Từ thành công của trà sữa, người ta nhận ra những khoảng trống của thị trường đồ uống Việt Nam, đặc biệt là ở dòng healthy – detox.
Sáng đầu tuần tại cơ sở rộng hơn 400m2 mặt tiền ngã tư Hồ Tùng Mậu – Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy, Hà Nội), Đặng Thị Trà Giang – CEO chuỗi đồ uống Lofita – Love At First Taste vừa kết thúc buổi làm việc với nhóm founder để lên kế hoạch khai trương chi tiết cho cửa hàng thứ 4 vào cuối tuần này.
9 tháng sau khi mở cửa hàng đầu tiên bởi nhận thấy khoảng trống của thị trường đối với sản phẩm chuyên nghiệp trong phân khúc đồ uống healthy – có lợi cho sức khỏe, cả 3 cửa hàng của Lofita tại các vị trí đắc địa trung tâm Hà Nội đến nay luôn trong trạng thái kín khách.
Nữ CEO 9x hiện dành không ít thời gian cho các kế hoạch franchise (nhượng quyền), trước nhu cầu hợp tác từ các địa phương, dù vẫn đặt nhiều đam mê cho công việc pha chế, nghiên cứu sản phẩm mới…
Thành công khi chọn “khe cửa hẹp”
Tiếp theo giai đoạn cao trào của các mô hình chuỗi đồ uống phổ thông với sản phẩm gốc là cà phê như Highland Coffee, Cộng Cà phê, AHA Cafe, The Coffee House… hay “cuộc xâm lăng” của các thương hiệu trà sữa trong giới trẻ, gần đây, một số chuỗi đồ uống lựa chọn dòng sản phẩm hẹp hơn nhưng có đặc trưng bản địa hoặc hướng trực tiếp vào nhu cầu cải thiện sức khỏe và làm đẹp của người tiêu dùng đã cho thấy những thành công lớn.
Điển hình như việc thương hiệu Phúc Long nổi tiếng tại TP HCM với các dòng sản phầm đặc trưng là trà rầm rộ tiến quân ra Bắc hay thương hiệu “sữa đậu nành” Soya Garden nhận được vốn đầu tư gần 5 triệu USD vào cuối tháng 4 vừa qua…
Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor hồi năm 2017, mô hình chuỗi cửa hàng đồ uống tại Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 7% một năm. Nếu như trong giai đoạn 2015, ước tính cả nước có hơn 26.000 cửa hàng, số lượng hoạt động theo mô hình chuỗi chỉ chiếm 2% (tương đương khoảng 500 cửa hàng) thì những năm gần đây đã tăng mạnh về cả số lượng và nâng dần tỷ lệ so với mô hình cửa hàng cà phê độc lập.
Báo cáo nêu trên cũng đưa ra những nhận định về xu hướng phát triển của mô hình này là thiết kế sáng tạo, đề cao tính hòa hợp với thiên nhiên cũng là yếu tố quan trọng quyết định thành công của các chuỗi. Như trường hợp của Lofita, CEO Đặng Thị Trà Giang chia sẻ yếu tố sáng tạo và hòa hợp với tự nhiên là điều được chú trọng ngay từ khi mở cửa hàng đầu tiên, cả trong việc thiết kế sản phẩm cho đến không gian cửa hàng.
Là người sáng lập trung tâm đào tạo pha chế Namas , nữ CEO chia sẻ đặc điểm chung của đồ uống Lofita được làm từ hoa quả sạch – tươi – tự nhiên, được nhập mới mỗi ngày. Đồ uống được pha tại quầy với chu trình tiệt trùng, hoa quả được sục ozone; dụng cụ và chai lọ được hấp sấy tiệt trùng.
“Một bí quyết quan trọng không kém để giúp chuỗi đồ uống có thể “bắt trend” là sự khó tính trong việc lựa chọn địa điểm cũng như tỉ mỉ khi design quán”, Đặng Thị Trà Giang cũng bật mí địa điểm thường được chọn thường phải có những điểm đặc biệt, tập trung đông khách hàng trẻ đồng thời thỏa mãn nhu cầu sống ảo hay check-in như có view trên cao khoáng đạt, nhìn ra những công trình biểu tượng của thành phố…
Không gian cũng được lưu ý thiết kế theo phong cách riêng, vừa hòa hợp với thiên nhiên, vừa mang hơi thở sang chảnh phù hợp với nhiều nhu cầu khác nhau của giới trẻ.
Với sự giúp sức của đơn vị bảo trợ truyền thông là một thương hiệu đình đám trong ngành cưới – vốn đã quen thuộc với việc tìm kiếm, gây dựng những không gian lung linh, nhiều màu sắc, nhiệm vụ này hoàn toàn khả thi với Lofita. Chính điều đó khiến lựa chọn kinh doanh tưởng như một “khe cửa hẹp” ban đầu trở nên rộng mở hơn bao giờ hết.
Xa hơn cả kinh doanh đồ uống
Theo thống kê quản lý tại các cơ sở của Lofita, nhờ việc chọn được địa điểm đã có lợi thế sẵn hoặc giàu tiềm năng, khách hàng đến với chuỗi đồ uống không chỉ tập trung vào đối tượng là các bạn trẻ, học sinh sinh viên mà còn có cả đối tượng khách gia đình, văn phòng – những người có tỷ lệ chi tiêu cao hơn trong cùng một thời gian lưu lại quán.
Bên cạnh đó, thời gian đông khách cũng không chỉ tập trung vào buổi trưa, tối hoặc cuối tuần mà rải khá đều ở các khung giờ trong ngày. Chẳng hạn như cửa hàng thứ 4 của chuỗi ở khu Nhà thờ lớn Hà Nội đã thu hút được một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước, khách hàng chụp ảnh cưới… dù chưa chính thức khai trương.
Chính việc thu hút được luồng khách hàng liên tục này khiến CEO Đặng Thị Trà Giang và các cổ đông khác tin tưởng rằng họ có thể “làm nhiều việc” với các địa điểm kinh doanh.
Cụ thể khi đàm phán phát triển các địa điểm mới, ban điều hành Lofita thường ưu tiên lựa chọn những đối tác có sẵn các ngành nghề kinh doanh sẵn có có thể kết hợp với chuỗi đồ uống; hoặc sở hữu địa điểm kinh doanh giàu tiềm năng, đang cần xúc tác để tăng trưởng trong tương lai.
Trong lần chia sẻ với nhóm sáng lập Lofita, Shark Phạm Thanh Hưng – Chủ tịch Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Thế kỷ CENINVEST; Phó chủ tịch HĐQT CEN Group cho rằng định hướng “khôn ngoan” này giúp các đối tác của chuỗi không chỉ thu được lợi ích từ đầu tư vào chuỗi đồ uống mà còn có thể cộng hưởng đối với các công việc kinh doanh hiện tại, cũng như xa hơn là giúp gia tăng giá trị đối với bất động sản bằng việc thu hút được dòng người lớn qua cơ sở kinh doanh.
Kết quả thực tế cũng chứng minh cho nhận định này khi cả 4 cửa hàng của Lofita tại các vị trí đắc địa trung tâm Hà Nội đến nay luôn trong trạng thái kín khách. “Hiện nay chúng tôi đang đàm phán với một số đối tác tại Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… cũng như tìm hiểu khả năng mở rộng chuỗi vào Đà Nẵng và TP HCM, những địa phương Lofita có sẵn đối tác chiến lược”, Trà Giang tiết lộ.
Theo Nhịp sống kinh tế