cáo buộc đã gia tăng gây hấn trên cả hai tuyến đường thủy, với việc tăng cường tuần tra ở Biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan, và hàng trăm tàu của Trung Quốc đã thả neo gần một rạn san hô tranh chấp gần Philippines hồi tháng Ba.
Yarmolinsky, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Belarus, cho biết thay vì tạo ra các liên minh cứng rắn vốn là “di tích của quá khứ”, hầu hết các quốc gia bao gồm cả Trung Quốc có thể thích “những liên minh trên cơ sở kinh tế”.
Ví dụ, ông chỉ ra sự tham gia và sự can dự kinh tế nhiều hơn của Bắc Kinh vào các diễn đàn khu vực như Hợp tác giữa Trung Quốc với các nước Trung và Đông Âu – còn được gọi là khối “17+1” – nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư, và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được Trung Quốc và 14 quốc gia châu Á khác ký tháng 11/2020, trở thành hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới trong tiến trình này.
Yarmolinsky lưu ý thêm về sự tham gia của Trung Quốc vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) với Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Ấn Độ và Pakistan, cũng như mối quan hệ thân mật với các thành viên của nhóm BRICS như Brazil và Nam Phi.
“Càng có nhiều đồng minh, kiến trúc an ninh khu vực càng ổn định,” ông kết luận.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị