Động thái của Nga và Mỹ được cho là có khả năng đánh bật mọi ảnh hưởng mà Trung Quốc đã gây dựng tại khu vực này trong hơn 2 thập kỷ qua.
Cú đòn “đúp” dành cho Bắc Kinh
Trung Quốc đang phải đối mặt với thất bại lớn nhất ở Lục địa châu Phi cho tới nay. Tháng 10 năm ngoái, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa Sudan ra khỏi tình thế bị cô lập sau khi xóa tên nước này khỏi danh sách “Các quốc gia tài trợ khủng bố (SST)” của Washington, đồng thời thúc đẩy thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Sudan và Israel.
Sau đó không lâu, Nga tiết lộ rằng nước này đã xúc tiến thỏa thuận dự thảo với Khartoum về việc thiết lập một căn cứ hậu cần hải quân trên bờ biển Sudan ở Biển Đỏ.
Tình hình trên khiến Trung Quốc phải đối mặt với một cú đòn đúp ở Sudan, khi cả hai đối thủ lớn của họ – Nga và Mỹ đều đang có những bước tiến đáng kể vào quốc gia được ví như cửa ngõ của châu Phi.
Trang tin TFI gọi đó là những “nước cờ tài tình”. Cả Nhà Trắng và Điện Kremlin dường như đang tìm cách loại bỏ Trung Quốc ra khỏi một nước có vị trí chiến lược và giàu tài nguyên như Sudan.
Moscow bày tỏ rằng họ sẵn sàng cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự miễn phí cho Sudan với mục đích duy trì hệ thống phòng không tại cơ sở hải quân mà Nga đề xuất. Qua đó, Nga đang thể hiện sự ủng hộ đối với Sudan bằng cách cung cấp sự hỗ trợ quân sự cho phép chống lại nhiều mối đe dọa an ninh đang thống trị khu vực Sahel của châu Phi.
Trong tuyên bố của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin có đoạn: “Dự án này bắt nguồn từ mong muốn chung của Moscow và Khartoum nhằm tăng cường và phát triển hợp tác quân sự để nâng cao năng lực quốc phòng của cả hai phía”.
Đánh bật tầm ảnh hưởng Trung Quốc gây dựng tại Sudan
Sudan là một quốc gia khá quan trọng đối với bất cứ cường quốc nào muốn phát triển tầm ảnh hưởng ở Lục địa châu Phi. Thứ nhất, Sudan may mắn có nguồn vàng và dầu mỏ rất dồi dào. Thứ hai, nước này là cửa ngõ vào thị trường châu Phi và Trung Đông. Ví dụ, thành phố cảng Port Sudan, với vị trí chiến lược, đóng vai trò là điểm nối quan trọng đến các thị trường châu Phi và Trung Đông.
Về phần Nga, Sudan đóng vai trò là mắt xích quan trọng trong chiến lược của Moscow nhằm kiềm chế chủ nghĩa cực đoan gia tăng tại những quốc gia như Ai Cập, Libya và trong chừng mực nào đó tại Syria, đồng thời nước này còn là thị trường nhập khẩu thực phẩm và thiết bị quân sự của Nga.
Trong khi đó, tính đến nay, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng một cách nguy hiểm ở Sudan. Xu hướng này phát triển từ sau vụ đánh bom của tổ chức khủng bố al-Qaeda năm 1998 nhằm vào đại sứ quán Mỹ khiến 224 người thiệt mạng.
Các biện pháp trừng phạt tiếp sau của Mỹ đối với Sudan đã mở ra dòng chảy đầu tư của Trung Quốc nhằm vào đất nước vừa bị chiến tranh tàn phá và không có cách nào khác để thu hút đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, Trung Quốc được cho là đang kiểm soát 75% ngành công nghiệp dầu mỏ của Sudan và đang xâm nhập vào cả những lĩnh vực khác của nền kinh tế nước này. Khoảng trống do Mỹ để lại đã tạo điều kiện cho Trung Quốc biến Khartoum trở thành một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), đồng thời nắm quyền kiểm soát gần như toàn bộ phần lớn nền kinh tế Sudan.
Trên thực tế, Sudan là điểm mở đầu để Trung Quốc gia tăng tầm ảnh hưởng ở châu Phi. Khartoum hiện vẫn là một trong những đối tác BRI quan trọng nhất đối với Bắc Kinh tại khu vực này, xét tới phạm vi tiếp cận rộng lớn mà Sudan mang lại.
Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Sudan nói riêng và châu Phi nói chung luôn là vấn đề rất được quan tâm. Con “rồng giấy” luôn muốn tiếm quyền châu Phi bằng cách áp đảo nền kinh tế Sudan.
Tuy nhiên, theo TFI, Washington và Mỹ đã liên tiếp hành động nhằm đối phó Trung Quốc ở Sudan. Những chuyến hàng viện trợ nhân đạo của Mỹ và viện trợ quân sự của Nga có khả năng đánh bật mọi ảnh hưởng mà Bắc Kinh đã gây dựng ở Sudan trong hơn 2 thập kỷ qua.
Hiện chưa rõ trong thời gian tới, chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden liệu có sự thay đổi nào trong chính sách của Mỹ đối với Sudan so với thời cựu Tổng thống Donald Trump hay không. Song, cho tới lúc ấy, không thể phủ nhận rằng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại quốc gia châu Phi này đã bị lấn át đáng kể trước các bước đi của hai đối thủ lớn.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị